Gắn bó với trường đã 15 năm nay, lần nào lên lớp, cô Kim Anh cũng rất thích nghe tiếng ríu rít và ngắm ánh mắt trong veo hồn nhiên của học sinh. “Như thế em thấy mình trẻ lại” - cô Kim Anh cười dịu dàng chia sẻ.
Đi bộ 6 tiếng tới trường
Tuổi 19 – 20, cô Kim Anh hăm hở lên trường dạy học. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn, nhà cách trường hơn 40 km, đường đi chỉ là lối mòn nhỏ. Trời tháng 10 ở đây đã giá lạnh, càng lên cao càng thấy mờ mịt sương núi. Lên đến dốc Nà Kiếm, cô Kim Anh đã rơi nước mắt, nghĩ sao con đường lên trường lại khó khăn vất vả đến thế. Chị đồng nghiệp đi cùng cứ vừa đi vừa động viên cô giáo trẻ. Lên đến đỉnh núi, nhìn ngôi trường tuềnh toàng và các em học sinh quần áo không lành lặn, cô giáo lại quên đi những vất vả của mình, ngày ngày lên lớp dạy học.
Đi lại vất vả như vậy nên thường 1 – 2 tuần cô Kim Anh mới về nhà. Những ngày đi làm mưa gió, cô cùng các chị em giáo viên gửi xe ở Đà Vị, đi bộ 9km lên trường. Chỉ 9 cây số thôi nhưng đi từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều mới lên tới nơi. Cô Kim Anh nhớ nhất khi ăn Tết xong, trời mưa, đường sống trâu có chỗ lở 2 – 3 m, các cô lại gửi xe, đi ủng lội bùn, bò bám từng mét một để đi.
Người bế con, người vác đồ đạc, bánh kẹo, đồ ăn thức uống mang lên cùng học sinh mừng năm mới. Vậy mà tuổi trẻ sung sức, cứ đi đi về về như vậy chưa bao giờ thấy nản. Năm 2014 mới hết cảnh đường đất, có đường nhựa để đi. Nhưng con đường hơn 40km quanh co đèo dốc đi xe máy cũng mất 2,5 tiếng mới tới trường.
Cô trò cùng hái rau rừng, khơi nguồn nước
Với các phụ huynh, cô Kim Anh giờ như người thân trong gia đình, để những ngày Nhâm Đinh – lễ nhập họ của người Dao, ngày lên đèn, gia đình học sinh lại mời cô đến chia vui. Ngày 20/11, học sinh bẽn lẽn tặng cô dây buộc tóc, quả bưởi, quả cam hái trong vườn nhà. Đặc biệt nhất là bó hoa rừng còn đẫm sương đêm. Có em còn chẳng biết nói gì, chỉ giật tay áo cô: “Uhm, cô này” rồi chạy biến!
Trường Tiểu học và THCS Hồng Thái cùng rất nhiều ngôi trường vùng khó khác nay đã có trường lớp kiên cố hóa, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, dạy học vô cùng thiếu thốn. Cô Kim Anh kể cô trò hiện vẫn hứng “nước lần” – nước chảy từ trên núi xuống – để sinh hoạt hàng ngày, lúc có lúc không.
Mùa hè thì không sao, chứ đến mùa thu đông thì nước lạnh buốt giá. Cô Kim Anh kể: Thế này là sướng lắm rồi! Hồi chúng em mới lên đây cơ sở vật chất còn khó khăn, không điện, không nước, cô trò cũng hứng “nước lần” để sinh hoạt. Có lúc trời mưa, nước đục ngầu, rồi trâu phá đường nước, cả cô và trò lên núi đắp lại để có nước dùng. Có hôm vừa đi sửa về, người dân lại đắp sửa đường nước cho về nhà mình… Nước ở đây hiếm lắm, giờ cũng vẫn hiếm!
