Cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Cô Lê Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 2B (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những giáo viên tận tâm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Nhiều năm qua, cô đã kiên trì chăm sóc cho một học sinh khuyết tật vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.

Cô Lê Thị Thanh Thúy hướng dẫn cháu Thảo viết bài
Cô Lê Thị Thanh Thúy hướng dẫn cháu Thảo viết bài

Bà Lý Thị Cho, bà ngoại của cháu Trần Thị Hiếu Thảo, cho biết: Vào đầu năm học 2015 - 2016 bà đã dẫn cháu Thảo đến trường xin nhập học. Nhà trường đề nghị bà đưa cháu đến trường khuyết tật Sóc Trăng để được chăm sóc đặc biệt nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bà không thể đưa cháu đi xa được. Lúc bấy giờ, cô Thanh Thúy đang dạy lớp Một, thấy hoàn cảnh đáng thương của cháu nên cô tình nguyện chăm sóc dạy dỗ. Kể về quá trình đi học của cháu, bà Cho xúc động nói: “Tôi vô cùng mang ơn cô Thúy và nhà trường đã giúp đỡ cho cháu tôi được biết, được học chữ nghĩa”.

Sau một năm, cô Thúy tận tụy dạy cho Thảo cách cầm viết, cách đọc chữ, đọc sách, nay cháu Thảo đã 9 tuổi, học lớp Ba và đang phấn đấu cùng với bạn bè trang lứa. Cô Thúy cho biết, những ngày đầu vào lớp, cô phải chịu nhiều vất vả. Khi bà ngoại cháu Thảo đưa đến trường, cô ra ẵm Thảo cho ngồi ở một bàn riêng rồi nhờ một bạn hỗ trợ lấy bút, tập để gần bên Thảo. Sau đó Thảo phải tự rèn luyện gian khổ bằng cách dùng một cùi tay cặp vào má để di chuyển cây bút nắn nót thành chữ.

Nhờ thông minh, ham học và kiên trì nên chỉ sau một năm miệt mài, Thảo đã thành công. Nay không những em đọc được sách báo mà còn viết chữ khá đẹp. Không những vậy, em còn nghe và bấm được điện thoại bằng cách dùng một cùi tay áp vào má rồi dùng môi bấm số điện thoại nhanh đến nỗi không ai ngờ. Trong nhà, muốn di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, Thảo tự nhấc mình mà không cần đến người khác ẵm bồng. Thật là một điều phi thường.

Khi hỏi về động cơ nào mà cô lại giúp cho một học sinh khuyết tật nặng như thế, cô Thúy, tâm sự: Từ khi đứng trên bục giảng năm 1995 đến nay, lúc nào cô cũng coi học trò như con, đặc biệt Thảo là đứa con đáng thương hơn cả nên cô hết lòng quan tâm giúp đỡ cô coi Thảo như con ruột để chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh của em và gia đình em. Đáng thương nhất là cha của bé Thảo đã qua đời, mẹ lấy chồng khác, Thảo phải nương nhờ vào ông bà ngoại nay đã trên 60 tuổi.

Ông Lê Hoàng Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2B, cho biết: Cô Thanh Thúy là một giáo viên gương mẫu, chịu thương, chịu khó, tận tụy với nghề. Cô đã từng đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường rồi cấp huyện. Hiện cô đã được Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng họp thống nhất chọn cô đại diện cho đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật của ngành tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.