Cô giáo Quảng Trị với câu chuyện về người thầy truyền cảm hứng

GD&TĐ - Qua tác phẩm "Ngày...tháng...năm của thầy và tôi", cô giáo Nguyễn Thị Liên muốn gửi lời tri ân đến thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 kính yêu.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng học trò Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng học trò Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Dáng hình người thầy giáo năm xưa

“Ngày...tháng...năm của thầy và tôi” là tác phẩm do cô giáo Nguyễn Thị Liên, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị, viết và tham dự cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022.

Nói về tác phẩm, cô Liên cho biết “Ngày...tháng...năm của thầy và tôi” viết về thầy giáo Hoàng Đức Vinh, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, cũng là thầy giáo chủ nhiệm hồi cấp 3 của tác giả.

Những ngày đầu mới chập chững bước vào cánh cổng THPT, cô Liên cũng như nhiều bạn cùng lớp, đa phần từ làng quê ra thị xã học, nên cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm. Nhưng chính thầy Vinh đã khiến cho tác giả cùng các bạn lớp 10C3 cảm thấy ấm lòng.

Dù năm tháng đã trôi qua, cô Liên vẫn ấn tượng đặc biệt về người thầy giáo cũ, đó là sự nhân từ và độ lượng. Từ ánh mặt, giọng nói, nụ cười của thầy khi thầy vào nhận lớp đã giúp cô học trò năm xưa nhận thấy điều đó.

Cô Liên cùng thầy giáo chủ nhiệm cấp 3, thầy Hoàng Đức Vinh (phải). Ảnh: NVCC.

Cô Liên cùng thầy giáo chủ nhiệm cấp 3, thầy Hoàng Đức Vinh (phải). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Liên kể lại: “Tôi vẫn nhớ như in khi lần thầy vào nhận lớp 10C3, khi đó có 64 thành viên. Thầy đã có tuổi, mái tóc màu muối tiêu. Ngày hôm đó, thầy mặc chiếc áo trắng và quần tây nâu cũ nhưng được là ủi cẩn thận. Trên đầu thầy đội chiếc mũ phớt màu pha xám khiến tôi liên tưởng đến một người nghệ sĩ”.

Thầy Vinh mở lời bằng những câu chào đầy tếu táo, khôi hài để xua tan bầu không khí lạ lẫm, ngại ngùng của cả lớp ở môi trường mới. Lần đầu tiên gặp mặt, cô Liên vẫn không thể quên dáng vẻ lẫn phong thái ấm áp, hiền từ của người thầy chủ nhiệm quãng đường ba năm cấp 3 sau đó.

Một kỉ niệm ấn tượng khác là lần đầu tiên thầy đến thăm nhà cô Liên với mong muốn tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của trò. Sự cởi mở, chân thành của thầy đã tiếp cho cô học trò sự tự tin để chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Chính vì vậy, sau lần gặp gỡ này, đến tiết học môn Ngữ văn của thầy, cô Liên không còn sợ khi trả lời bài cũ hay khi phát biểu.

Đặc biệt, sau khi cô Liên có kết quả trúng tuyển đại học và cho đến bây giờ, tác giả đã xem thầy giáo Hoàng Đức Vinh như người cha gần gũi, yêu thương, quan tâm, lo lắng. Thầy giáo đã cùng cô chia sẻ tất cả những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống và trong nghề dạy học.

Cô Liên nhớ lại: Sau này khi tôi ra trường, về quê đi dạy, cứ cách 2, 3 tuần, thầy gọi điện hỏi thăm chuyện dạy dỗ, chuyện gia đình. Câu đầu tiên của thầy lúc nào cũng là ‘A lo, Liên à. Con đang làm chi đó?’. Những lời hỏi han, trải lòng của thầy về cuộc sống về nghề dạy học đã giúp tôi rất nhiều để tôi đến được với ngày hôm nay.

“26 năm qua, giữa thầy trò tôi có quá nhiều kỉ niệm mà trong dung lượng giới hạn của tác phẩm dự thi, tôi chưa thể nói hết được. Vì vậy, tôi tóm lược lại và đặt tên cho tác phẩm là ‘Ngày...tháng...năm của thầy và tôi”, cô Liên cho biết.

Ảnh chụp kỉ niệm của tập thể lớp 12C3 niên khóa 1996 - 1999 do thầy Hoàng Đức Vinh là giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.

Ảnh chụp kỉ niệm của tập thể lớp 12C3 niên khóa 1996 - 1999 do thầy Hoàng Đức Vinh là giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.

Tạo dựng niềm tin về truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

Chia sẻ về lý do tác phẩm ra đời, cô Liên bộc bạch, viết về thầy Vinh là điều cô giáo luôn ấp ủ. Tuy nhiên, tác giả e ngại bản thân chưa đủ năng lực ngôn ngữ để diễn tả hết những tình cảm sâu sắc này. Thế rồi, có điều gì đó trong tâm khảm đã thôi thúc cô Liên viết, viết thật.

“Thầy là người đã truyền cảm hứng nghề nghiệp cho tôi. Từ tác phong, nhân cách, đạo đức mẫu mực của một nhà giáo đến những bài giảng văn, những bài học cuộc sống. Thầy đã gieo cho tôi ước mơ trở thành giáo viên, và trở thành giáo viên dạy Ngữ văn giống thầy”, cô Liên cho biết.

Theo tác giả, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp nghịch cảnh, cô vẫn luôn nhớ lời thầy dặn là yêu thương học sinh hết lòng, tận tâm với con đường, với nghề mà mình đã chọn.

Thông qua tác phẩm, cô Liên muốn bày tỏ lòng tri ân đối với thầy giáo cũ, đồng thời lan tỏa những kỉ niệm về mái trường và thầy cô, từ đó tạo dựng niềm tin cho các thế hệ học sinh về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên. Ảnh: NVCC.

Khi biết cô Liên tham gia cuộc thi và lựa chọn câu chuyện về mình để viết, thầy Vinh cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Thầy đã không ngừng động viên cô Liên tham gia cuộc thi và góp phần lan tỏa những tình cảm của nghĩa thầy trò.

Cô Liên bày tỏ: “Cảm xúc đầu tiên là bất ngờ và hạnh phúc. Tôi đã run và khóc. Nghẹn ngào và sung sướng. Vì là lần đầu tiên tôi vượt qua chính mình, gửi bài tham dự một cuộc thi mà tôi biết rằng sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn tác phẩm của mình”.

Đối với cô giáo đến từ Quảng Trị, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” là cuộc thi rất có ý nghĩa, là cơ hội để tất cả mọi người, mọi lứa tuổi trải lòng về những kỉ niệm sâu sắc của bản thân về mái trường và thầy cô của mình.

Từ đó, cuộc thi góp phần lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và mái trường thân yêu. Đồng thời, cuộc thi góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp và thầy cô; lưu giữ những giá trị cuộc sống; phát huy truyền thống và đạo lí “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Thông qua cuộc thi, cô Liên cũng muốn gửi lời cảm ơn Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại, Sở GD&ĐT Quảng Trị cùng các ban, ngành đoàn thể, đơn vị, đồng nghiệp tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị đã luôn động viên, đồng hành cùng chị trong suốt quá trình chị tham gia cuộc thi.

Đặc biệt, cô giáo Nguyễn Thị Liên muốn gửi lời tri ân sâu sắc, chân thành nhất đến thầy giáo chủ nhiệm cũ Hoàng Đức Vinh đã khơi nguồn cảm hứng nghề dạy học và là nhân vật thực giúp cô có được kết quả như ngày hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.