(GD&TĐ) - Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ vùng quê heo hút khô cằn không có nước. Vì thế những kí ức về tuổi thơ của tôi đa phần đều liên quan đến nước. Thời đó, dân trong làng tôi và cả những làng khác xung quanh thường phải đi bộ rất xa để gánh nước về dùng trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Nhớ những lần lũ nhỏ chúng tôi được má cho theo tắm khi má đi gánh nước thật là một ngày hội đối với chúng tôi. Chúng tôi được tắm thoả thích dưới làn nước mát rượi trong xanh thật hạnh phúc không gì bằng. Nhưng đường về thì mệt ơi là mệt, bởi vì chúng tôi phải đi bộ băng qua những khu rẫy và rừng trên những con đường toàn cát là cát…
Ảnh minh họa/intnernet |
Mùa hè năm 1984, cả làng tôi có hai niềm vui lớn đó là được đào một cái giếng và được xây một ngôi trường. Giếng xây xong nhưng rất ít nước, mùa mưa thì đủ dùng cho dân trong làng nhưng mùa khô thì cạn trơ tới đáy. Vì vậy mà dân trong làng vẫn phải đi gánh nước xa. Còn ngôi trường, nói là trường cho oai chứ thực ra cũng chỉ có hai phòng học bằng vách trát đất, phòng trơ trọi không có cửa, không có rào. Nhưng đó lại là niềm vui lớn cho lũ nhỏ chúng tôi và cả dân trong làng của tôi, bởi vì từ nay chúng tôi không phải đi học xa như các anh chị trước đây nữa. Thế hệ học trò trước tôi đã bỏ học rất nhiều vì quá xa trường, quá khó khăn.
Làng có trường nhưng không có giáo viên, các giáo viên không muốn về đây dạy vì quá khổ, khổ nhất là thiếu nước. Trường làm xong nhưng chúng tôi vẫn chưa được đi học, không có giáo viên nên trường đành để không.
Đầu tháng 12 năm ấy, trưởng thôn sau khi đi họp ở ngoài xã về đã rất vui thông báo với mọi người rằng đầu tuần sau lớp 1 sẽ được khai giảng.
Cô! Một cô giáo ở tận Hà Tây, chỉ mới ngoài 20 tuổi, rất đẹp (theo suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ) đã tình nguyện về trường làng tôi dạy học. Cô là vị cứu tinh cho tụi con nít chúng tôi. Cô rất hiền và vô cùng yêu thương học trò. Cô đã nắm tay từng đứa trẻ trong lớp tôi, rèn cho chúng tôi những nét chữ đầu tiên. Cô dạy chúng tôi những chữ cái, những con số đầu tiên. Cô đã dạy chúng tôi bằng tất cả sự yêu thương dành cho những đứa học trò bé nhỏ còn nhiều bỡ ngỡ.
Cô đã cùng lũ học trò chúng tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn, vất vả ấy. Dân làng tôi lúc đó cũng còn nghèo lắm, thậm chí có nhiều bạn lớp tôi nhà không có gạo ăn, vẫn phải đi mượn từng lon gạo, chạy ăn từng bữa. Cô cũng khó khăn lắm. Sau thời gian lên lớp dạy chúng tôi, cô lại cùng dân trong làng tham gia lao động, cuốc đất, trồng dưa, trồng bắp. Cô cũng đi gánh nước như những người phụ nữ khác trong làng. Nhưng mọi người trong làng đều quý cô không cho cô đi gánh nước xa mà nhường phần nước ở cái giếng mới đào để cô đỡ cực. Giếng mới đào nhưng vào mùa khô rất ít nước, một ngày chỉ rỉ ra khoảng 10 đôi nước (cho cả làng 200 nhân khẩu). Nhà nào muốn có nước đều phải cử người túc trực chờ múc nước, thời ấy gọi là "ngâm gàu" (người ta thả cái gàu có nối một sợi dây dài xuống giếng chỗ sẽ rỉ ra nhiều nước và ngồi chờ đến phiên múc nước). Nhưng khi họ thấy cô gánh đôi thùng rỗng đến giếng thì ai cũng nhường cho cô múc trước hết cả. Thậm chí có người sợ cô chờ lâu ảnh hưởng đến việc soạn bài, chấm bài cho học sinh nên đã nhường phần nước của mình vừa múc xong cho cô. Riêng tôi, hình ảnh của cô đã đọng lại trong tôi rất nhiều kỉ niệm, cả sự biết ơn và kính trọng nữa.
Đến bây giờ em vẫn nhớ đến cô. Xin gửi đến cô lời tri ân sâu sắc nhất. Cô ơi! Em nhớ cô nhiều…
Mã số: 2010