Cơ hội trúng tuyển cao, việc làm tốt với chương trình liên kết quốc tế

GD&TĐ - Ngày càng nhiều thí sinh có xu hướng chọn lựa ngành đào tạo của các trường đại học danh tiếng trên thế giới thông qua chương trình liên kết quốc tế.

Sinh viên chương trình liên kết quốc tế trong giờ học.
Sinh viên chương trình liên kết quốc tế trong giờ học.

Đáp ứng nhu cầu người học, mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường đã đẩy mạnh xét tuyển chương trình này.

Đa dạng chương trình liên kết quốc tế

Tùy theo chương trình liên kết, người học có thể học 2 - 3 năm tại Việt Nam rồi học thêm giai đoạn cuối ở nước ngoài để nhận bằng do trường đối tác cấp hoặc nhận song bằng. Điều kiện tuyển sinh không quá khắt khe (chỉ cần tốt nghiệp loại khá trở lên và có điểm tiếng Anh quốc tế IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương) nên ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn theo học các chương trình liên kết.

ThS Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) nhìn nhận, xu hướng thí sinh chọn học chương trình liên kết quốc tế đang tăng trở lại sau dịch Covid-19. Năm 2023, UEF dự kiến dành khoảng 300 chỉ tiêu cho chương trình liên kết quốc tế của trường.

Hiện UEF có 4 chương trình liên kết (Quản trị Kinh doanh và Marketing, Tiếng Anh và Ngôn ngữ học, Quản trị Khách sạn và Du lịch Quốc tế, Kinh doanh quốc tế) với Đại học Gloucestershire và Đại học Leeds Trinity của Anh quốc; 1 chương trình Quản trị Kinh doanh hệ cử nhân liên kết với Đại học Keuka, Mỹ.

“Theo học các chương trình liên kết, thí sinh có cơ hội nhận học bổng tuyển sinh không giới hạn 50% và 25%. Tại đây, thí sinh được trải nghiệm môi trường học tập chuẩn quốc tế, với số lượng 25 sinh viên/lớp học, mức học phí khoảng 50 triệu đồng/học kỳ (gồm 8 học kỳ)”, ThS Nguyên cho biết.

“So với trước đây, tỷ lệ tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế của trường tăng nhiều. Hiện IUH có 8 chương trình đào tạo có liên kết 2+2 với đại học Angelo State (ASU) của Mỹ. Điều kiện xét tuyển là có điểm IELTS từ 5.0 trở lên, xét theo tổng điểm của 3 năm học tập THPT (tối thiểu 19.50 điểm) và xét tuyển thẳng với học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT”, TS Nhân nói.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho rằng, việc các tập đoàn đa quốc gia ngày càng gia tăng tìm kiếm nhân sự chất lượng cao đã thúc đẩy và tạo ra “sức hút” cho chương trình quốc tế trong vài năm trở lại đây.

Thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) công bố năm 2022 cũng cho thấy sự tăng trưởng này. Tính đến năm 2022, các trường đại học trên cả nước triển khai hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cho bậc đại học. Trong đó, 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ GD&ĐT cấp phép.

Chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam đa dạng về ngành, lĩnh vực cũng như đối tác. Vương quốc Anh đang là quốc gia dẫn đầu về chương trình liên kết tại Việt Nam, với 101 chương trình, chiếm khoảng 25%. Các quốc gia xếp vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ với 59 chương trình, Pháp 53 chương trình, Úc 37 chương trình và Hàn Quốc 27 chương trình. Số chương trình giữa các đại học Việt Nam và trường thuộc 5 nước Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc chiếm khoảng 70% tổng số chương trình liên kết đào tạo bậc đại học ở Việt Nam.

Theo học các chương trình quốc tế, sinh viên được trang bị nhiều kỹ năng.

Theo học các chương trình quốc tế, sinh viên được trang bị nhiều kỹ năng.

