1h30 chiều thứ 6 ngày 18/10, phòng học khoảng 30m2 tại khoa Nội Nhi bệnh viện Ung Bướu, TPHCM lại nhộn nhịp những tiếng ê a học bài của các bệnh nhi, tiếng giảng bài của giáo viên, tình nguyện viên.
Trong không gian nhỏ hẹp đó, những chiếc bàn trệt, cô trò cùng ngồi giữa nền nhà, thật gần với nhau. Trong giờ học, họ dễ dàng trao cho nhau cái nắm tay, cái ôm.
Ở phía góc lớp, luôn là chỗ ưu tiên cho những học sinh vừa học vừa vô thuốc. Những chiếc cần móc bình thuốc, sợi dây truyền nước lủng lẳng nối kim tiêm vào tay tay, các em say sưa ngồi học, ngồi viết bằng tay còn lại.
"Nhi ơi, về chích thuốc con ơi", một người mẹ gọi cô con gái nhỏ đang học với nước truyền trên tay. Lại đến giờ em vô thuốc, người mẹ bước vào, cầm bình nước truyền để dẫn con về phòng điều trị. Nhi quay lại nói với cô giáo: "Vô thuốc xong con lại quay lại lớp nha cô". Nhi đã không còn sợ việc điều trị bệnh, không còn sợ hóa chất, xạ trị mà là lo lắng lớp học sẽ hết giờ.
Ngoài cửa lớp, nhiều bố mẹ đứng nhìn con học bài. Cũng như tiếng rộn ràng phía trong của lớp học, ánh mắt họ sáng lên cùng với những niềm hy vọng. Lớp học không chỉ là nơi để bệnh nhân và người nhà có thể tạm gác lại những đau đớn, muộn phiền và cả nỗi sợ hãi. Đó còn là nơi họ thấy mình chưa phải tách ra khỏi cuộc sống để vật lộn với bệnh tật mà cánh cửa tử có thể gọi tên bất cứ lúc nào.
Lớp học bao giờ cũng kết thúc bằng một màn biểu diễn nắm tay hát hò, nhảy múa của cô trò. Bởi lớp học không chỉ gieo những con chữ còn là trao niềm tin yêu vào cuộc sống này đến các bệnh nhi.
Hôm nay, em Lê Quang Trường, bị ung thư máu vào lớp mang theo một bông hồng để tặng cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, 62 tuổi. Hai cô trò có những mối duyên rất đặc biệt.
Cô Phấn gắn bó với lớp học từ ngày đầu thành lập vào năm 2009, cách đây tròn một thập kỷ. Còn Trường, năm đó em là một trong những học sinh đầu tiên của lớp. 10 năm, nay Trường trở lại nơi đây khi bệnh tái phát và trở lại lớp học này.
Cô Phấn vẫn còn ở đây và Trường vẫn còn ở đây! Em là một trong số ít những học sinh... còn ở lại với cô cho đến hôm nay.
Công việc này đã trở thành một phần cuộc đời của cô Phấn, cô chưa từng nghĩ bao giờ mình sẽ dừng lại.
Có những em mang bệnh, khi đây đã muốn buông mình với cái chết, không chịu ăn, không chịu uống, không chịu vào thuốc... nhưng khi vào lớp học, các em có thêm động lực để sống tiếp.
Nếu đó là công việc dạy chữ đơn thuần sẽ không níu chân cô Phấn đến như vậy. Ở đây, cô nhìn thấy những khát khao, say mê đối với việc học không chỉ để quên đau đớn, bệnh tật của học trò mà là thắp lên trong các em những ước mơ. Dù rằng, đó là ước mơ ở ngay cửa tử.
Như dòng chữ được trang trí nhẹ nhàng, treo giữa lớp: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!
Không một lớp học nào mà giáo viên phải chứng kiến sự ra đi của học sinh mình như nơi đây. Có em, hôm nay còn ở lớp, đến buổi sau, các em đã "về trời", không bao giờ trở lại.
Có học sinh, phụ huynh báo cho cô Phấn con em "về rồi" nhưng nhiều trường hợp, các em nhỏ trong lớp báo cho cô. Có em còn quá nhỏ để biết thế nào là cái chết, hồn nhiên báo tin: "Mỹ về rồi cô ơi!". Những lần đầu, cô còn hỏi: "Về sao em?", "Về là về luôn rồi á cô!".
