Cô Nguyễn Mai Phượng – Tổ trưởng tổ Hóa học trường THPT Chuyên Lào Cai (Lào Cai) đã chia sẻ kinh nghiệm giúp HS học, ôn và thi môn Hóa học đạt kết quả tốt nhất.
Ôn tập dựa trên đề minh họa
Cũng như các môn học khác, môn Hóa học có sự thay đổi nhất định trong cách ôn tập để phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ - ĐH. Cụ thể, sự thay đổi đó dựa trên đề minh họa mẫu của Bộ GD&ĐT đã đưa ra.
Qua nhìn nhận của cô Nguyễn Mai Phượng, năm nay đề thi môn Hóa tăng độ hiểu biết, thông hiểu. Nếu như năm trước độ hiểu biết và thông hiểu nhiều nhất chiếm khoảng 60% đề thi thì năm nay lên đến 70%. Phần vận dụng kiến thức chiếm khoảng 20%, vận dụng kiến thức cao chiếm 10%.
Dựa trên cấu trúc đề minh họa, phương án ôn luyện cho HS cần tăng cường phần nhận biết thông hiểu. Mặt khác dựa trên kiến thức mà Bộ GD&ĐT đã giới hạn (do nghỉ dịch Covid-19) cần xây dựng phương án đưa ra kiến thức cơ bản nhất để HS có thể tiếp cận ngay. Làm sao để từ những HS có sức học bình thường cũng phải đạt được 60-70% mức độ nhận biết và thông hiểu.
Đối với những trường HS có mặt bằng kiến thức cao, nguyện vọng vào các trường ĐH thì công tác ôn tập cho HS lại tập trung vào vấn đề ôn thi ĐH các khối. Mức độ ôn luyện để đạt điểm (theo đề minh họa) HS phải đạt được từ 8,5-10 điểm thì mới có khả năng đỗ vào các trường ĐH top trên.
Trọng tâm kiến thức theo nhóm, đối tượng
Theo kinh nghiệm dạy và ông tập nhiều năm qua, cô Nguyễn Mai Phượng – Tổ trưởng tổ Hóa học trường THPT Chuyên Lào Cai cho rằng: Năm nay, HS thi vào ĐH cần được tăng cường các dạng bài liên quan đến vận dụng và vận dụng kiến thức cao. Mức độ hiểu biết và thông hiểu HS chỉ cần tự học dựa trên bài tập thầy cô hướng dẫn trên lớp là có thể giải quyết được ngay.
Đối với HS có mục tiêu vào ĐH để đạt được số điểm chắc chắn đỗ thì cần cố gắng hơn nhiều ở mức độ vận dụng và vận dụng kiến thức cao. Cùng đó cũng đòi hỏi HS vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản để không bị mất điểm ở những phần cơ bản bên cạnh rèn luyện những dạng bài tập ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Với những HS chỉ có mục đích thi tốt nghiệp cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK dựa trên chương trình chuẩn chứ không phải chương trình nâng cao bởi chương trình nâng cao có nhiều phần kiến thức HS không vận dụng đến trong đề thi. Đồng thời HS cũng cần làm tốt các bài tập cơ bản trong SGK. Với cách ôn tập như vậy sẽ giúp HS có thể đạt được 60-70% số điểm. Còn ở mức độ vận dụng cao hơn thì với HS thông minh dựa trên những kiến thức cơ bản có thể đạt được yêu cầu.
Cô Nguyễn Mai Phượng lưu ý, các bài giảng, kinh nghiệm làm bài, cách vận dụng kiến thức… được nhiều thầy cô đưa lên mạng cũng là một kênh tốt để HS cũng có thể tham khảo.
Ngoài ra, để việc ôn tập đạt kết quả tốt HS cần ôn theo chuyên đề. Dựa trên đề minh họa để xem giới hạn ở những chuyên đề nào. Trong các chuyên đề đó HS nên làm bài tập, học lý thuyết theo chuyên đề.
Khi ôn theo chuyên đề xong thì ôn tập tổng hợp vì 1 đề thi không chỉ có theo từng chuyên đề mà có những bài vận dụng, vận dụng cao. Như vậy đòi hỏi dùng tới kiến thức tổng hợp.
Ở góc độ tâm lý ôn và làm bài thi, cô Phượng cho rằng: Năm nay, do dịch Covid-19 khiến việc học và ôn thi có sự xáo trộn tuy nhiên Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời điểm thi lùi lại 2 tháng tương đương với thời gian HS nghỉ dịch.
Nếu HS nào biết tận dụng tốt thời gian nghỉ thì còn thuận lợi hơn năm trước trong việc học và ôn. Thời gian nghỉ dịch không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý HS.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh đề thi minh họa theo hướng tinh giản nội dung, thầy cô đã dạy và ôn cho HS theo hướng tinh giản. Do đó, HS cứ yên tâm để ôn tập thật tốt theo hướng mà Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thì kết quả kỳ thi chắc chắn sẽ đạt theo mong muốn.