Cô giáo người Tày gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Bằng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cô giáo Long Thị Duyên luôn nỗ lực trên hành trình đem con chữ tới những bản vùng cao.

Cô giáo người Tày gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Cô giáo người Tày gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số

Sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Coóc xã Bộc Bố - là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) với gần 100% là người DTTS; ngay từ nhỏ, cô Long Thị Duyên (sinh năm 1986) đã mang trong mình ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo Mầm non để được gần gũi, yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ vùng cao, xây dựng quê hương.

Dù gia đình khó khăn, nhưng với quyết tâm của mình, cùng sự động viên của gia đình, cô Duyên đã trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Ước mơ trở thành cô giáo từ thuở ấu thơ nay đã trở thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp, năm 2007, cô giáo trẻ được phân công giảng dạy tại điểm trường Khâu Vai thuộc trường Mầm non Bốc Bố (Pác Nặm) với 100% học sinh là đồng bào người dân tộc Mông, Dao, điều kiện gia đình khó khăn.

Nhớ lại những kỉ niệm khi mới nhận công tác, cô Duyên nói: Mặc dù sinh ra và lớn lên tại nơi đây, cũng thường xuyên được tiếp xúc với bà con và có sự chuẩn bị từ trước về tâm lý, nhưng khi vào đến điểm trường Khâu Vai bản thân tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống khó khăn của bà con.

Cả bản chỉ thấp thoáng vài ngôi nhà trên đỉnh đồi cao, nhà cửa, phòng học được người dân trong thôn dựng tạm bằng cây tre, mưa là dột ướt hết đồ dùng học tập không có phòng ở cho giáo viên, đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, không quán xá, không điện...

89842ccfb3e108bf51f0.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên miệt mài truyền dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS.

Chia sẻ về khó khăn, cô Duyên bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ như in ngày mới lên bản nhận công tác gặp rất nhiều khó khăn do mới ra trường kinh nghiệm chưa có, bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ, đa số trẻ hạn chế về khả năng nghe, hiểu và giao tiếng về Tiếng Việt, trẻ đi học không đều, nhút nhát khi đến lớp.

Khó khăn, gian khổ là vậy, có đôi lần tôi đã có những phút nao lòng. Nhưng rồi, khi gần gũi, chăm sóc, dạy dỗ các cháu nơi đây, thấu hiểu đời sống khó khăn của con em đồng bào các DTTS của quê hương mình, tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với trẻ, với cộng đồng, đồng cảm sẻ chia cùng đồng nghiệp".

Vừa làm cô, vừa làm “mẹ”

Hơn 18 năm gắn bó với học sinh vùng cao, điều mà cô Duyên trăn trở nhất không phải là sự vất vả của bản thân mà là cuộc sống cơ cực của các em nhỏ nơi đây.

Cô Duyên kể: "Vào những ngày mùa đông, các em học sinh đến lớp, em nào cũng tím hết chân tay, rét run vì lạnh. Tôi phải nhóm bếp cho các con sưởi ấm và đun nước ấm rửa chân cho các con, và lúc nào cũng phải chuẩn bị quần áo để ở lớp thay cho các con bị mưa ướt và lạnh vì mặc mỏng.

0bdf02949dba26e47fab.jpg
Không chỉ là cô giáo, cô còn là người "mẹ" thứ hai chăm lo cho chăm sóc cho học sinh khi tới trường.

Nhớ lại những lần đi vào bản vận động bà con cho con, cháu đi học, vào đến từng nhà người dân trong bản hoàn cảnh rất khó khăn, anh chị lớn ở nhà trông em, bố mẹ bận đi nương rẫy, bữa cơm của các con cũng chỉ là mèn mén (món bột ngô ăn thay cơm), canh rau cải và muối.

Những hình ảnh đó đã thôi thúc tôi đưa ra ý tưởng vận động quyên góp quần áo, giầy dép, ủng cho các cháu, đến từng gia đình tìm hiểu động viên cha mẹ, khuyến khích cho con em được đến trường kết hợp học tiếng Mông, Dao để giao tiếp với trẻ, với đồng bào về những phong tục tập quán, văn hóa dân tộc địa phương.

Người dân nơi đây tuy khó khăn, vất vả nhưng sống rất tình cảm, có mớ rau, củ sắn, củ khoai… cũng chia sẻ cùng cô động viên cô có thêm nghị lực, trách nhiệm với trẻ, với đồng bào hơn".

Cô Duyên chia sẻ thêm: Dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc rất khó, đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn và phát âm chuẩn. Khi phát âm, trẻ thường bị pha giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt dẫn đến bị ngọng nên giáo viên phải sửa, nhắc lại nhiều lần, diễn tả bằng khẩu hình chậm để trẻ quan sát và phát âm theo.

Cô cũng thường xuyên dành thời gian để quan tâm, tiếp xúc với trẻ; tổ chức các hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất để các em được giao tiếp với bạn, với cô bằng tiếng Việt.

Lớp học cũng được trang trí nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, bắt mắt có chú thích bằng các chữ cái và tiếng Việt để thu hút, gợi trí tò mò của trẻ khi đến lớp, tích cực tổ chức cho trẻ tham gia các hội thi, trò chơi dân gian có tính tương tác cao giữa các thành viên, dạy trẻ những bài ca dao, đồng dao, bài hát… tạo sự giao tiếp thường xuyên, giúp trẻ tiếp thu tiếng Việt hiệu quả nhất.

Cô giáo Long Thị Duyên nhiều năm được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm. Mới đây, cô là 1 trong 60 thầy cô nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ, tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.