Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành Công nghệ vật liệu dệt, may là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất trong tương lai, với mức tăng trưởng khoảng 8-10% mỗi năm. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo rằng ngành Công nghệ dệt, may sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới với tốc độ tăng trưởng ổn định.
Ngành Dệt may Việt Nam nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi năm ngành Dệt may tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm. Mặc dù có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, song nhân lực ngành này vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành Dệt may Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, cũng như có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May là gì?
Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May (Technology of Textile and Garment Materials) liên quan đến việc nghiên cứu và ứng dụng các loại vật liệu dệt như xơ dệt, sợi, vải. Sinh viên sẽ học về nguồn gốc, tính chất, cách nhận biết và ứng dụng của các loại xơ dệt; công nghệ sản xuất sợi, vải và các phương pháp hoàn tất sản phẩm như nhuộm, in hoa và xử lý sinh thái.
Học Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May ở Khoa Công nghệ May, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng tài liệu kỹ thuật, ứng dụng tin học vào thiết kế vải, kiểm tra chất lượng sản phẩm, và quản lý sản xuất trong ngành công nghiệp dệt may; học cách vận hành thiết bị sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm, và in hoa….cũng như cách thức tổ chức, quản lý và chỉ đạo sản xuất trong các doanh nghiệp dệt may.
Thực tập doanh nghiệp – cầu nối đưa sinh viên đến gần nhà tuyển dụng
Khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có những giải pháp linh hoạt nhằm tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo như: doanh nghiệp được tham gia phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tổ chức nhiều hội thảo, chương trình tuyển dụng,...
Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm, thăm quan thực tế, thực tập doanh nghiệp luôn được chú trọng quan tâm, đẩy mạnh kết nối. Ngay từ năm đầu tiên, sinh viên của Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May của Khoa Công nghệ May và Thiết kế thời trang sẽ được tham quan và trải nghiệm tại các doanh nghiệp dệt may, từ đó có cái nhìn tổng quan về môi trường làm việc tương lai.
Qua những chuyến tham quan, thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu, Dệt May được doanh nghiệp đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mời sinh viên đến thực tập có hưởng lương; tạo điều kiện tuyển dụng và tiếp nhận sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững với Khoa đều chào đón, sẵn sàng hỗ trợ, trao học bổng cùng nhiều khóa học chuyên sâu cho sinh viên; mang đến những cơ hội việc làm hấp dẫn ngay trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập hấp dẫn
Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May mở ra nhiều cơ hội việc làm đa dạng, với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Theo khảo sát, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có mức lương khởi điểm cơ bản từ 10 – 12 triệu đồng/ tháng; Người có kinh nghiệm từ 2 - 3 năm: Mức lương dao động từ 15 - 20 triệu/tháng.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May; sinh viên có thể tự tin đảm nhiệm các vị trí công việc như: Làm việc tại các trung tâm nghiên cứu hoặc phòng R&D của các công ty dệt, may để nghiên cứu và phát triển vật liệu mới; giám sát quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn; Thiết kế và phát triển các quy trình sản xuất vải và vật liệu, tối ưu hóa công nghệ và thiết bị; Chuyên gia về chất liệu và phụ gia làm việc trong lĩnh vực cung cấp và tư vấn về vật liệu, phụ gia và hóa chất sử dụng trong ngành dệt, may; Chuyên viên quản lý chất lượng; Chuyên viên tiếp thị và phát triển sản phẩm và nhu cầu của khách hàng; Nhân viên bán hàng kỹ thuật; Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng hoặc các viện nghiên cứu về dệt may.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc tại các công ty có vốn nước ngoài, sinh viên còn được đào tạo thêm ngoại ngữ miễn phí, mở ra nhiều cơ hội thăng tiến và tỏa sáng trong nghề nghiệp.
Ngành Công nghệ Vật liệu Dệt, May tại Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Với chương trình đào tạo chú trọng vào thực hành và ứng dụng thực tiễn, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để tự tin bước vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu bạn đam mê thiết kế và sản xuất các sản phẩm dệt may, đây chắc chắn là ngành học lý tưởng để bạn tạo dựng tương lai, phát triển sự nghiệp.
Thông tin tuyển sinh:
Chương trình đào tạo: Công nghệ Vật liệu Dệt, May
Mã ngành đào tạo : 7540203
Tổ hợp xét tuyển: A00; A01; D01
Chỉ tiêu tuyển sinh : 60
Điểm trúng tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của 3 năm gần nhất:
- Năm 2021: Điểm TN THPT là 22,15
- Năm 2022: Điểm TN THPT là 22,15
- Năm 2024: Điểm TN THPT là 20,10
Thông tin liên hệ:
Website: https://fgd.haui.edu.vn/vn
https://www.haui.edu.vn/vn/tin-tuc/nganh-cong-nghe-vat-lieu-det-may/61816
https://tuyensinhso.vn/nhom-nganh-dao-tao/nganh-cong-nghe-vat-lieu-det-may-c16966.html