Những lần mệt mỏi, ngất lên, ngất xuống vẫn không ngăn nổi bước chân cô bền bỉ tới lớp mỗi ngày…
Bỏ phố lên ngàn
Cô Nông Thị Oanh, giáo viên Trường Mầm non Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (trước là Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là người Yên Bái, nhưng có duyên gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Điều kiện gia đình khó khăn, nhà lại có tới 5 anh chị em, nên chỉ mình cô Oanh được theo học đến nơi đến chốn. Song so với bạn bè cùng trang lứa, cô vẫn chậm muộn một vài năm vì nhiều lần lỡ dở.
Tới năm 2010, cô Oanh mới có cơ hội trở thành giáo viên tại một trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Không nói ra, nhưng cô hiểu, bố mẹ hạnh phúc đến nhường nào khi niềm tự hào, kỳ vọng của cả gia đình đã tìm được công việc đúng như mơ ước.
Sau vài tháng một mình xoay xở nơi phố thị, cô Oanh nghe tin vùng đất biên giới Mường Nhé (Điện Biên) đang thiếu giáo viên mầm non. Không suy nghĩ nhiều, cô quyết định bỏ dở công việc để “vác” hồ sơ ngược ngàn.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ nhà mình vất vả quá, cứ ở đâu có công việc ổn định, lương đảm bảo là được. Làm ở thành phố thì thuận lợi đủ đường thật nhưng mọi thứ đều đắt đỏ. Đồng lương ít ỏi, xoay xở một mình đã khó, tiền dành dụm gửi về cho bố mẹ chẳng đáng là bao. Vì thế khi nghe lên vùng cao, biên giới công việc ổn định, lương đảm bảo là tôi đi thôi”, cô Oanh tâm sự.
Để rồi, sau cái lần “liều đi” ấy là hàng loạt sự bất ngờ, ngỡ ngàng, vất vả đến nỗi nhiều hôm cô Oanh phải bật khóc một mình. Cô bảo, nghe cái tên Na Cô Sa, rồi Mường Nhé là đã trộm nghĩ xa xôi, cách trở rồi. Nhưng lúc đến nơi rồi lại càng thấy mọi thứ ban đầu hoàn toàn khác so với những gì cô tưởng tượng.
“Từ giao thông đi lại cũng phải qua đến 5 – 7 lần lên – xuống, đổi xe mới tới nơi. Thật sự đường quá xa mà vất vả. Lúc mới lên tôi còn chẳng biết đến bao giờ mới về thăm nhà được. Vì nghỉ lễ, tết cũng chỉ vài ngày, mà riêng thời gian đi lại đã ngốn gần hết rồi”, cô Oanh nói.
Rồi cơ sở trường lớp ngày ấy chỉ là vài dãy nhà tranh tre nứa lá, lụp xụp. Giáo viên mầm non như cô Oanh phải ăn, ở sinh hoạt cùng bà con tại các bản làng heo hút. Điều cô Oanh lo ngại nhất đó là sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Trong khi đa phần bà con ở Na Cô Sa đều theo tôn giáo. Nếu không hiểu, rất khó thực hiện nhiệm vụ.
Vừa làm quen trường, lớp, học sinh, địa bàn, cô Oanh vừa “học mót” tiếng Mông từ chính bọn trẻ. Mỗi lần chỉ cho các con nhận biết một đồ vật mới, cô hỏi chúng gọi là gì để ghi nhớ. Rồi hướng dẫn ngược lại bọn trẻ “tiếng phổ thông gọi là thế này, thế kia”. Lâu dần bọn trẻ hiểu bài, biết nhiều thứ hơn, còn cô cũng có thể giao tiếp được với học sinh, phụ huynh khi có việc cần.
Những ngày tháng khó khăn ban đầu tưởng như phải “bỏ cuộc” rồi cũng nhanh chóng trôi qua, mà theo cô Oanh, phần lớn là nhờ có tình cảm và sự sẻ chia của đồng nghiệp.
“Có lẽ chính vì điều kiện khó khăn nên các thầy cô ở đây sống rất tình cảm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Một xã thường có 3 trường ở 3 cấp học. Giáo viên các trường đều biết nhau, ai có gì giúp đó. Nhất là sự động viên, chia sẻ cả về kinh nghiệm nghề nghiệp, rồi niềm vui, nỗi buồn để bất cứ giáo viên mới nào như tôi cũng dễ dàng vượt qua”, cô Oanh nhớ lại.
