Cô giáo viết sách từ đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Là Chủ tịch Công đoàn, Tổ phó Toán - Lý - Công nghệ của Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Mai được biết đến với những tiết học đầy sáng tạo gắn với thực tiễn. Cô luôn tìm tòi cải tiến trong dạy học, nghiên cứu các phương pháp, kĩ thuật mới để có những tiết học thú vị, tạo hứng thú trong học tập cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mai cùng các học trò của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Mai cùng các học trò của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Luôn tìm tòi sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Mai đã nghiên cứu áp dụng thành công phương pháp dạy học theo Trạm vào chủ đề “Máy cơ đơn giản - Vật lý 6” và tiếp tục nhân rộng sang một số chủ đề dạy học khác như: “Các tác dụng của dòng điện - Vật lý lớp 7”; “Sự phụ thuộc của điện trở vào các yếu tố khác nhau - Vật lý lớp 9”. Điều quan trọng hơn nữa là phương pháp này đã được lan tỏa đến đồng nghiệp, một số giáo viên trong trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên giỏi.

Ngoài ra, cô còn tổ chức dạy học gắn với thực tiễn, tăng cường các hoạt động “học đi đôi với hành” nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Cô đã tổ chức cho các em ra công viên để tìm hiểu ứng dụng của máy cơ đơn giản; tìm các dụng cụ trong gia đình là máy cơ đơn giản; cho học sinh viết dự án lắp ròng rọc để đưa nước lên tầng 2, 3 của trường.

Bên cạnh đó, cô còn tổ chức cho học sinh đóng vai là các nhà thám hiểm khi vận dụng kiến thức về bay hơi và ngưng tụ - Vật lý lớp 6 vào thực tế: Khi đến khám phá các vùng đất mới (sa mạc, hoang đảo, rừng nhiệt đới), nhà thám hiểm đều gặp phải một vấn đề khó khăn là nước mang theo đã hết. Nếu được lựa chọn tối đa 4 trong số các dụng cụ cho trước gồm: Đèn pin, túi ni lông, túi lưới, sào, bật lửa, vỏ chai, dây buộc, kéo thì em sẽ lựa chọn những dụng cụ nào để giải quyết tình huống trên? Vì sao?

Trong năm vừa qua, khi dạy học chương trình Vật lý lớp 7, cô cũng đã cho học sinh tiến hành các dự án nhỏ như: Kính tiềm vọng sau khi học xong chương 1: Quang học; dự án Vật lý và Âm nhạc sau khi học xong chương 2: Âm học. Điều đặc biệt ở dự án này là học sinh không chỉ chế tạo ra nhạc cụ từ các nguyên vật liệu tái chế như: Đàn chai, đàn cốc, đàn tam thập lục… mà còn phải kết hợp với nhau sử dụng nhạc cụ đã chế tạo để chơi được một bản nhạc hoặc một đoạn nhạc nào đó. Hay như dự án nhà thiết kế tài năng sau khi kết thúc chương 3: Điện học, thông qua dự án này học sinh đã tự mình in những hình yêu thích lên áo; chế tạo được nam châm điện và tổ chức cuộc thi nam châm điện nào khỏe nhất…

Cô Mai luôn tự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để chế tạo và cải tiến không ngừng các bộ đồ dùng dạy học nhằm tăng hứng thú cho học sinh. Các bộ đồ dùng đã chế tạo: Hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản; Bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ; Bộ thí nghiệm chưng cất nước.

Cô giáo viết sách

Song song với việc dạy học trên lớp, để tiếp cận với xu hướng giáo dục hiện nay, cô cũng luôn tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Cô Mai đã hợp tác với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các nhà giáo tâm huyết cùng chuyên môn để hoàn thành và xuất bản các bộ sách: Ôn tập - Kiểm tra đánh giá năng lực học sinh môn Vật lý (lớp 7, 8, 9) của NXB Đại học Sư phạm; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học lớp 6 (sách dùng cho GV và HS) của NXB giáo dục Việt Nam. Đặc biệt bộ sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học đã được tập thể tác giả phối hợp với nhà xuất bản, sở GD&ĐT ở các tỉnh để tập huấn cho rất nhiều giáo viên trên cả nước.

Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô là người trực tiếp lãnh đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, của quận trong nhiều năm liền. Cô luôn tự tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu và biên soạn nội dung ôn luyện theo các chủ đề, đồng thời truyền cảm hứng để các em học sinh yêu thích hứng thú với môn học, quan tâm động viên chuẩn bị tâm lý kĩ càng trước mỗi kỳ thi. Do vậy, học sinh tham gia đội tuyển Vật lý của trường ngày càng đông và đạt được nhiều thành tích cao trong kỳ thi HSG các cấp.

Với vai trò là chủ tịch công đoàn trường, cô đã triển khai Công văn số 220/CĐN về phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy học. Cô đã cùng với Ban Chấp hành Công đoàn trường và tổ trưởng công đoàn các tổ lập các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”. Các nhóm này tập hợp những giáo viên trẻ giỏi về công nghệ thông tin, những giáo viên có nhiều đột phá trong phương pháp dạy học và các giáo viên đứng tuổi có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Các thành viên trong nhóm làm việc cùng nhau để xây dựng các tiết chuyên đề, các tiết dự thi giáo viên giỏi.

Trong năm học 2017 - 2018, nhóm mà cô tham gia đã xây dựng thành công giáo án chuyên đề “An toàn giao thông vì nụ cười trẻ thơ” đạt giải Nhì cấp quốc gia; giáo án Ôn tập Tiếng Việt lớp 9 đạt giải Nhất cấp quận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