Cô hiệu trưởng 35 năm tận tâm nơi vùng đất Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 35 năm cống hiến cho ngành GD-ĐT Điện Biên, mới đây cô Cao Thị Đại đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

NGƯT Cao Thị Đại (thứ 3 từ bên trái) chia sẻ cùng học sinh.
NGƯT Cao Thị Đại (thứ 3 từ bên trái) chia sẻ cùng học sinh.

Cô Cao Thị Đại là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Chọn nghề “trồng người”...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, có bố là chiến sĩ Điện Biên, mẹ là thanh niên xung phong, cô Cao Thị Đại đã kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình. Năm 1990, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc với tấm bằng loại giỏi, cô đã quyết định chọn Tuần Giáo, mảnh đất miền núi nhiều khó khăn làm nơi gắn bó đầu tiên trong sự nghiệp “trồng người” của mình.

Hiểu được gian khổ của người dân miền núi cùng với khó khăn của đất nước trong thời kỳ đổi mới, là một tri thức trẻ, với trái tim nhiệt huyết, cô Đại đã khơi lên những ước mơ vào sự thành đạt của bao thế hệ học trò và nhiều lần nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh và trở thành giáo viên cốt cán môn Ngữ văn của thành phố Điện Biên Phủ cũng như tỉnh Điện Biên.

Năm 2010, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Nam Thanh. Khi đó, trường chưa thể được đầu tư xây dựng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cả trường có 8 lớp học thì chỉ có 4 phòng học kiên cố, 2 phòng học tạm, chưa có phòng làm việc của Ban giám hiệu, sân chơi, bãi tập. Nơi làm việc của thầy cô là hành lang, góc cầu thang; phòng làm việc của cô hiệu trưởng được ghép bởi những tấm tôn mỏng… Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục của nhà trường chưa cao.

Trước thực tế đó, cô Đại cùng Hội đồng sư phạm nhà trường đoàn kết, từng bước tham mưu với chính quyền các cấp, làm tốt công tác xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ban ngành, đoàn thể, xây dựng được một ngôi trường khang trang, với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại song song với việc từng bước nâng cao chất lượng.

Với quan điểm: “Không có học sinh cá biệt, không có học sinh yếu mà chỉ có phương pháp giáo dục và giảng dạy của mình chưa phù hợp mà thôi”, cô tìm mọi biện pháp để phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo vì theo cô, “có thầy giỏi mới có trò giỏi”. Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng trưởng thành, phát huy được hết khả năng, sở trường của bản thân, đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp giáo dục chung của thành phố Điện Biên Phủ và năm 2013 Trường THCS Nam Thanh được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.

Tháng 7/2016, cô được điều về làm Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam. Trách nhiệm cao đặt trên vai, cô trăn trở làm thế nào để phát huy được tốt nhất những thành tích của các thế hệ đi trước, giữ vững vai trò là “cánh chim đầu đàn”, đồng thời tích cực đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Đây chính là động lực, thôi thúc cô thể hiện bản lĩnh đổi mới, sáng tạo của một nhà quản lý tài năng.

Những mùa “quả ngọt”

Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô Đại tiến hành đổi mới trong chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Từ đổi mới tổ chức những hoạt động trải nghiệm để thông qua đó giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, gắn kiến thức các em đã học vào thực tiễn đời sống, đem lại hứng thú học tập cho học sinh xây dựng kỷ cương, nền nếp trường học. Cùng với đó là đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều sáng kiến của cô góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường như “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn góp phần bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục”, “Giải pháp xây dựng môi trường giao tiếp, nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ xây dựng Trường THCS Him Lam là ngôi trường điển hình về dạy học ngoại ngữ”. Ngoài ra, trong vai trò quản lý, cô đã tạo điều kiện để các thầy cô cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, luôn duy trì tốt nhất những thành tích đã đạt được và ngày càng tiến xa hơn.

Cô giáo Lê Thị Ngọc - người đồng nghiệp công tác lâu năm cùng cô Đại tâm sự: “Khi tiếp cận Mô hình Trường học mới, hay Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong lúc giáo viên còn nhiều lúng túng trong việc thay đổi, thì cô Đại đã trực tiếp đứng lớp để nắm được chương trình, dự giờ, rút kinh nghiệm cho giáo viên; trực tiếp tham gia các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để tư vấn cho giáo viên có giờ dạy hiệu quả nhất. Nhiều giáo viên trẻ được cô dìu dắt đã trở thành giáo viên giỏi của tỉnh, giáo viên cốt cán của ngành”.

Thầy Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Him Lam cho biết: “Không chỉ năng động, sáng tạo, đổi mới trong quản lý mà cô Đại còn là một hiệu trưởng mẫu mực, nhân hậu trong đời sống. Cô luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua được những biến cố trong cuộc sống. Xây dựng được một ngôi trường đoàn kết, thân thiện, nghĩa tình”.

Với học sinh, cô luôn đặc biệt quan tâm giáo dục phẩm chất đạo đức, truyền thống văn hóa; pháp luật, kỹ năng sống; phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội để giáo dục học sinh. Đặc biệt, cô vẫn đứng lớp giảng dạy hàng ngày, trực tiếp tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi các cấp hay ôn thi vào lớp 10 các trường THPT; hỗ trợ cùng đồng nghiệp phụ đạo học sinh yếu.

Nói về giờ học của “cô hiệu trưởng”, Trịnh Anh Thảo - học sinh lớp 9D2 nhận xét: “Cô Đại rất thân thiện, giản dị, gần gũi. Chúng em rất thích các tiết học của cô vì nó dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và đặc biệt rất ấn tượng, giờ học rất vui”.

Cùng với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cô Đại đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng danh dự, sự tôn vinh, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của cô - nhà giáo mẫu mực, người cán bộ quản lý tâm huyết, sáng tạo, hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Niềm vui đến với cô thật sự ý nghĩa khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cũng là lúc cô đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho nghề giáo.

Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, Trường THCS Him Lam đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Năm 2023 tập thể nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Cũng trong năm học này, trường có 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, trong đó cô Cao Thị Đại là một cá nhân điển hình xuất sắc nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.