Cơ hội từ 'cơn sóng thần màu bạc'

GD&TĐ -Đến năm 2030, khoảng 1/4 dân số Singapore sẽ là người từ 65 tuổi trở lên. Điều đó dẫn đến những thách thức về dân số già tại quốc gia này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự lão hóa - xét cho cùng, đó là một phần tự nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nói vào ngày 28/6, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội.

Một trong những cơ hội như vậy là nền kinh tế trường tồn, bằng cách khai thác thói quen tiêu dùng mới của người lớn tuổi. Tại Nhật Bản, “quần thấm hút” dành cho người lớn đã bán chạy hơn tã trẻ em kể từ năm 2013.

Một báo cáo của Financial Times ước tính, điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2025. Các nhà đổi mới đang bắt đầu phát triển những giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp người mắc chứng tiểu không tự chủ.

Các yếu tố như sự sung túc, giáo dục, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, công nghệ đã giúp tăng tuổi thọ của người dân. Số năm trung bình mà người dân Singapore có thể sống khỏe mạnh đã được điều chỉnh tăng lên là 72,6 đối với nam giới và 75,8 đối với nữ giới.

Một số công ty, như Prudential Singapore, đã loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu. Nhờ đó, cho phép nhân viên lớn tuổi tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa là sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn, với nhu cầu thay đổi và khả năng chi tiêu. Theo phân tích của Monitor Deloitte, đến năm 2030, “thế hệ đầu bạc” của Singapore dự kiến tiêu tốn gần 150 tỷ USD (209 tỷ đô la Singapore).

Theo một nghiên cứu năm 2020 của Aging Asia Tại châu Á - Thái Bình Dương, nền kinh tế dự kiến đạt 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng 43% so với năm 2020.

Các doanh nghiệp có thể thiết kế các dịch vụ và sản phẩm cho người lớn tuổi. Đồng thời, cân nhắc đến sự khác nhau về trải nghiệm mua sắm, tiếp thị thương hiệu, bao bì, dinh dưỡng và sức khỏe đối với nhóm cao tuổi.

Sau đại dịch, người tiêu dùng lớn tuổi sẽ chuẩn bị cho những chuyến du lịch mới và trải nghiệm an toàn hơn. Một số công ty thậm chí còn cung cấp các gói “chống lão hóa” bao gồm liệu trình spa, trị liệu nếp nhăn và làm đẹp.

Theo các chuyên gia, có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy về cách nhìn nhận những người cao niên trong xã hội. Trải nghiệm của “người cao tuổi mới” sẽ rất khác so với các thế hệ trước.

Bên cạnh thói quen chi tiêu và lối sống mới, người cao tuổi sẽ cần sự giám sát lâu dài hơn đối với các kế hoạch tài chính của họ, học tập và giáo dục liên tục.

Thế hệ người cao tuổi hiện nay ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ và kỹ thuật số. Vì vậy, họ có thể đóng một vai trò nào đó trong việc đồng thiết kế và đồng sáng tạo công nghệ.

Singapore có thể trở thành một ngôi nhà đáng sống cho người lớn tuổi – nhóm được coi là những cá nhân tích cực. Họ là những người vẫn có thể đóng góp và muốn dành những năm tháng của mình cho phẩm giá và mục đích, thay vì trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.

Các chuyên gia nhận định, đầu tư vào một nền kinh tế trường tồn có thể biến thách thức của “cơn sóng thần bạc” thành một cơ hội vàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