Ngược xuôi hơn 2 vạn cây số chạy thận
Hơn 1 năm sau ngày lên ngàn, cô Oanh kết hôn với một thầy giáo dạy cấp 2 cùng xã. Chính thầy là người sẵn sàng gánh vác, sẻ chia cùng cô trong mọi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. “Tôi nghĩ, chính những khó khăn đã giúp chúng tôi dễ dàng sẻ chia, đồng cảm và đùm bọc lẫn nhau. Ngay cả bây giờ, anh sẵn sàng gánh vác gia đình, chăm lo con cái để tôi vừa yên tâm trị bệnh, vừa thỏa được khát khao đứng lớp của mình”, cô Oanh nghẹn ngào khi nhắc đến người bạn đời.
Sau nhiều phút lắng lại, cô Oanh mới tâm sự tiếp. Cô phát hiện mình bị viêm cầu thận vào khoảng tháng 3/2020. Khi đó, trường đang đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau vài ngày ở nhà, cô bỗng thấy mặt, tay, chân sưng tấy, phù nề nên đã đi khám.
“Lúc đầu khám ở địa phương thì bác sĩ bảo tôi bị viêm da. Tôi lấy thuốc về điều trị thì thấy đỡ, nhưng vài ngày sau lại bị. Dịp hè năm đó tôi quyết định về Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội khám lại thì mới phát hiện bệnh. Từ đó đến nay cứ mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 3 – 5 ngày tôi phải về viện để điều trị”, cô Oanh bộc bạch.
Na Cô Sa – nơi cô Oanh đang công tác, cách Hà Nội hơn 600km. Trước kia, vùng đất này còn thuộc huyện biên giới Mường Nhé, heo hút, cách trở. Sau ngày chia tách, sáp nhập về huyện Nậm Pồ, Na Cô Sa bắt đầu được đầu tư, xây dựng mới nhiều cơ sở hạ tầng. Giao thông vì thế cũng thuận tiện hơn. Dẫu vậy, mỗi lần xuống viện, cô Oanh cũng phải mất vài lần lên – xuống xe, rồi chật vật chờ đợi.
“Để bắt được xe khách thì giữa trưa chồng tôi phải đèo vợ vượt 15km từ trung tâm xã ra Trạm Púng, xã Quảng Lâm (điểm xe khách tuyến Hà Nội thường dừng đón khách). Khoảng 1 giờ trưa thì xe qua, nhưng có hôm xe chậm chuyến, tôi phải chờ cả tiếng. Mệt vì bệnh, rồi cộng thêm nắng nôi khiến tôi lắm lúc muốn kiệt sức”, cô Oanh giãi bày.
Dẫu vậy, theo cô Oanh thì đón được xe đã là may mắn rồi. Vài lần nhỡ chuyến, nhỡ lịch điều trị, cô bị y, bác sĩ bệnh viện mắng “té tát” vì nghĩ “coi thường sức khỏe”. Rồi vốn người nhỏ bé, dễ say xe, lại thêm bệnh, nên hành trình gần 20 giờ di chuyển xuống viện mỗi tháng với cô Oanh là cả nỗi ám ảnh. Sợ chồng lo, nên những chuyện này cô không bao giờ kể.
“Nói thật, vợ chồng tôi chỉ có đồng lương, không làm được gì thêm thắt nên phải chắt bóp lắm. Tháng nào cũng đều đặn bỏ ra 8 triệu tiền thuốc, cộng thêm tiền đi lại từ đây về Hà Nội, ăn, nghỉ dưới viện nữa là đã ngốn mất cả chục triệu rồi. Tôi thương chồng lắm, vì anh chẳng bao giờ ca thán. Cứ cặm cụi dành dụm, chăm con thay vợ”, cô Oanh giãi bày.
