Cô giáo đất mỏ bày cách đạt điểm cao môn Địa lí

GD&TĐ - Học sinh cần rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat, rèn luyện kỹ năng tính toán, đọc số liệu và lập biểu đồ… là cách học để đạt điểm cao môn Địa lí.

Cô Đào Thị Diệp, Trường THPT Bãi Cháy ôn tập cho học sinh lớp 12 trong giờ Địa lí.
Cô Đào Thị Diệp, Trường THPT Bãi Cháy ôn tập cho học sinh lớp 12 trong giờ Địa lí.

Địa lí, môn cứu cánh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cô Đào Thị Diệp, Tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa - GDCD, Trường THPT Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, môn Địa lí bậc THPT là môn học gần gũi, dễ học, dễ thuộc và nhớ các kiến thức, vì vậy so với môn Văn, môn Sử thì Địa lí được coi như là cứu cánh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Diệp, để học môn Địa lí có hiệu quả, học sinh cố gắng nắm chắc lý thuyết ngay tại lớp bởi Địa lí là môn đòi hỏi sự tư duy logic cao, nếu không nắm rõ một bài thì rất có thể những bài tiếp theo sẽ không hiểu.

Qua đó các em cần rèn luyện một số kỹ năng như: Lối tư duy tổng hợp, logic. Rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat, đây là công cụ học tập vô cùng hiệu quả đối với môn Địa lí. Rèn luyện kỹ năng tính toán, đọc số liệu và lập biểu đồ, nhận xét biểu đồ. Rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

“Địa lí là môn đòi hỏi sự tổng hợp, có tính logic, không hoàn toàn là môn học thuộc vì vậy để làm bài thi đạt điểm cao, học sinh cần nắm rõ cấu trúc đề thi TN THPT môn Địa lí của Bộ GD&ĐT. Nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, tóm tắt kiến thức bài học bằng sơ đồ tư duy. Học cách nhận dạng biểu đồ và phân tích, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu sẵn có. Biết sử dụng và phân tích Atlat, đây được coi là báu vật để học sinh xử lý được nhiều câu hỏi. Ngoài ra học sinh cần đọc thêm nhiều tài liệu, cập nhập kiến thức xã hội”, cô Diệp chia sẻ.

Cô Đào Thị Diệp trong giờ Địa lí.

Cô Đào Thị Diệp trong giờ Địa lí.

Cô Diệp cũng lưu ý khi làm bài thi, học sinh nhận đề thi cần tô mã đề cho đúng. Đọc một lượt đề thi, kiểm tra xem đề thi có đầy đủ chữ, nguyên vẹn hay không. Luôn kiểm soát thời gian trong quá trình làm bài thi. Dành 5 phút đầu xem qua đề thi, hình dung với đề minh họa đã từng làm để xác định mức độ của các câu hỏi.

Tăng tốc làm nhanh đối với các câu nhận biết và thông hiểu, dành thời gian cho những câu vận dụng. Đặc biệt đối với các câu vận dụng, đọc kỹ đề, xác định từ “chìa khóa” trong câu hỏi, để nhận biết câu trả lời bám sát vào từ “chìa khóa” kết hợp với kiến thức trong sách giáo khoa và các kiến thức thực tế.

Để dành 5 phút cuối kiểm tra lại bài thi, kiểm tra việc tô đáp án cho chuẩn, đầy đủ vào các ô.

Các trường THPT đã sẵn sàng cho kỳ thi

Sau khi hoàn tất tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT, ngành GD&ĐT Quảng Ninh nhanh chóng bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trước những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, cùng sự nỗ lực cố gắng để học sinh bước vào kỳ thi một cách thuận lợi, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt đưa ra kế hoạch ôn tập hiệu quả, phù hợp, không gây áp lực cho học sinh.

Những ngày này, Trường THPT Bãi Cháy cũng như các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút ôn tập cho học sinh và đã có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại kỳ thi.

Thầy Lại Cao Kiên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy cho biết, hiện tại các em học sinh khối 12 học buổi sáng, chủ yếu là luyện đề. Còn buổi chiều các em tự học tại nhà và học nhóm.

“Cơ sở vật chất cũng như công tác như y tế, bảo vệ an ninh, an toàn giao thông đã được chuẩn bị xong. Mọi thứ đều sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thầy Kiên nói.

Kỳ thi diễn ra từ ngày 27 đến 30/6. Theo đó, thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6, làm bài thi Toán và Ngữ văn hôm 28/6. Ngày 29/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên). Ngày 30/6 là ngày dự phòng trong kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