Cơ hội chuyển đổi số và nỗ lực vượt khó

Cơ hội chuyển đổi số và nỗ lực vượt khó

Đây cũng là năm học đầu tiên, dạy học qua internet, truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước, giúp địa phương hoàn thành chương trình học trước 15/7.

Không dừng việc học

Nếu trước đây, hình thức dạy học trực tuyến ở Việt Nam, đặc biệt với giáo dục phổ thông (GDPT) còn khá mới mẻ, thì đại dịch Covid-19 đã tạo cú hích để hình thức GD này phát triển mạnh mẽ, thể hiện ưu thế vượt trội, góp phần đưa ra kênh học tập mới bên cạnh phương pháp dạy học truyền thống. Đối với thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), dạy học trực tuyến còn là câu chuyện gắn liền với khát vọng thay đổi, sáng tạo trong công việc.

"Ngay sau khi có thông báo nghỉ học vì Covid-19, tôi đã thông tin tới phụ huynh về việc hỗ trợ miễn phí cho các em học trực tuyến. Tôi tự làm mẫu trong tuần đầu tiên với 5 lớp (từ khối 1 đến khối 5) để phụ huynh yên tâm khi các con ở nhà trong thời gian phòng dịch. Tuần đầu có gần 2.000 HS trong, ngoài trường tham gia ôn tập trực tuyến; khi cao điểm, số HS tham gia trên 2 kênh học trực tuyến mà tôi phụ trách là gần 8.000 HS" – thầy Mạnh chia sẻ.

Nhưng, khi số lượng HS tham gia học trực tuyến tăng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thầy cô giáo khác cùng vào cuộc. Đây là nội dung mới, khi đó chưa có công văn của cấp trên về việc giáo viên (GV) phải tăng cường dạy học trực tuyến, thầy Mạnh đã kéo GV của mình vào cuộc không phải bằng mệnh lệnh mà là nhiệt huyết và tự nguyện. Từ đó, "team dạy học miễn phí mùa Ncov" ra đời.

Chia sẻ câu chuyện xúc động về nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo, thầy Mạnh nhắc đến thầy cô không quản ngại khó khăn, nề hà vất vả để đồng hành cùng "team dạy học miễn phí mùa Ncov". Đó là cô Vũ Thị Khanh - dù là GV tăng cường nhưng đã góp tiền cho HS nghèo mua máy tính để có thể học trực tuyến… 

Hay cô Nguyễn Thị Cách - không phải GV Trường Tiểu học Kim Ngọc vẫn lặn lội hơn 20 cây số mỗi tối, đồng hành cùng đội GV dạy học miễn phí. Rồi câu chuyện về thầy Hoàng Tiến Lực, nhiều đêm chỉ có một mình trong phòng dạy, vượt qua quãng đường mưa gió về nhà sau khi hoàn tất công việc… 

Đó thực sự là những câu chuyện cảm động và giàu sức lan tỏa. Những vất vả đó được đền đáp xứng đáng bằng phản hồi ấm lòng của phụ huynh HS. Không ít bài dạy của các thầy cô thu hút hơn 4.000 lượt xem chỉ trong một buổi tối…

Cơ hội chuyển đổi số và nỗ lực vượt khó ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Nắm bắt cơ hội trong khó khăn

Thái Thụy, Thái Bình - huyện thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc phụ huynh đầu tư cho con em thiết bị để học trực tuyến còn hạn chế. Khảo sát sơ bộ cho thấy có gần 20% gia đình HS có máy tính kết nối Internet, tỷ lệ phụ huynh dùng điện thoại thông minh kết nối mạng cũng không cao. Đặc biệt, kỹ năng CNTT của một số cán bộ, GV còn hạn chế, việc tổ chức dạy trực tuyến cũng như thiết kế video bài giảng đứng trước nhiều rào cản.

Đối diện với khó khăn này, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, cho biết: Thông qua hệ thống có sẵn, phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn kỹ năng CNTT về dạy học trực tuyến cho đầu mối phụ trách CNTT các trường; sau đó đội ngũ này triển khai đến 100% GV toàn ngành.

"Cùng với tự học tập, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, từ chỗ e ngại, đa số GV tổ chức tốt dạy học trực tuyến. 100% các lớp có nhóm Zalo để GV liên hệ với HS. Các trường xây dựng lịch dạy học trực tuyến, triển khai đến HS qua nhóm trên mạng xã hội. Phân thời khóa biểu cả buổi tối để HS có thể tham gia đông hơn, vì khi đó HS mới mượn điện thoại của phụ huynh để học. Chúng tôi tương tác trực tiếp với HS qua hệ thống trực tuyến; sử dụng công cụ Google form để giao bài tập trực tuyến. Đồng thời, chỉ đạo GV có chuyên môn tốt tham gia dạy học trên truyền hình. 

Tổ chức cho 100% HS tham gia học tập trên truyền hình theo lịch của Sở dưới sự giám sát của phụ huynh, GV. Thái Thụy cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh xây dựng kho học liệu mở của ngành. Đây là nơi cán bộ, GV trao đổi kinh nghiệm; HS tham gia học tập bài giảng của GV trong huyện" – ông Đỗ Trường Sơn chia sẻ.

Việc tổ chức tốt hoạt động dạy học qua Internet, truyền hình đã giúp HS trên địa bàn huyện Thái Thụy duy trì việc học, tránh quên kiến thức sau đợt nghỉ dài ngày. Phối hợp trong việc quản lý HS giữa phụ huynh với GV và nhà trường chặt chẽ và thường xuyên hơn. Thông qua tổ chức giảng dạy, học tập trực tuyến, kỹ năng CNTT của GV, HS tăng lên đáng kể.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học thời gian qua có nhiều kết quả, đặc biệt thời gian xảy ra dịch bệnh

Covid-19. Dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình đã giúp các địa phương có thể kết thúc năm học trước 15/7, chất lượng giáo dục được bảo đảm, rút ngắn thời gian thực dạy khi HS trở lại trường học; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục HS.

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông nhằm tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học này được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong toàn ngành GD-ĐT trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.