Ở đây, các em nói với nhau: Tuổi thọ con người là... 18 tuổi. Mà biết bao nhiêu em, đã không thể đi được hết nửa chặng đường tuổi thọ tự mình quy ước. Riêng trong những ngày hè vừa qua, các cô đã phải tạm biệt với cả chục học sinh "ra về".
Nơi đây, cô Phấn và các giáo viên khác đã quen với việc đón nhận... những cái chết bằng nụ cười, nhìn cái chết bằng sự lạc quan. Các cô hiểu hơn bất kỳ ai, không thể mang sự buồn đau, tang thương, nước mắt vào lớp học "cách ly" với nỗi đau đớn bệnh tật tật này.
Để rồi có khi trên đường về, các cô òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Khóc cho những đau đớn tận đáy lòng. Khóc cho sự yếu đuối và cả bất lực.
Có lần, nghe tin học trò thân thiết của mình vào phòng điều trị đặc biệt - nơi mà các em đã được chuyển vào đó là hiểu ít khi còn lối quay về - cô Phấn chạy vào để gặp em. Lần đầu trong cuộc đời mình, cô chứng kiến giây phút trút hơi thở cuối cùng, tạm biệt cuộc sống nhân gian để về bên kia.
Sau lần đó, cô không quay lại căn phòng này nữa. Cô biết mình phải giữ vững tinh thần cho bản thân, cho các em còn ở lại.
Cô Phấn tự nhắc mình, một tuần mình có gần 170 giờ đồng hồ, chỉ dành cho lớp học nơi đây 4 tiếng thôi, cớ gì mình phải hà tiện. 4 tiếng đó, cô phải thật vui vẻ, hạnh phú. Thời gian vốn là thứ quý giá nhất, với các em bệnh nhi ung thư càng quý gấp bội.
Cô Phấn chỉ tay về phía trên kệ sách, phía góc trên cùng có những thùng coton được đóng gọn gàng. Đó là những cuốn tập... không bao giờ trở lại. Bao nhiêu năm qua, có hàng trăm cuốn như vậy, chưa kể những cuốn cô mang về nhà. Trong cuốn tập của học trò, mỗi buổi học đều có ghi ngày, ở đó, có buổi học cuối của các em.
Nhiều năm qua, trong mỗi buổi học, cô Phấn đều chụp lại những hình ảnh của các học trò nhỏ, về nhà ghi chép lại tính cách, ước mơ của các em. Bằng cách này, cô có thể nhớ được từng học trò với các những cá tính, mong ước khác nhau.
Những bức ảnh hồn nhiên, tươi đẹp và những ước mơ của các con cô giữ lại cho mình. Và chỉ khi các con vĩnh viễn ra đi, không trở lại nữa thì chúng trở thành những kỷ vật, cô tìm cách gửi lại cho gia đình, để họ lưu giữ lại những gì đẹp nhất của các con. Các con tồn tại trong cuộc đời, đến những giây phút cuối cùng không chỉ có bệnh tật và đau đớn mà còn có những nụ cười.
Không chỉ dừng lại ở đó, tình người, tình thầy trò níu bám tâm can cô. Không chỉ dạy ở trên lớp, 10 năm qua, cô Phấn lặn lội đến về thăm học những học trò thân thiết. Đó là chuyến đưa tang, chuyến đi ra thắp một nén nhang ở mộ...
Cách đây chưa lâu, cô đi Kon Tum để thăm cô học trò xinh đẹp và dễ mến vô cùng, em ra đi ở tuổi đẹp nhất. Em từng nói với cô: "Sau này, con sẽ thi Sư phạm, con trở thành sinh viên. Ra trường, con sẽ quay lại lớp dạy các bệnh nhi cùng cô nha cô!". Nhưng rồi, em đã ra đi ở tuổi 18!
Cô Phấn chia sẻ, cô bước đi được đến ngày hôm nay là nhờ có rất nhiều cộng sự, nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ... Nhiều người rồi cả truyền thông khi nói đến công việc này thường thổi phồng lên nhưng với cô đó là một công việc bình thường mà mình lựa chọn.
10 năm dạy học ở đây, cô Phấn đã không thể đau đớn thêm nổi nữa trước những cuộc chia ly. Ngược lại, cô thấy mình tràn năng lượng với sự thôi thúc để có thể bước cùng các em lâu hơn nữa, xa hơn nữa…