Cô giáo người lấm bùn ăn mì tôm khắc phục hậu quả mưa lũ gây ‘bão’ mạng xã hội

GD&TĐ - Hình ảnh cô giáo người lấm bùn đất, ăn mì tôm sống giữa cảnh đổ nát khi dọn dẹp trường sau cơn bão số 3 nhanh chóng lan truyền và gây sự thích thú.

Cô giáo Hoàng Minh Diệp cùng học trò của mình.
Cô giáo Hoàng Minh Diệp cùng học trò của mình.

Đó là cô giáo Hoàng Minh Diệp - giáo viên khối mầm non Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn (xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).

Tấm ảnh cô giáo không son phấn, không làm dáng, cả người ngập bùn đất, chân vẫn đứng trong bùn, xung quanh là khung cảnh tan hoang, nhưng dáng vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn và phong thái lạc quan của nữ giáo viên đã khiến mọi người xúc động. Họ gọi đó là vẻ đẹp kiên cường của người giáo viên nhân dân.

459412970_4070698596508350_4458428459356589128_n.jpg
Hình ảnh cô giáo Hoàng Minh Diệp người lấm bùn, ăn mì tôm sống khiến dân mạng khen ngợi.

Cô giáo mầm non Hoàng Minh Diệp nhớ lại, khoảnh khắc chụp bức ảnh là khoảng 15h ngày 12/9, khi cô và mọi người đều đã thấm mệt.

"Hôm đó nước rút dần, bùn rất nhiều. Sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, tôi cùng một số giáo viên, người dân lập tức di chuyển đến trường để bắt tay vào dọn dẹp.

Đến trường nhìn mọi thứ xót xa quá. Nước lũ đi qua để lại cảnh tượng thật hoang tàn. Hầu hết bàn học, sách vở, trang thiết bị, đồ chơi của các con đều hỏng hết.

Dọn dẹp hồi lâu, nhìn thấy gói mì tôm, tôi vội vàng bóc ra ăn sống để chống đói, lúc đấy đồng nghiệp đưa điện thoại lên, nhưng tôi cũng chẳng để ý đến việc được chụp ảnh vì quần áo đã lấm lem bùn đất.

445393032_2607648282752501_5751163563091799836_n.jpg
Cô giáo Hoàng Minh Diệp luôn giữ phong thái trẻ trung, tích cực.

Mất điện nên điện thoại cứ phải sạc nhờ. Đến sáng ngày hôm sau, tôi mới biết hình ảnh của mình được lan tỏa rất nhiều", cô giáo Diệp kể.

Cô Diệp chia sẻ: "Không chỉ có tôi. Các giáo viên khác đều như thế, ai cũng vất vả vì việc chung. Tôi rất xúc động nhưng tuyệt đối không nhận những mỹ danh về mình".

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn, cô giáo Vũ Thu Hương cho biết, mưa lũ đã làm tốc mái, cuốn trôi bàn ghế, các thiết bị dạy học, hệ thống điện nước bị hư hỏng hoàn toàn.

Sau lũ, một lượng đất phù sa khổng lồ vùi lấp toàn bộ khuôn viên và các lớp học. Đất bùn ngập đến đùi, không kịp đẩy ra theo nước, giờ khô dính lại, phải dùng đến máy xúc.

Riêng đất bùn trong lớp học phải xử lý bằng cách phun nước trở lại để bùn nhão ra, sau đó mới đẩy được ra ngoài.

432462414_2554187968098533_6845049484882142074_n.jpg
Nụ cười luôn thường trực trên môi cô giáo trẻ.

“Hiện nay mỗi ngày ít nhất là 50 - 150 giáo viên của ngành giáo dục cũng như các cơ quan đoàn thể trên địa bàn lên điểm trường để hỗ trợ dọn dẹp. Đã 4 ngày trôi qua, việc dọn dẹp vẫn chưa thể hoàn tất. Dự kiến, thứ 3 tuần tới, học sinh mới có thể đi học trở lại", cô Hương thông tin.

Về hình ảnh đẹp của cô giáo Hoàng Minh Diệp đang được cộng đồng mạng ngợi khen, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn cho biết - hôm đó, nhà trường chỉ đăng lên mạng xã hội để động viên các giáo viên, đồng thời để mọi người chia sẻ với thầy cô giáo kiên cường khắc phục sau lũ.

"Nhờ có sự lan toả hình ảnh của cô Diệp mà mọi người biết đến điểm trường của mình nhiều hơn. Nhà trường xin được gửi lòng biết ơn tới những tấm lòng và sự giúp đỡ của người dân cả nước dành cho thầy và trò”, cô Vũ Thu Hương nói thêm.

Hiện, huyện Lục Yên có 4 trường bị ngập, 1 trường bị ngập hoàn toàn, 10 trường bị sạt lở, 4 trường bị thấm dột, có 2 học sinh bị tử vong. Là huyện miền núi, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường vẫn còn nhiều thiếu thốn, với những thiệt hại do thiên tai gây ra lại càng khó khăn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

mua gà bó xôi ở đâu