Năm 2016, mô hình hợp tác này đã được Viện CNTT&TT (Trường ĐHBK Hà Nội) và Khoa CNTT (ĐH Uppsala) thảo luận với sự xem xét kỹ lưỡng về chương trình đào tạo của cả hai bên. Thông qua chương trình 3+1 này, sau khi hoàn thành 3 năm học đầu tiên của chương trình Global ICT tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên có thể theo học một năm tiếp theo tại ĐH Uppsala để lấy bằng Cử nhân Khoa học máy tính của ĐH Uppsala.
PGS.Trương Thị Diệu Linh – Điều phối chương trình Global ICT, ĐH Bách Khoa HN chia sẻ: ĐH Uppsala là một trường lớn nên có quy định rất chặt chẽ về số lượng tín chỉ, loại môn học mà sinh viên cần tích lũy để được cấp bằng Cử nhân.
Họ cũng đã dành thời gian hơn 3 năm để quan sát chất lượng sinh viên của Global ICT thông qua việc tiếp nhận một số sinh viên sang học một học kỳ. Sau khi nhận thấy các sinh viên này học tập rất tốt, hòa đồng tốt với môi trường, ĐH Uppsala mới xúc tiến việc đánh giá toàn bộ các môn học trong chương trình Global ICT về cả nội dung lẫn thời lượng và tính chuyển đổi tín chỉ tương đương sang các môn học của ĐH Uppsala.
Quá trình đánh giá kéo dài một năm theo nhiều kênh gồm cả trực tiếp, gián tiếp. Cán bộ của ĐH Bách Khoa Hà nội cũng đã tới ĐH Uppsala để trình bày về cấu trúc chương trình và nội dung môn học.
Từ năm 2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã áp dụng miễn tiếng Anh - vốn chiếm hầu hết thời gian học năm thứ nhất cho các sinh viên có tiếng Anh tốt theo học chương trình Global ICT. Như vậy, những sinh viên này sẽ được lợi nhất từ chương trình 3+1 vì chỉ sau 2 năm học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên đã có thể có đủ điều kiện chuyển tiếp sang ĐH Uppsala.
Sinh viên sẽ tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học máy tính của ĐH Uppsala sau tổng cộng 3 năm học. Với sinh viên không được miễn tiếng Anh thì thời gian học tổng cộng theo chương trình 3+1 này là 4 năm.
PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh, chương trình hợp tác 3+1 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Uppsala và ĐHBK Hà Nội, đồng thời đem đến cho sinh viên Bách khoa cơ hội tiếp cận nền giáo dục Bắc Âu hiện đại và đổi mới.