Cô Kim Anh tiếp phụ huynh đến nhờ cô giúp đỡ vì con bị bạn trêu làm mất dép |
Điều khiến cô Kim Anh và các đồng nghiệp sợ nhất là sét! Khai giảng năm học mới 2018 – 2019 được mấy ngày, nhà bếp của các thầy cô bị sét đánh toác cả bàn bếp, vỡ hết bát đĩa, méo cả mâm nhôm, sập toàn bộ hệ thống mạng Internet. May lúc đó là 7 giờ 30 phút sáng, cả trường đang lên lớp học nên không có thiệt hại về người. Mâm méo thì đập lại cho phẳng, vỡ bát đũa thì cô Kim Anh và các giáo viên phân công nhau chở bát đũa mới từ nhà lên. Nhiều khi bố mẹ cô Kim Anh cứ thắc mắc, rằng đi làm chả thấy mang gì về nhà, mà toàn chở đồ từ nhà đi!
Trường Tiểu học và THCS Hồng Thái hiện có khoảng 30 học sinh THCS và 10 học sinh tiểu học nhà xa ở bán trú, tự nấu ăn và ngủ đêm ở trường, cuối tuần mới về với gia đình. Thế là cô lại trông trò, cùng nhau hái rau rừng, cô có gì ăn ngon thì chia cho học sinh. Học sinh dân tộc tuổi mới lớn đã biết “để ý” nhau, vậy nên cứ đến tối các thầy cô lại kiểm tra xem học sinh đã về ngủ chưa.
Có lần một nữ sinh lớp 9 bướng bỉnh, đã hơn 10 giờ tối mà cô gọi không về. Thuyết phục mãi không được, cô Kim Anh nói sẽ gọi điện thoại cho bố mẹ. Thế là học sinh nói luôn: “Cô mà nói với bố mẹ mai em sẽ ăn lá ngón”. Học sinh dân tộc không biết nói dọa, cô Kim Anh sợ quá phải gọi cả chính quyền địa phương và gia đình vào cuộc, phân tích đúng sai cho học sinh. “Yêu cô mà cũng làm cô giáo đau tim lắm”! – cô Kim Anh nói vui.
Nỗi buồn những đêm mưa
Cả ngày cuốn theo công việc giữa xôn xao nói cười của học sinh, đến đêm cô Kim Anh lại buồn. Hôm nào trời mưa, vùng núi càng buồn, có khi nằm khóc thầm. Mà vùng núi này mưa lại nhiều hơn nơi khác. “Em vẫn cứ đùa đồng nghiệp rằng tuổi thanh xuân của em cống hiến hết cho trường. Nhiều đêm nghĩ cũng lỡ dở rồi, rồi lại tự nhủ cứ làm tốt công tác là được. Lắm lúc nằm buồn khóc, nghĩ thương bố mẹ... Em mong được chuyển công tác ra nơi mới để thay đổi “phong thủy”, biết đâu có cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, cho cuộc sống cá nhân và công việc được hài hòa…” – cô Kim Anh tâm sự, rồi quay mặt khẽ chấm chấm mắt.
Chỉ thoáng qua thế thôi, rồi cô lại nhanh nhẹn bắt tay ngay vào công việc. Có một phụ huynh đến trường, tìm gặp cô Hiệu phó, xin cô quan tâm đến con trai học lớp 5, đợt rồi bị các anh lớn trêu vứt mất đôi dép mà gia đình không có tiền để mua lại cho con. “Không có dép nhưng không để con bỏ học đâu, quý trường quý cô lắm” – ông bố người dân tộc nói với cô giáo. Có lẽ, lời chia sẻ này sẽ khiến cô Kim Anh vui suốt hôm nay.
Hồng Thái đợt này thời tiết đẹp, từ cửa số lớp học nhìn ra thấy trập trùng núi, bảng lảng mây và xanh biếc những thửa ruộng bậc thang chực trổ đòng thoảng hương. Chợt mong đêm nay trời đừng mưa, để cô giáo vơi nỗi buồn, không còn khóc…