Cơ hội và thách thức với nhân lực ngành quản trị khách sạn

GD&TĐ - Tổng cục Du lịch thống kê, với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm Việt Nam cần đến 40.000 lao động có trình độ.

ThS. Nguyễn Quang, Giám đốc vận hành - MapStar, Chủ tịch CLB Quản lý Housekeeping Việt Nam. Ảnh NVCC.
ThS. Nguyễn Quang, Giám đốc vận hành - MapStar, Chủ tịch CLB Quản lý Housekeeping Việt Nam. Ảnh NVCC.

Tuy nhiên, các trường đào tạo mới chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 người. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp về du lịch, khách sạn đang có sự cạnh tranh gắt gao trong tuyển dụng nhân sự, đặc biệt ở vị trí quản lý cấp cao.

Hành trang cần và đủ

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, nhân viên quản lý buồng phòng tại khách sạn Dragon Hotel Hạ Long (Quảng Ninh), cựu sinh viên Trường ĐH Hạ Long chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố du lịch (Hạ Long), từ nhỏ đã được tiếp cận với các dịch vụ trong ngành nên phần nào đó hiểu cơ hội phát triển của người làm trong lĩnh vực này, đặc biệt là quản lý nhà hàng, khách sạn.

Trong xu thế hiện nay Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch – văn hóa, tạo động lực cho chuỗi hoạt động nhà hàng, khách sạn phát triển theo. Vì vậy tốt nghiệp THPT tôi đã chọn theo học ngành quản trị khách sạn. Trong thời gian học, tôi đã xin đi làm thêm ở một số khách sạn để học hỏi, rèn luyện các kỹ năng, cũng như nắm bắt được hướng phát triển, sự đòi hỏi của thị trường để sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội cho bản thân cũng như trau dồi các kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp…”.

Chị Mai Anh cũng cho biết thêm, hiện nay các trường đã chú trọng đào tạo tăng thời lượng thực hành, coi trọng cọ xát thực tế nhiều hơn, vì vậy sinh viên cần tận dụng tối đa thời gian đó để học, xâm nhập môi trường xã hội và tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nội địa và quốc tế ngày càng tăng cao. Vì thế, nhiều nhà hàng và khách sạn thiếu hụt nguồn nhân lực để vận hành trôi chảy tất cả các hoạt động. Do đó, việc chú trọng để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo phục vụ tốt cho ngành chính là điều đáng quan tâm hiện nay.

ThS Trần Trung Việt - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Cao đẳng Hoa Sen cho biết: “Tại trường chúng tôi, sinh viên ngành quản trị nhà hàng, khách sạn được kiến tập, thực tập với thời lượng lên đến 70% chương trình đào tạo, đây chính là cơ hội để các em thạo nghề. Bên cạnh đó, sinh viên còn được nhà trường trang bị nhiều kỹ năng ngoại khóa giúp các bạn sau khi tốt nghiệp hoàn toàn tự tin để chinh phục nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, nhà trường cũng đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu người học, liên kết với các resort, nhà hàng, khách sạn từ 3 - 5 sao giúp sinh viên thực hành nghề nghiệp sớm, đạt được mục tiêu vững nghề ngay sau khi tốt nghiệp”.

Ngành hot nhưng tỉ lệ đào thải cao

Du lịch phát triển, cơ hội việc làm và phát triển của người làm trong ngành quản lý khách sạn càng lớn. Ảnh: NQ

Du lịch phát triển, cơ hội việc làm và phát triển của người làm trong ngành quản lý khách sạn càng lớn. Ảnh: NQ

Đứng ở góc độ là nhà quản lý, ThS Nguyễn Quang, Giám đốc vận hành - MapStar, Chủ tịch CLB Quản lý Housekeeping Việt Nam (VEHA), thành viên sáng lập Hiệp hội quản lý Housekeeping châu Á (AHA) nhận định: “Hiện nay, ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn là một ngành “hot” không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới bởi yêu cầu đầu vào không quá khắt khe trong khi đó nhiều cơ hội việc làm tốt được thực hành thực tế, có thêm thu nhập ngay trong khi đang đi học.

Tuy nhiên, để có thể thành công trong ngành này sinh viên cần phải hiểu đúng bản chất của ngành nhà hàng - khách sạn là ngành dịch vụ. Khi đã là ngành dịch vụ thì phải quán triệt được “niềm vui và sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu của mình” vì thế, sinh viên phải chủ động học những kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, đặc biệt cần rèn luyện kỹ năng nghề thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế; cách sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng nhuần nhuyễn những phương pháp vận hành mới,… luôn sáng tạo trong học tập và công việc để có thể đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, cũng là của ngành nhà hàng - khách sạn”.

Ông Nguyễn Quang phân tích thêm, du lịch Việt Nam nói riêng cũng như các nước trên thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng của Covid-19, do đó nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành du lịch rất lớn. Đây cũng là yếu tố thuận lợi mang đến những cơ hội vô cùng tốt cho các em sinh viên học ngành quản trị nhà hàng - khách sạn.

Nhiều sinh viên trong thời gian học đã đi thực tập, làm thêm và có những bạn đã trở thành nhân viên chính thức của nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong nước hay có những khách sạn quốc tế khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Song song với những thuận lợi, ông Nguyễn Quang cũng thẳng thắn chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến tính đào thải hay chuyển việc của ngành này rất cao. Thứ nhất, yêu cầu công việc của ngành nhà hàng - khách sạn đối với nhân viên là rất cao, từ thái độ tích cực đến kỹ năng chuyên môn tốt, phải đi làm ca kíp… áp lực công việc lớn, nhiều người không đáp ứng được nên phải chuyển hướng tìm kiếm công việc phù hợp hơn.

Thứ hai, chế độ, quyền lợi cho người lao động không cao so với một số ngành nghề khác trong xã hội hiện nay. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên ngành nhà hàng - khách sạn còn thấp, đặc biệt với những vị trí nhân viên mới, kể cả làm việc ở những khách sạn 4 và 5 sao. Mỗi khi Nhà nước có chế độ chính sách nâng mức lương cơ bản là một loạt các khách sạn phải nâng theo tức là lương của nhân viên hiện nay rất sát với mức lương tối thiểu vùng.

Thứ ba là cơ hội việc làm rất nhiều, kể cả trong cũng như ngoài ngành nên khi có cơ hội về môi trường làm việc tốt hơn, mức đãi ngộ tốt hơn là nhân viên sẵn sàng nhảy việc, dẫn đến tính bền vững và sự chuyên tâm, gắn bó không cao.

“Ngành nhà hàng - khách sạn không chỉ phục vụ khách nội địa mà cả khách quốc tế, vì vậy muốn làm việc tại các nhà hàng, khách sạn cao cấp thì yêu cầu ngoại ngữ là bắt buộc. Đặc biệt, với những nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách khi có ngoại ngữ tốt mới có thể truyền đạt được đầy đủ những thông tin về dịch vụ và có khả năng tiếp nhận kịp thông tin phản hồi, đáp ứng được những yêu cầu của khách. Trong quá trình làm việc, họ không những có cơ hội nhận lương cao mà còn có cơ hội phát triển, thăng tiến”, ThS Nguyễn Quang, Giám đốc vận hành MapStar, Chủ tịch CLB Quản lý Housekeeping Việt Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.