Nhu cầu nhân lực ngày càng lớn
Trong bối cảnh nhà hàng khách sạn mở ra ngày càng nhiều, nhu cầu nguồn nhân lực của nghề này là khá lớn. Chưa kể đến xu hướng “nở rộ” của nhiều khu nghỉ dưỡng, resort… như hiện nay. Trong tương lai rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, có bằng cấp chính quy từ các trường đào tạo uy tín. Vì vậy, chọn ngành học đầy triển vọng này, thất nghiệp là nỗi lo bạn không cần phải đối mặt.
Tại Việt Nam, ngành Quản trị Du lịch khách sạn hiện có nhiều hứa hẹn, dự kiến năm 2020 sẽ có 50 triệu lượt khách du lịch, tạo ra 3 triệu cơ hội việc làm. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên tại các thành phố lớn và khu du lịch như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An… Trong khi nhu cầu là rất lớn, lực lượng nhân sự tại Việt Nam lại chưa thể theo kịp cả về số lượng và chất lượng. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi năm ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ ở con số 15.000. Như vậy, cơ hội nghề nghiệp là không khan hiếm.
Lĩnh vực nhà hàng khách sạn rất đa dạng phong phú về ngành nghề. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp, bạn hoàn toàn có thể bắt tay ngay vào một công việc cụ thể mà không mất thời gian xác định xem công việc nào phù hợp với ngành nghề mình học. Khá nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã về làm việc ngay cho các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… nổi tiếng và đón nhận cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhà hàng khách sạn còn là môi trường làm việc chuyên nghiệp và đẳng cấp. Làm việc ở đây, bạn còn có cơ hội tiếp xúc gặp gỡ thường xuyên với đối tượng khách hàng sang trọng và lịch sự đến từ khắp thế giới. Đặc biệt, bạn có thể gặp được người nổi tiếng hoặc những nhân vật có “tầm ảnh hưởng” ngay tại nơi mình làm. Vị trí công việc của lĩnh vực nhà hàng khách sạn không chỉ đa dạng phong phú mà còn mang lại nguồn thu nhập vô cùng hấp dẫn cho bạn.
Điều kiện để trở thành một nhà quản lý khách sạn giỏi
- Ngoại ngữ tốt: Với xu thế hội nhập kinh tế như hiện nay, ngoại ngữ là một yêu cầu bắt buộc với nhà quản lý khách sạn. Hiện nay, du lịch Việt Nam cực kỳ phát triển, lượng khách nước ngoài đổ về rất đông, chính vì vậy, nếu có trình độ ngoại ngữ tốt, bạn mới có thể giao tiếp và phục vụ họ một cách tốt nhất. Sự lịch thiệp và chuyên nghiệp - tất cả sẽ được thể hiện qua khả năng giao tiếp của bạn. Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, chỉ cần có vốn ngoại ngữ tốt, là bạn sẽ có thêm được rất nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.
- Am hiểu nghiệp vụ khách sạn: Không có nhà quản lý nào mà lại không am hiểu rõ ràng về nghiệp vụ khách sạn cả. Nhà quản lý khách sạn phải được đào tạo về kiến thức chuyên ngành như nghiệp vụ lễ tân, tổ chức hội nghị và sự kiện, xuất nhập cảnh, quản lý và nhân sự.
Là người cầm trịch, điều phối toàn bộ hoạt động của khách sạn, chính vì vậy, chỉ khi nào am hiểu thật sâu sắc, bạn mới có thể xử lý và lên kế hoạch một cách phù hợp nhất. Bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, việc nắm vững những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, ẩm thực của các nước trên thế giới là vô cùng quan trọng. Thông qua đó, bạn mới có thể tư vấn, phục vụ khách hàng một cách tốt nhất có thể.
- Kỹ năng giao tiếp tốt: Nhà quản lý phải thường xuyên tiếp xúc và giao tiếp không chỉ với nhân viên, đối tác mà còn cả khách hàng nữa. Việc này đòi hỏi bạn phải ăn nói lưu loát, ấn tượng, không nói lắp, nói ngọng. Bên cạnh đó, khả năng đàm phán và thuyết phục cũng là vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp xử lý những vấn đề của khách hàng, mà nhà quản lý còn là người đại diện cho khách sạn thuyết trình, kí kết với các đối tác, đại diện cấp cao. Không sai khi nói rằng, giao tiếp tốt là chìa khóa dẫn tới thành công.
- Biết lắng nghe và xử lý tình huống: Hãy thật kiên nhẫn và khéo léo trước mọi tình huống xảy ra. Mỗi ngày, nhà quản lý phải tiếp xúc với hàng trăm người bao gồm cả nhân viên, cấp trên, khách hàng, vì vậy nếu không giữ được sự điềm tĩnh cần có, bạn khó mà có thể xử lý hiệu quả tất cả các công việc trên. Đặc biệt trong tình huống khách hàng bất mãn với thái độ phục vụ của nhân viên, hoặc cấp trên trách phạt, chỉ cần bạn mất kiểm soát một chút thôi là sự việc sẽ đi rất xa và đôi khi mang lại những tổn thất không đáng có cho khách sạn và chính bản thân bạn.
- Chịu được áp lực công việc: Mọi người hay nói rằng, làm quản lý khách sạn như làm dâu trăm họ, không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được. Theo thống kê, nếu muốn thành công, một nhà quản lý khách sạn phải làm việc từ 60 - 80 tiếng/tuần. Với thời gian và khối lượng công việc lớn như vậy, áp lực công việc là cực kỳ lớn.