Chương trình chuẩn, chất lượng quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là các tập đoàn đa quốc gia, cơ sở giáo dục đại học buộc phải chuyển mình theo hướng gia tăng mức độ quốc tế hóa nguồn nhân lực.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, cái hay của chương trình liên kết quốc tế dạng 2+2, 3+1 là sau khi học tập và tốt nghiệp đại học nước ngoài trong giai đoạn 2, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp của đại học nước ngoài như sinh viên học toàn thời gian (không có phân biệt trong bằng tốt nghiệp giữa sinh viên học toàn thời gian hay chỉ học giai đoạn 2). Đặc biệt, nếu sinh viên theo học chương trình song bằng thì khi tốt nghiệp, ngoài bằng tốt nghiệp của đại học trong nước, sinh viên còn được nhận thêm bằng tốt nghiệp của trường đại học nước ngoài liên kết.

“Đây là điều kiện, nền tảng mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp rất lớn. Ngoài ra, việc học các chương trình liên kết cũng là hướng đi tốt cho các gia đình mong muốn con em mình lấy bằng tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng ở nước ngoài nhưng không có điều kiện tốt về kinh tế. Thực tế phản hồi từ các doanh nghiệp cho thấy, sinh viên học chương trình liên kết quốc tế ngoài có kiến thức chuyên môn sâu còn thêm kỹ năng ngoại ngữ, được tiếp cận đa văn hóa, tác phong làm việc hiện đại… Đây là tiền đề tốt để các nhân sự này tự tin nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động”, TS Nhân chia sẻ.

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên, lợi thế của chương trình đào tạo liên kết quốc tế là ngành học đa dạng. Sinh viên nếu muốn theo học chương trình liên kết quốc tế đều dễ dàng chọn lựa những ngành học “hot”, ngành học theo xu hướng đón đầu tương lai. “Điểm mạnh của chương trình quốc tế là chương trình chuẩn, kiểm định chất lượng quốc tế, nên bằng cấp của tân cử nhân được nhận có giá trị quốc tế, cơ hội việc làm trong và ngoài nước rất cao. Ngoài ra, lợi thế lớn nữa là các điều kiện xét tuyển cũng không quá gắt nếu thí sinh có nền tảng tiếng Anh tốt, tốt nghiệp THPT ở mức khá”, ThS Nguyên nói.

Theo GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cái lợi của chương trình liên kết là ngoài được học chương trình chuẩn quốc tế, kỹ năng giao tiếp và hoàn thiện khả năng ngoại ngữ, sinh viên còn sớm được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Quan trọng là sinh viên biết cân nhắc khả năng tài chính và chọn học chương trình uy tín. Học phí của chương trình liên kết quốc tế bán phần không quá cao so với chi phí đi du học tại các nước phát triển.

“Theo tính toán, học chương trình liên kết quốc tế sẽ tiết kiệm chi phí lên đến 40 - 60% so với du học toàn phần. Tuy nhiên, so với chương trình đại trà, học phí chương trình liên kết quốc tế sẽ cao hơn, nhất là trong giai đoạn học chuyển tiếp tại nước ngoài - học phí và chi phí khác sẽ tăng mạnh. Do đó, trước khi chọn học các ngành liên kết, sinh viên và phụ huynh cần cân đối nguồn tài chính trong từng giai đoạn để tránh bị đứt gánh giữa đường” - GS Nguyễn Minh Hà chia sẻ.

Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, ngoài chương trình cử nhân tài năng, còn có 11 chương trình liên kết quốc tế kỹ sư, cử nhân (mô hình 2+2) với nhiều trường đại học của Mỹ, Úc, Nhật với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 400 - 500 sinh viên/năm. Tùy theo trường, quốc gia sinh viên tham gia học giai đoạn 2 mà mức học phí khi du học dao động từ 110 triệu – 655 triệu đồng/năm và nhận bằng quốc tế. Trường ĐH Mở TPHCM cũng có nhiều chương trình cử nhân quốc tế (8 ngành) với Đại học Rouen Normandie, Pháp và Đại học Flinders, Úc hay Trường Đại học Bond, Úc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.