Mong thấy đám trẻ vùng cao trưởng thành…
Được bệnh viện tạo điều kiện, sắp xếp lịch điều trị vào ngày nghỉ, nên cứ thứ 6 cô Oanh bắt xe xuống viện. Chiều Chủ nhật, vừa dứt ca “chạy thận”, cô lại tất tưởi lên xe về bản. Mỗi lần từ viện về, cô Oanh đến thẳng trường cho kịp giờ lên lớp. “Chỉ có một vài lần lịch chạy thận quá đi 1 ngày thì tôi phải điện xin phép, nhà trường còn bố trí giáo viên khác dạy thay, không để học sinh phải nghỉ”, cô Oanh nói.
Bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, đi lại liên tục nên không tránh khỏi sự mệt mỏi, chán nản. Mỗi lần vậy, cô đều được chồng, đồng nghiệp động viên. Theo chia sẻ của cô Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu và đồng nghiệp đều dành sự chia sẻ nhất định. Họ mong muốn cô Oanh vừa có điều kiện tốt nhất điều trị bệnh tật mà vẫn có thể duy trì đứng lớp.
“Ban đầu phát hiện bệnh, cô Oanh cũng suy sụp lắm. Nhưng nhà trường và các cô đã động viên em cố gắng. Bệnh tình vậy, nhưng vì cô Oanh vẫn khát khao đứng lớp, muốn gắn bó với nghề, nên chúng tôi cố gắng bố trí, sắp xếp cho cô giảng dạy ở các điểm bản gần trung tâm, để đỡ vất vả. Mỗi lần Oanh ốm hoặc mệt quá, giáo viên trong trường sẵn sàng dạy thay”, cô Tâm cho hay.
Năm học này, cô Oanh được phân công phụ trách điểm bản Huổi Thủng 1 (cụm 2), với 16 học sinh, ở 4 nhóm tuổi. “Điểm trường cách nhà tôi khoảng 1km thôi, đường bê tông rồi. Nhưng vì chỉ toàn dốc lên, với lại tay chân hay bị run, khó điều khiển xe nên hôm nào trời mưa là tôi đi bộ. Lên đến lớp phải ngồi nghỉ một lúc. Học sinh, phụ huynh thấy tôi thở dốc lại hỏi thăm. Cảm động lắm!”, cô Oanh kể.
Cũng theo chia sẻ này, chính sự quan tâm, tình cảm của học trò và người dân là động lực để cô Oanh vượt qua mệt mỏi, đến lớp mỗi ngày. Do một mình phụ trách 1 điểm bản, nên cô vừa giảng dạy, quán xuyến, vừa nấu ăn, dọn dẹp phục vụ học sinh. Để san sẻ bớt với cô giáo, bà con trong bản phân công nhau bố trí người hỗ trợ.
“Thường thì sẽ có 1 – 2 phụ huynh lên cùng cô giáo nấu nướng, dọn dẹp bữa trưa cho các con. Rồi trong nhà có mớ rau, quả bí… thì chúng tôi mang lên đóng góp. Nhưng vào những ngày mùa, việc nương bận nên cô tự làm. Nhiều khi thấy cô giáo mệt, không ăn cơm trưa bà con phải nhắc nhở cô giữ sức khỏe”, ông Vàng Chá Mua, bản Huổi Thủng 1 chia sẻ.
Mỗi ngày, trong căn phòng học kiên cố, nhiều đồ chơi do cô Oanh tự làm, đều vang tiếng bọn trẻ. “Nhìn đôi mắt ánh lên sự thích thú, tò mò của lũ trò nghèo khó, tôi lại thầm nhủ bản thân phải nỗ lực nhiều hơn thế. Nhiều đêm về nằm tôi mệt tưởng lịm đi, nhưng sáng dậy lại thấy có động lực lên lớp. Tôi chỉ cầu mong có sức khỏe để chứng kiến bọn chúng trưởng thành”, cô Oanh giãi bày.
Chẳng thế mà, mỗi ngày, cô đều đặn dậy sớm hơn để có thời gian nghỉ ngơi trên lớp trước khi đón học sinh. Những đứa trẻ ngây ngô, nhếch nhác ngày nào, dưới bàn tay chăm bẵm của cô giáo giờ đều nền nếp, gọn gàng và lễ phép hơn hẳn. Cô bảo, nhiều em lớn, thậm chí còn hỗ trợ cô giáo dọn dẹp bàn, ghế và bát, thìa ăn cho các em nhỏ hơn. Với những đứa trẻ ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, thì đó đã là sự trưởng thành lớn lao…