Cô giáo dân tộc Thái và nhiệt huyết 'gieo chữ' cho học sinh đồng bào

Hành trình “gieo chữ” Thái với cô giáo vùng cao Hà Thị Khuyên, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) thấm đầy những giọt mồ hôi. Với nữ nhà giáo này, đây không chỉ là đam mê mà còn là niềm vinh dự của một người con sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên chính mảnh đất quê hương.

Cô giáo dân tộc Thái và nhiệt huyết 'gieo chữ' cho học sinh đồng bào

Khổ luyện vì đam mê

10 năm qua, ngoài giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), cô giáo người dân tộc Thái - Hà Thị Khuyên còn đảm trách vai trò dạy chữ Thái cho học sinh nhà trường.

Với cô Khuyên, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm của một người con sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất quê hương Quan Sơn.

Chia sẻ về công việc đang làm, cô Khuyên hồ hởi: “Với tôi, đây hoàn toàn là đam mê, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thật vinh dự khi được giới thiệu cho học trò những bản sắc văn hóa dân tộc mình, mà trong cuộc sống hiện đại, các em dễ dàng bị quên đi”.

Hành trình “gieo chữ” Thái của cô giáo vùng cao Hà Thị Khuyên được nhen nhóm từ những năm 2012. Lúc đầu, cô Khuyên được Ban giám hiệu Trường THPT Quan Sơn tạo điều kiện cho dạy thử nghiệm ở quy mô một lớp học vào các buổi chiều trong tuần.

Tuy nhiên, do lịch học trái với thời khóa biểu chính khóa trong khi đa số học sinh đều ở xa trường. Thương các em vất vả, nhà trường đã sắp xếp tiết học vào buổi sáng, với thời lượng 1 tiết học mỗi tuần.

Cũng như những ngôn ngữ khác, chữ Thái rất đặc thù, đòi hỏi người học phải thực sự nghiêm túc và dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu. Theo cô Khuyên, chữ Thái cũng có nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm và thanh điệu, thể hiện trình độ của cộng đồng tộc người.

Cô giáo dân tộc Thái và nhiệt huyết 'gieo chữ' cho học sinh đồng bào ảnh 1

Cô giáo Hà Thị Khuyên trong một buổi dạy chữ Thái cho học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

“Khi mới bắt đầu với công việc này, tôi vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm. Để có kiến thức truyền dạy cho học trò, tôi luôn dặn lòng phải đầu tư học tập một cách nghiêm túc, cũng có thể nói là khổ luyện.

Tuy nhiên, càng tìm hiểu về chữ Thái, tôi càng bị hấp dẫn bởi thứ ngôn ngữ của dân tộc. Tôi có thể đọc các văn bản cổ, những tác phẩn Văn học nổi tiếng của dân tộc mình, từ đó biết được tri thức tộc người”, cô Khuyên chia sẻ.

Năm 2018, cô Khuyên trở thành giáo viên đầu tiên của Trường THPT Quan Sơn được cấp chứng chỉ dạy chữ Thái. Hiện tại, ngoài dạy chữ Thái cho học sinh nhà trường, nữ giáo viên còn kết hợp với Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) bồi dưỡng chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bảo tồn những giá trị tốt đẹp

Theo nhà giáo Hà Thị Khuyên, việc bảo tồn văn hóa rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Bởi, khi học xong chữ viết nếu không tạo được môi trường để duy trì và phát triển, thì chữ viết rất dễ bị mai một.

Do vậy, ngoài vai trò giảng dạy tại Trường THPT Quan Sơn, cô Khuyên còn tham gia vào Ban chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn. Từ đây, cô Khuyên đã trở thành cầu nối trong các hoạt động tuyên truyền về văn hóa dân tộc đến với đông đảo học sinh nhà trường.

Không chỉ vậy, cô Khuyên còn hăng say sưu tầm và dịch các văn bản, tác phẩm bằng tiếng Thái cổ sang Tiếng Việt. Tham gia công việc này, cô Hà Thị Khuyên cũng vinh dự đoạt giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2017.

“Hiện nay, ngôn ngữ dân tộc đang có dấu hiệu bị mai một, với số người biết đọc và viết chữ Thái ngày càng ít đi. Dù vậy, tôi càng đam mê trao truyền chữ viết của dân tộc mình để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp”, cô Khuyên bộc bạch.

Gắn bó với công việc bằng niềm đam mê, nhà giáo Hà Thị Khuyên cũng nhận lại những trái ngọt khi lứa học sinh đầu tiên mà cô dìu dắt, đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với ngôn ngữ dân tộc Thái. Đây là niềm động viên, khích lệ không nhỏ đối với nữ nhà giáo vùng cao.

Cô giáo dân tộc Thái và nhiệt huyết 'gieo chữ' cho học sinh đồng bào ảnh 2

Cô Khuyên (bìa trái) trong buổi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Ngoài trao truyền chữ viết, cô Khuyên còn hăng say tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Thái do Trường THPT Quan Sơn tổ chức. Các hoạt động như khua luống, các điệu cồng, chiêng… được nhà trường tổ chức mỗi tháng từ 1 – 2 buổi và đã duy trì suốt 10 năm qua.

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ và dạy chữ Thái, nhà trường mong muốn giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc địa phương đến với các thế hệ học sinh.

“Cô Khuyên vốn là cựu học sinh của nhà trường, lại là người đồng bào Thái, nên rất tâm huyết với các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc. Không chỉ dạy chữ Thái, cô Khuyên còn năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ”, thầy Đạo nói.

Theo thầy Đạo, với học sinh tham gia học chữ Thái đều hoàn toàn miễn phí. Nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí in ấn tài liệu và bồi dưỡng cho giáo viên tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, nên hiện trường mới chỉ duy trì mỗi khóa 2 lớp, nhưng xác định sẽ triển khai dần để các thế hệ học sinh có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc.

“Các hoạt động này có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh chúng em. Khi tham gia các hoạt động như khua luống, cồng chiêng… em cảm thấy như được trở về với bản sắc văn hóa dân tộc thuở xưa.

Em hy vọng, nhà trường sẽ duy trì các hoạt động này dài lâu và lan tỏa đến những ngôi trường khác, để các thế hệ học sinh hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc mình”, em Hà Thị Mỹ Duyên (học sinh Trường THPT Quan Sơn) bộc bạch.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.