Cô giáo xứ Tuyên giàu nghị lực và khát vọng

Cô giáo xứ Tuyên giàu nghị lực và khát vọng

Cô Hà sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Giang. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô về nhận công tác tại trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hà Giang). Do điều kiện gia đình, năm 2005 cô xin chuyển về trường THPT Kháng Nhật, huyện Sơn Dương.

Với tâm huyết, lòng yêu nghề và trách nhiệm trong công việc, cô đã tích cực nghiên cứu, học tập và không ngừng phấn đấu vươn lên. Bằng sự nỗ lực vượt khó, mặc dù con còn nhỏ, kinh tế không mấy dư giả nhưng vợ chồng cô đã sắp xếp công việc gia đình để đi học nâng cao trình độ.

Năm 2011, cô chuyển về công tác tại Trường THPT Sơn Dương. Cũng trong thời gian này, cô đã bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ bộ môn Sinh học.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Với học sinh lớp cô chủ nhiệm, cô luôn thương yêu, quan tâm dạy bảo, dìu dắt và được các em dành cho tình cảm kính trọng, quý mến.

Nhiệt huyết trong công việc, song cô cũng luôn cùng chồng chăm lo, vun đắp, chèo lái cho tổ ấm gia đình của mình vượt qua sóng gió. Hai cậu con trai kháu khỉnh đã có những thời điểm khiến vợ chồng cô hết sức vất vả.

Cô giáo xứ Tuyên giàu nghị lực và khát vọng ảnh 1

Cô giáo Phạm Thị Hà miệt mài hàng đêm bên những trang giáo án

Tháng 8 năm 2011, con trai lớn mới 6 tuổi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức, rất may mắn là sau phẫu thuật cháu đã bình phục và khỏe mạnh dần.

Một năm sau, cô sinh bé thứ hai, nhưng bé lại bị tim bẩm sinh thông liên thất, thông liên nhĩ, hở van 2 lá. Tháng 12/2012, với sự hỗ trợ của hai bên gia đình, sự tận tình giúp đỡ của nhà trường, công đoàn và đồng nghiệp, vợ chồng cô đưa con đi phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi Trung ương khi con mới hơn 3 tháng tuổi.

Ca mổ thành công, cháu bé dần bình phục và khỏe mạnh. Niềm vui, nụ cười dần trở lại trên gương mặt đôn hậu của cô mỗi lúc cô ngắm các con vui đùa bên nhau. Chồng cô cũng là một thầy giáo cùng trường, tình yêu công việc cùng với hạnh phúc gia đình luôn là động lực to lớn khiến cô nỗ lực phấn đấu và càng yêu đời, yêu nghề hơn.

Cuộc sống trong gia đình nhỏ của cô vừa bình yên thì tai họa ập đến. Năm 2014, trong chuyến đi công tác coi thi tốt nghiệp THPT từ huyện Chiêm Hóa về, một tai nạn giao thông bất ngờ đã khiến chồng cô ra đi mãi mãi, để lại cho cô hai cậu con trai nhỏ.

Cô giáo xứ Tuyên giàu nghị lực và khát vọng ảnh 2
Cô giáo Phạm Thị Hà với học sinh của mình trong buổi học trực tuyến 

Sự mất mát lớn lao không gì bù đắp nổi và nỗi lo cho tương lai của con tưởng sẽ khiến cô gục ngã. Nhưng với bản lĩnh của một nhà giáo giàu nghị lực, cô đã vượt lên nỗi đau để vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy các con khôn lớn và sắp xếp công việc gia đình để tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp.

Vốn là người luôn nghiêm túc trong công việc, nhiệt huyết với nghề, khi bệnh của con đã được chữa trị, cô dành nhiều thời gian và công sức hơn cho chuyên môn, cô miệt mài trên lớp và cả khi về nhà.

Nhiều khi, học trò hỏi bài ngay trên sân trường hay giữa lúc đêm khuya, cô đều dành thời gian giảng giải cặn kẽ. Với mong muốn thu hút sự chú ý của học sinh vào bài giảng, giúp các em hiểu bài một cách dễ dàng, trực quan, cô thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, chịu khó sưu tầm tư liệu, hình ảnh, mô hình và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học.

Học trò của cô ngày càng yêu thích bộ môn Sinh học hơn. Sự nhiệt tình của cô được sự cộng hưởng của trò đã giúp chất lượng bộ môn được nâng lên rõ rệt. Qua các kì thi chọn học sinh giỏi hàng năm, số học sinh của cô đạt giải cao ngày càng tăng. Trong số các em được cô bồi dưỡng, đã có 2 giải Nhì, 10 giải Ba và 12 giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Sinh học.

Sự cố gắng, nỗ lực của cô đã được các cấp, các ngành quan tâm, ghi nhận. Năm 2017, cô được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác; năm 2018, cô vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang, Hội khuyến học huyện Sơn Dương và nhà trường cũng đã tặng Giấy khen để biểu dương, khen thưởng những thành tích mà cô đã đạt được.

Đặc biệt, đầu năm 2020, trong thời gian học sinh nghỉ tránh dịch bệnh Covid-19, thực hiện phương châm của toàn ngành “Nghỉ học nhưng không ngừng học”, cô đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu để sử dụng nhiều phần mềm vào dạy học trực tuyến như Zoom, Google meet, Micrsof Team, thực hiện giao bài tập, chấm điểm kiểm tra trình độ học sinh qua trang Viettel study, onluyen.vn để các em ôn luyện và mở rộng, nâng cao kiến thức, không bị gián đoạn trong học tập dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của nhà trường.

Biết ơn cô giáo giàu tình cảm, nhiệt tình dạy bảo, nhiều học trò thường xuyên gọi điện và ghé thăm cô những khi rảnh rỗi, căn nhà nhỏ của cô luôn đầy ắp tiếng cười. Những lớp học trò đã trưởng thành vẫn luôn nhắc và nhớ tới cô. Hạnh phúc hơn, ngày 8-3 vừa qua, cậu con trai bé bỏng của cô phải phẫu thuật tim ngày nào, giờ đang học lớp Một, đã vẽ một bông hồng thật đẹp tặng mẹ.

Cô cầm bức tranh mà không nén được xúc động. Lặng lẽ, cô cầm bút ghi điểm mười thật đẹp cho con… Thật vui khi hai con của cô giờ đều là con ngoan, trò giỏi, có tính cách tự lập và biết giúp đỡ mẹ trong công việc gia đình.

Sau bao nhọc nhằn, thử thách, hạnh phúc đã trở lại với cô giáo Phạm Thị Hà, một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, một điển hình trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” của Công đoàn ngành Giáo dục Tuyên Quang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.