Cơ hội hay thách thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho sự bùng nổ dân số già, Italy đang đưa vào thử nghiệm sử dụng robot hỗ trợ công việc chăm sóc người cao tuổi.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Robot có chức năng trò chuyện, hướng dẫn các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi. Dù không thể thay thế con người, robot có thể phối hợp cải thiện điều kiện sức khoẻ, môi trường sống và khích lệ tinh thần cho những người cao tuổi đã về hưu và cần sự chăm sóc của con cháu.

Trên thực tế, robot chăm sóc người già đã phổ biến trong các viện dưỡng lão tại Nhật Bản, Trung Quốc nhưng đối với phương Tây, để robot chăm sóc người già là điều kỳ lạ.

Dù vậy, trong những năm gần đây, các quốc gia phương Tây dần cởi mở hơn với công nghệ này. Điều đó cho thấy bóng ma già hóa dân số đang dần phủ bóng nhiều nơi trên thế giới và xuất hiện ở những nền kinh tế được đánh giá cao.

Là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất châu Âu, Italy đang chuẩn bị cho sự bùng nổ dân số già. Ước tính hiện nay, hơn 7 triệu trong số gần 60 triệu người dân Italy đã trên 75 tuổi.

Trong đó, 3,8 triệu người được coi là không đủ khả năng tự chăm sóc bản thân. Nhiều người mắc các bệnh như mất trí nhớ, bệnh mãn tính và góp phần gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và các gia đình.

Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022 nhưng thách thức nhân khẩu học nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt không phải là tốc độ tăng dân số mà là tình trạng già hóa dân số.

Nhiều quốc gia chưa kịp chuẩn bị, đầu tư cho nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hay chính sách để đối phó với thách thức này hoặc tận dụng các cơ hội do thay đổi nhân khẩu học mang lại.

Đơn cử, tại Trung Quốc, già hóa dân số được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và thay đổi cơ cấu lao động nước này.

Năng suất lao động của người cao tuổi sẽ thấp hơn các nhóm lao động trẻ; trong khi đó, chi phí y tế và phúc lợi xã hội lại tăng lên, dẫn tới thu nhập của nền kinh tế và các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Như vậy, không chỉ kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, già hóa dân số có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và suy giảm tiềm lực tài chính.

Còn tại Nhật Bản, hồi tháng 1, Thủ tướng Fumio Kishida đã cảnh báo Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”. Nước này là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.

Trong khi tình trạng dân số già ngày một lớn, lực lượng lao động Nhật Bản ngày càng thu hẹp còn ngân sách cho lương hưu và chăm sóc sức khoẻ lại tăng cao.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tình trạng dân số già chưa hẳn đã là khủng hoảng với các quốc gia nếu họ có thể giải phóng năng lực trí tuệ và nghề nghiệp của người cao tuổi. Khi số lượng người cao tuổi tăng lên, đất nước có thể mở rộng nhiều lĩnh vực như sản phẩm, dịch vụ dành cho người già.

Ngoài ra, nếu đất nước có thể tăng đầu tư, trau dồi năng lực; cải thiện chính sách, đãi ngộ để người cao tuổi tiếp tục tham gia vào thị trường lao động sẽ giúp họ trở nên tự chủ, độc lập hơn. Hay chỉ riêng việc cải thiện chính sách lương hưu và phúc lợi xã hội để người già độc lập tài chính cũng giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho con cháu.

Nhìn chung, già hóa dân số không chỉ xuất hiện ở một vài quốc gia mà đã và đang trở thành vấn đề nóng toàn cầu. Được thúc đẩy bởi dịch Covid-19, tình trạng này vừa là cơ hội cũng là thách thức của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.