Cơ hội cho các trường đại học cải tổ chương trình đào tạo

GD&TĐ - Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt (Quyết định 1982/QĐ-TTg), bậc đào tạo đại học đã có sự thay đổi lớn khi thời gian đào tạo rút ngắn từ 4 -6 năm xuống còn 3 - 5 năm. 

Cơ hội cho các trường đại học cải tổ chương trình đào tạo

Đây có thể xem là bước đi đúng đắn trong việc giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiệm cận với các chuẩn mực chung trên thế giới. Trước sự thay đổi này, các trường đã có bước chuẩn bị gì về chương trình đào tạo để đón đầu?

Đúng thời điểm, phù hợp chuẩn mực quốc tế

Đó là đánh giá của nhiều cán bộ quản lý khi Bộ GD&ĐT quyết định rút ngắn thời gian đào tạo bậc đại học xuống còn 3 - 5 năm.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, hiện nay việc đào tạo đại học không còn cung cấp kiến thức cho sinh viên là chính như trước đây, mà đã hướng đến việc hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Vì thế, sinh viên không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian trên giảng đường, mà dành nhiều thời gian hơn để tự học có hướng dẫn, tự nghiên cứu, thảo luận…

Mặt khác, việc các trường tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập linh hoạt hơn. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy. Tất cả những yếu tố đó giúp rút ngắn được thời gian sinh viên lưu lại trường, nhưng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên thu nhận được gia tăng…

Tiến sĩ Trần Đình Lý thống kê: Kể từ khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ đến nay, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM có hơn 300 sinh viên tốt nghiệp với thời gian đào tạo là 3 năm và có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều đáng nói, tỉ lệ khá giỏi trong số này khá cao. Con số này chứng minh việc rút ngắn đào tạo đại học là hết sức hợp lý, có tính cạnh tranh tốt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế.

Không chỉ cán bộ quản lý, giảng viên đồng tình với việc thay đổi thời gian đào tạo bậc đại học, nhiều sinh viên cũng cho rằng việc thay đổi này là xu thế tất yếu khi việc học của sinh viên hiện nay đã chủ động hơn trước rất nhiều.

Nguyễn Phương Quý, sinh viên ngành Truyền thông Marketing, Trường ĐH Tài chính Marketing đang đăng ký học vượt một số môn, dự kiến tốt nghiệp đại học trong 3,5 năm cho biết: Đi học bây giờ theo tín chỉ nên số lượng môn học không quá nhiều trong tuần. Nhiều bạn trong lớp em vẫn sắp xếp được thời gian đi học, đi làm thêm. Chính vì vậy, nếu học đại học trong 3 năm, các bạn sẽ tập trung hơn, qua đó, các bạn có cơ hội đi làm sớm hơn.

“Sự thay đổi này là phù hợp khi tiết kiệm được thời gian cho chính sinh viên, tránh sự lãng phí với những kiến thức và thời gian không cần thiết nơi giảng đường” - Phương Quý nhận định.

Cơ hội để xóa sổ những bất cập

Chia sẻ về việc rút ngắn thời gian đào tạo bậc đại học, nhiều cán bộ quản lý cho rằng việc điều chỉnh thời gian đào tạo đại học theo Khung trình độ quốc gia nên làm sớm hơn nữa. Bởi với thực tế đào tạo đại học hiện nay, nhiều trường buộc phải đưa nhiều nội dung không cần thiết vào chương trình đào tạo để bắt sinh viên học cho đúng với khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.

Trao đổi về việc xây dựng lại chương trình đào tạo của nhà trường cho phù hợp với lộ trình rút ngắn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết: Việc này nhà trường đã làm từ năm 2012 đến nay. Từ năm 2012 trường đã khởi động việc cải tiến chương trình đào tạo bằng cách rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm xuống còn 4 năm.

Sắp tới việc điều chỉnh theo khung 3 năm, trường sẽ có nhiều hơn cơ sở pháp lý để cải tổ mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, khung chương trình đào tạo của nhà trường theo hướng gắn với doanh nghiệp, nhà xưởng. Với mô hình trường đại học thông minh mà nhà trường đang xây dựng, cùng không gian học tập mở, đa dạng qua nhiều kênh… việc thay đổi này theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng là rất đúng thời điểm, phù hợp với xu thế thời đại.

Thẳng thắn nhìn nhận giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn nặng về tính lý thuyết nên sự chuyển hướng này theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM không gì khác ngoài việc khẳng định vai trò người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có việc làm ngay. Sự thay đổi này sẽ thúc đẩy việc chuyển phương thức đào tạo truyền thống sang hình thức đào tạo gắn với định hướng ứng dụng (tín chỉ) một cách mạnh mẽ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng cho biết kế hoạch cụ thể: Trường Đại học Văn hóa TPHCM xác định: Sẽ đào tạo người học theo hướng thiên về thực hành để sinh viên ra trường làm việc ngay được, chứ trường không đào tạo theo định hướng nghiên cứu. Do đó, ngay trong tháng 12 tới chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn để mời các chuyên gia, các nhà khoa học, sinh viên đã tốt nghiệp đi làm tham gia, góp ý. Từ các buổi hội thảo, trường sẽ xem các ngành nghề đào tạo ở trường cấu trúc trong bao lâu là hợp lý. Nhưng quan điểm là sẽ xây dựng khung chương trình đào tạo từ 3 đến 3,5 năm. Khi mọi thứ sẵn sàng, trường sẽ ấn định thời gian đào tạo chính thức cho từng ngành.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM - chia sẻ: Việc thay đổi chương trình học – cụ thể là rà soát lại chương trình đào tạo là cực kỳ quan trọng. Do đó, trước mắt trường sẽ tăng cường thiết kế các tiết học cho khoa học hơn. Thay vì hiện nay các trường chỉ thiết kế buổi học vào ngày hành chính, ban đêm ít sử dụng. Sắp tới, trường sẽ tăng cường học phần vào những thời điểm đó. Như vậy, vừa tránh trùng lặp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cũng như thay đổi công nghệ đào tạo, việc rút ngắn sẽ hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