Tìm hiểu sâu hơn, mới biết cô Loan không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tận tâm trong công việc, được đồng nghiệp và học trò yêu mến.
Chịu khó học hỏi đồng nghiệp
Tốt nghiệp Trường CĐSP Bình Dương năm 2003 với chuyên ngành Vật lý - Công nghệ, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Loan được Sở GD&ĐT điều về Trường THCS Tân Bình (cũng huyện Dĩ An). Thời gian đầu cô được phân công phụ trách khâu thiết bị giảng dạy.
Với lòng hăng say, ham học, ham tìm hiểu... cô đã cố gắng không ngại khổ, ngại khó tìm tòi học hỏi, sắp đặt từng giáo cụ trực quan, đồ dùng học tập của từng môn học theo thứ tự ngăn nắp, gọn gàng, có khoa học, đúng chủng loại của từng môn để khi cần đến là tìm được ngay.
Đầu tuần họp Hội đồng nhà trường, cô đưa ra đề xuất ý kiến cùng các thầy cô dạy từng bộ môn trong tuần, cần dụng cụ trực quan loại nào, dạy vào tiết nào trong tuần thì đăng ký để cô chuẩn bị trước, không mất công chờ đợi.
Ngoài công việc sắp xếp thiết bị, cô tranh thủ thời gian đọc sách tìm hiểu để trau dồi thêm kiến thức cho bản thân. Cô đề xuất với Hội đồng nhà trường phụ đạo về môn Vật lý cho một số em HS yếu, kém còn hổng kiến thức cơ bản vào các buổi chiều tại trường. Giúp các em nắm bắt được các kiến thức cơ bản, đồng thời cũng củng cố lại kiến thức cho bản thân mình đã học được trong trường sư phạm. Cô luôn chịu khó học hỏi các thầy cô trong trường, các thầy cô đi trước để nắm bắt thêm cách giảng dạy làm thế nào để HS dễ hiểu, dễ tiếp thu bài nhất.
Tìm phương pháp giảng dạy tốt nhất
Với những nỗ lực không ngừng, đến năm 2005 cô được vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng thời gian này, cô được nhà trường cử đi học ĐH để nâng cao trình độ.
Năm 2007, cô tốt nghiệp ĐHSP chuyên ngành Vật lý. Khi ấy Trường THCS An Bình cũng vừa xây xong. Cô Loan được Phòng GD&ĐT điều về Trường THCS An Bình giảng dạy và làm Tổ trưởng Tổ Lý - Công nghệ. Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, cô còn được nhà trường phân công bồi dưỡng các em HS giỏi môn Vật lý.
Miệt mài nghiên cứu, cô không kể ngày đêm, tìm ra các phương pháp giảng dạy tốt nhất, từ những mẩu chuyện nhỏ về sáng kiến kỹ thuật trong Vật lý đã giải phóng được bao nhiêu sức người, mà năng suất lại cao... Chính những mẩu chuyện đó đã kích thích lòng ham học, tìm tòi sáng tạo của các em HS, tạo cho không khí trong tiết học thoải mái, hào hứng, không nhàm chán.
Năm học 2016 - 2017, cô hướng dẫn hai em Nguyễn Vĩnh Sang và Nguyễn Văn Thành học sinh lớp 9 thi Sáng tạo trẻ. Các em đã đoạt giải Nhất toàn tỉnh, vượt qua hơn 1.020 sản phẩm dự thi của tỉnh Bình Dương. Sản phẩm cũng vinh dự được tỉnh chọn đi thi cấp quốc gia.
Nhiều năm qua, hằng tháng cô Loan thường trích một phần lương của mình ra mua sách bút, đồ dùng học tập làm phần thưởng để tặng thưởng các em HS đạt điểm cao trong môn học của cô, nhờ vậy đã khích lệ được lòng hiếu học của các em.
Vào đầu năm học hằng năm, cô Loan đều xin số điện thoại của cha mẹ các em HS ở lớp cô làm chủ nhiệm, để tiện cho việc liên lạc cùng gia đình về tình hình học tập của từng em trong tuần, trong tháng, hay cuối mỗi học kỳ.
Nhờ có sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường thường xuyên, nên đã uốn nắn các em một cách kịp thời, không để có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, phải bỏ học nửa chừng, cô đã lặn lội tìm đến nhà động viên các em tiếp tục đi học. Cô đề nghị với Hội đồng nhà trường miễn giảm học phí cho các em, ủng hộ quần áo, giấy bút động viên các em tiếp tục đi học.
Trao đổi với lãnh đạo nhà trường, tôi còn được biết cô giáo Nguyễn Thị Loan là người luôn sâu sát với mọi hoạt động của nhà trường, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc cũng như trong mọi phong trào đoàn thể. Cô là chỗ dựa về chuyên môn nghề nghiệp cho các giáo viên trẻ. Cô được các thầy cô, bạn bè yêu mến, được các bậc phụ huynh học sinh kính trọng, tin tưởng gửi gắm con mình.