Cô giáo vùng sâu thấu hiểu, sẻ chia cùng học trò vùng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Niềm hạnh phúc với cô Bùi Thị Ngọc Cảnh trong hơn 20 năm gắn bó với nghề là sự trao truyền tri thức, giúp học trò vùng sâu, vùng xa trưởng thành.

Cô Bùi Thị Ngọc Cảnh trong giờ dạy học. Ảnh: N. Bích
Cô Bùi Thị Ngọc Cảnh trong giờ dạy học. Ảnh: N. Bích

Đem thực tiễn vào giảng dạy

Tận tâm, trách nhiệm và luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong từng tiết dạy, cô Bùi Thị Ngọc Cảnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”. Niềm hạnh phúc với cô Cảnh trong hơn 20 năm gắn bó với nghề là sự trao truyền tri thức, giúp nhiều thế học học trò trưởng thành.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1B do cô Bùi Thị Ngọc Cảnh phụ trách luôn rôm rả. Vào đầu giờ mỗi tiết học, học sinh được chơi một trò chơi khởi động hoặc múa hát, làm cho không khí lớp học thêm sinh động, hứng thú. Em Nguyễn Thị Khánh Ngọc, lớp 1B cho biết rất thích giờ dạy của cô Cảnh vì có bạn bè chơi chung; được cô cho xem tivi, chơi trò chơi mưa nhỏ, mưa to. Còn em Nguyễn Phạm Huy Phúc, học sinh lớp 1B, vui vẻ nói: “Không chỉ được chơi trò chơi, hát, cô Cảnh còn cho em quan sát bầu trời, cây. Cô rất thương yêu, dạy bảo chúng em”.

Cô Bùi Thị Ngọc Cảnh chia sẻ, trong chương trình học, môn Tiếng Việt chiếm thời lượng nhiều, học sinh được rèn chữ viết, luyện đọc. Để tạo hứng thú cho học sinh, cô thường tổ chức cho các em chơi trò chơi khởi động hát múa trước khi vào tiết học; sử dụng đồ dùng dạy học của trường hoặc của giáo viên tự làm để dạy các em, tránh tiết học bị khô khan. Vì thế, giáo viên phải chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học, lồng ghép trò chơi phù hợp vào tiết dạy, động viên học sinh qua lời khen hoặc tặng những món quà nho nhỏ (kẹo, viết) để khích lệ các em học tốt.

“Giáo viên cần quan tâm sâu sát, hỗ trợ học sinh khi dạy và xây dựng đôi bạn cùng tiến để các em học tốt hơn”, cô Cảnh bộc bạch.

Lớp 1 là cột mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình học tập suốt đời của một đứa trẻ. So với chương trình cũ, Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến sự phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giáo viên thay đổi cách dạy phù hợp. Chính vì thế, không đơn thuần giảng dạy trong lớp, cô Cảnh còn cho học sinh trải nghiệm ngoài lớp học nhằm rèn kỹ năng sống.

Ví như dạy bài học về cây, về bầu trời, học sinh được quan sát, sờ thân cây hay ngắm nhìn bầu trời để cảm nhận, từ đó hiểu và nhớ kiến thức lâu hơn. Bên cạnh đó, cô Cảnh thường xuyên kết nối chặt chẽ với phụ huynh học sinh qua nhóm Zalo, thậm chí đến gia đình học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh, từ đó có phương pháp giáo dục học trò hiệu quả.

Cô Cảnh (thứ 9, từ trái sang) là 1 trong 20 giáo viên tiêu biểu được ngành Giáo dục TP Cần Thơ tuyên dương dịp 20/11/2023. Ảnh: N. Bích

Cô Cảnh (thứ 9, từ trái sang) là 1 trong 20 giáo viên tiêu biểu được ngành Giáo dục TP Cần Thơ tuyên dương dịp 20/11/2023. Ảnh: N. Bích

Thấu hiểu, sẻ chia cùng học trò vùng khó

Tốt nghiệp Trung học Sư phạm, Trường Cao đẳng Cần Thơ năm 2001, cô Cảnh về Trường Tiểu học Đông Hiệp công tác, phụ trách lớp 3. Sau đó, cô làm giáo viên tổng phụ trách; giáo viên chủ nhiệm lớp 4.

Trong 7 năm gần đây, cô Cảnh phụ trách dạy lớp 1. Dù ở cương vị nào, cô Cảnh cũng vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô Cảnh chia sẻ, động lực giúp cô gắn bó với nghề là tình yêu trẻ. Gia đình cô có truyền thống giáo dục, với 9 người thân là anh chị em đều là nhà giáo. Ba mẹ của cô cũng là giáo viên về hưu.

“Khi mới tốt nghiệp, tôi có nhiều lựa chọn nơi công tác, nhưng nguyện vọng muốn về nơi đây, vì thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng quê. Qua nhiều năm, tôi dạy cả hai thế hệ cha mẹ, con cái, cảm thấy công việc của mình được quan tâm, được tôn trọng, ý nghĩa. Học sinh trưởng thành, tự tin, thành công, với tôi đó là niềm hạnh phúc”, cô Cảnh nói.

Sự tận tâm, trách nhiệm với nghề giúp cô Cảnh gặt gái được nhiều thành công trong 22 năm đứng trên bục giảng. Năm 2021, cô Cảnh đạt danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 6 Bằng khen của UBND TP Cần Thơ, 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, 12 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2016 cô Cảnh được vinh danh là Nữ giáo viên tiêu biểu của huyện Cờ Đỏ.

Năm 2019, cô được vinh danh Giáo viên tiêu biểu trong các phong trào hội thi. Dịp 20/11 năm 2023, cô Cảnh là 1 trong 20 giáo viên tiêu biểu được ngành Giáo dục TP Cần Thơ tuyên dương. Cô còn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố; có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải các cấp.

Trong đó, sáng kiến “Biện pháp phụ đạo học sinh còn hạn chế năng lực học tập tại lớp 1B Trường Tiểu học Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ” được thành phố Cần Thơ công nhận sáng kiến có tầm ảnh hưởng toàn quốc năm 2021.

Với cô giáo Cảnh, những đổi mới trong giáo dục luôn tạo cho cô sự thích thú, tìm tòi. Những gì không biết cô sẽ tìm hiểu, tham vấn đồng nghiệp lâu năm, dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin kiến thức trên mạng, sau đó “chế biến” phù hợp để đưa vào tiết dạy.

“Không chỉ trao truyền kiến thức, tôi còn muốn giúp học trò của mình có kỹ năng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Sắp tới, tôi sẽ thực hiện hai nghiên cứu về xây dựng lớp học hạnh phúc, rèn kỹ năng cho học sinh thoát hiểm, bị đuối nước”, cô Cảnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Phi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hiệp cho biết: Cô Cảnh là tấm gương sáng của trường, của ngành Giáo dục. Cô cũng là giáo viên “mát tay” trong công tác bồi dưỡng phong trào học sinh giỏi, luôn đứng đầu huyện Cờ Đỏ. Năm học 2023 - 2024, cô bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải Nhất cuộc thi “Viết chữ đẹp” cấp thành phố. Bản thân cô Cảnh cũng là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.