Cô giáo viết những vần thơ sương giữa phố núi

GD&TĐ - Với phố núi nơi Lữ Hồng sinh sống, như lần cô tự hát rằng thơ mình đã nở xanh từ vùng đất đỏ hoa vàng này.

Tập thơ 'Ô cửa vẫn sáng đèn dẫu phố núi đã mù sương' là sự nối tiếp của thi pháp thơ trữ tình của nhà thơ trẻ Lữ Hồng.
Tập thơ 'Ô cửa vẫn sáng đèn dẫu phố núi đã mù sương' là sự nối tiếp của thi pháp thơ trữ tình của nhà thơ trẻ Lữ Hồng.

Và mới đây cô tiếp tục nở xanh cùng “Ô cửa vẫn sáng đèn”, tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 6/2024.

Thi phẩm gồm 50 bài thơ tình, và chắc hẳn chỉ gói trọn trong một chữ “Tình” mà vô vàn tâm tư, muôn trùng hy vọng. Chất trữ tình đã được cô chọn là tiêu ngữ cho bìa thi tập:

“Không ai rót mời một ly rượu

trắng trong

đốt cho dữ dội hóa lành yên

cho đắng cay thành dịu ngọt

thôi thì viết một câu thơ làm chứng

rằng ta đã tự mềm môi”.

(Một mùa Xuân nữa lại rời đi nhân lúc ta nằm ngủ)

Không khó để bắt gặp chất trữ tình nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng trong thơ một ai đó, nhưng để chất trữ tình riêng tư ấy thi vị hóa đời mình, dàn trải cả 50 bài thơ thì âu cũng rất khó. Tuy vậy, Lữ Hồng đã làm điều đó cùng “Ô cửa vẫn sáng đèn” bằng cách đốt lên và cầm lấy tình cảm của chính mình đi sâu vào tâm tư, soi lại những ngõ ngách, và… ngồi lại đôi lúc rồi đi.

Thơ Lữ Hồng tràn đầy thiên tính nữ, cô đã bắt đầu hành trình tìm chính mình trong sự hỗn độn của xúc cảm. Chính cảm xúc yếu đuối đã hơn lần làm cô loay hoay, vô định nhưng bằng sự rạch ròi của lý trí mà soi rọi, định nghĩa lại tất cả. Tác giả minh triết bản thân rằng: “Ta hiện diện nơi này như căn nhà không số” và “Kỷ niệm là kẻ chăn cừu”, vì “Ta về đây cuộc lữ” nên “Không có gì là thật”.

Không ngoại lệ, khi thiên hướng của tình yêu là sự mâu thuẫn, nó chứa đầy nghi ngờ và cũng nhiều hy vọng. Nhà thơ Lữ Hồng đã đi sâu vào bản ngã, sau khi cô định nghĩa lại những gì đang tồn tại trong tâm cảm, giờ là lúc cô đặt lại tên cho những hồ hởi vui và nằng nặng buồn của đoạn trẻ từng trải qua:

“Hơn ba mươi năm tôi chẳng dám khổ đau

cứ cười như chim rừng đã ăn vừa quả ngọt”.

(Tự khúc)

co giao viet nhung van tho suong giua pho nui (2).jpg
Nhà thơ Lữ Hồng.

Ở ngưỡng 30 mùa tím buồn của hoa thạch thảo đó, cô từng chút nắn nót lại ân tình:

“Em sẽ tiễn anh như thơ tiễn mùa Thu

như thể mình chưa có ngày nào vì nhau mà thở

ngày vén tóc thương anh là ngày nổi gió

trời có xanh đâu mà bắt cỏ phải mềm”.

(Em sẽ tiễn anh đi như thơ tiễn mùa Thu)

Nhưng càng đi sâu, cô lại càng hụt hẫng, sự hụt hẫng vẫn vẹn nguyên như cái thuở thiếu thời áo trắng, dù cô thừa hiểu ngày con tim cất lên khúc hát thì gió cũng gào đâu đó lìa xa: “Trong niềm riêng có niềm riêng khác/xin gửi tạ nhau một nửa chân thành…”.

Tôi có cảm giác như hơn lần cô đã buông tay, với tình thân, với chính mình, nhà thơ đã sợ điều gì đó vô thanh vô ý, lòng muốn gần gụi nhưng mắt môi lại dối lừa lòng.

Sự tận cùng – là thứ Lữ Hồng tìm kiếm trong suốt quãng thở của con tim. Như bao người thơ khác, không chấp nhận sự nửa vời cho bất cứ điều gì, cô đã đi tìm về ý nghĩa sống của bản thân, cô tách mình ra để chuyện trò, chất vấn.

Cô tìm về đoạn vui buồn đôi mươi trên nụ cười áo trắng, chưa kịp nhặt niềm vui đã gặp cành phượng chớm buồn: “Xa nhau cao nguyên nửa chiều bỗng nhạt// Về đi anh dẫu một lần như khách” (Hãy tìm nhau giữa mùa Xuân). Và với thơ cũng vậy, hơn lần Lữ Hồng lật tung tất cả để tìm căn nguyên nhưng sau hết cô đều vô vọng, bất lực trở về thực tại: “Tìm đâu một tiếng chuông ngân// vô biên và vô vọng/ lặng lẽ đức tin cuối cùng// không thể cúi xuống hôn mắt mình…” (Ký tự đầu tiên).

“Ô cửa vẫn sáng đèn giữa phố núi mù sương” là sự nối tiếp của thi pháp thơ trữ tình mà Lữ Hồng đã thể hiện qua các thi tập cô đã xuất bản. Thơ Lữ Hồng không thiếu câu sáng trong các bài, có những câu thơ đọc lên buộc ta phải chiêm nghiệm, dù tác giả không cố tình triết lý. Ví như:

“Nửa đêm muốn đặt lên bia mộ bạn mình một ly cà phê

uống bù những lần lỗi hẹn”.

(Tháng Chạp mùa Đông)

“Bây giờ ta còn ta

như một căn nhà không cần treo số”.

(Đêm)

“Em như có như không

như cuộc đời sấp ngửa

giữa thật giả buồn vui ngọt nhạt

em rồi có rồi không”.

(Uống rượu với mùa Xuân)

Chính những câu thơ sáng này đã bật lên giọng thơ riêng của Lữ Hồng - một Lữ Hồng đầy thiên tính nữ của phố núi. Với hồn thơ vừa đắng đằm vừa chát ngọt đan xen, cứ dịu dàng và hờ hững, nửa buông lơi lại nửa âm thầm tận tin ở tương lai điều gì tươi đẹp hơn như “Ô cửa vẫn sáng đèn dẫu phố núi đã mù sương” từ lâu nay.

Nhà giáo, nhà thơ trẻ Lữ Hồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, tên thật là Nguyễn Lữ Thu Hồng sinh năm 1992, hiện đang giảng dạy tại Trường THCS xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai).

Cô đã định danh trong địa hạt văn chương bằng tập thơ “Một mai thức dậy” (NXB Hội Nhà văn, 2017) và tập tản văn “Đợi sương mù giữa phố” (NXB Quân đội nhân dân, 2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.