Việc phụ đạo miễn phí này được "tăng ca" mỗi 2 tháng trước kỳ thi vào 10. Thời gian này, cô thường dành cho học sinh cả buổi, khi thì ở trường, khi bận quá thì dạy tối cho học sinh tại nhà.
Dạy miễn phí, trồng đậu để giúp trò
Trống tan trường đã lâu, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp vẫn miệt mài trên lớp. Yêu cầu những học sinh yếu, chưa nắm chắc bài học, chưa chăm ở lại để hoàn thành bài học, giảng thêm những chỗ chưa hiểu, chuyện cô giáo về nhà muộn hơn rất nhiều đã thành quen thuộc. Không đòi hỏi điều gì ở học sinh, niềm mong mỏi của cô là các trò tiến bộ trong học tập, rèn luyện từng ngày.
Vất vả hơn là tất yếu, nhưng hiệu quả của việc học khiến cả cô và trò cùng "say". Học sinh cũng cảm động tấm lòng cô giáo nên cố gắng, nỗ lực hơn.
Cô Nghiệp kể: có em thi khảo sát môn Văn theo đề của Sở GD&ĐT (chấm chéo) được 2 điểm, nhưng sau 2 tháng học miễn phí, cùng quyết tâm của bản thân, em đó đã đạt 6,75 điểm Văn. Có em quá yếu, mong được học để có thể đỗ vào lớp 10; em học Toán tốt, nhưng Văn chưa tốt nên nhờ cô bồi dưỡng thêm để thi vào lớp chọn. Có thể nói, các học sinh mình dạy miễn phí đều toại nguyện.
Trường THCS Đại Cường - nơi cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp công tác - nằm trên vùng quê của huyện Ứng Hòa còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về người đồng nghiệp, thầy Trần Văn Đạo - nguyên hiệu trưởng nhà trường - xúc động nhớ lại câu chuyện về một học sinh lớp 9 mồ côi cha mẹ, ở với ông ngoại ngoài 70 tuổi, cách đây hơn chục năm.
Thương hoàn cảnh của trò, cô Nghiệp khi đó là giáo viên chủ nhiệm thường mua tặng em áo, quần, sách vở... Khi trò đỗ đại học, cô liên hệ với Ngân hàng Công thương Việt Nam tặng cậu trò nghèo hiếu học học bổng 8 triệu đồng. Lớp 9B của cô thời đó cũng mượn ruộng của dân, trồng đậu tương, gây quỹ hơn 2 triệu đồng, giúp đỡ các học sinh trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, mua áo đồng phục cho cả lớp. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc chưa ngoan, được cô Nghiệp quan tâm, giúp đỡ, nay đã thành đạt.
Cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn Giáo dục công dân năm học 2009-2010 |
Cô giáo đa năng
Trường THCS Đại Cường thường điểm đầu vào THPT thuộc top cuối của Hà Nội; số học sinh dự thi nhiều năm thấp hơn chỉ tiêu. Thế nhưng, 19 năm trong nghề, những lớp cô Nghiệp giảng dạy, dù không phải lớp chọn, nhưng luôn đạt trên 80% điểm trên trung bình; điểm trung bình từ 6 đến 7.
Năm học 2016-2017, trường đang xây dựng, học 2 ca, phân tán học ở 3 địa điểm, xã thuần nông 90% làm nông nghiệp nhưng cô vẫn giữ được thành tích môn Ngữ văn đạt 83% điểm trên trung bình. Kết quả thi vào lớp 10 môn Văn do cô dạy luôn đạt điểm cao, trong tốp đầu của huyện. Đặc biệt, trong bồi dưỡng học sinh giỏi, năm học nào cô cũng có học sinh đạt giải cấp huyện.
Tâm sáng, dạy giỏi, cô Nguyễn Thị Nghiệp cũng nhiều lần khiến đồng nghiệp xúc động vì sự quan tâm chân thành, tận tình: giúp đỡ đồng nghiệp trẻ không chỉ trong chuyên môn mà cả cuộc sống; góp ý, hướng dẫn chân tình, thẳng thắn sau mỗi tiết dự giờ, trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn, trong các đợt đồng nghiệp thi giáo viên giỏi; có khi thức đến 12 giờ đêm để xây dựng giáo án cùng đồng nghiệp.
Còn nhớ, năm học 2011-2012, cô giáo của trường là Nguyễn Thanh Huyền thi giáo viên giỏi cấp huyện môn Âm Nhạc, cô Nghiệp đã tất tả đi trong buổi chiều mưa gió, mượn thêm các loại nhạc cụ giúp đồng nghiệp làm đồ dùng dạy học. Kết quả, cô giáo Thanh Huyền đã đạt giải ba cấp huyện.
Năm 2008, cô giáo Nguyễn thị Nghiệp được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường; từ đó, cô đã có những sáng kiến tham mưu đề xuất cùng chi bộ, ban giám hiệu nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên.
Năm 2014, cô Nghiệp tham mưu với Công đoàn ngành GD&ĐT, Liên đoàn lao động huyện, quĩ “Mái ấm công đoàn” thành phố Hà Nội hỗ trợ cô giáo Vũ Thị Tuyết, giáo viên trong trường có hoàn cảnh rất khó khăn, số tiền 30 triệu đồng để sửa chữa nhà. Công đoàn Giáo dục huyện, Công đoàn và các thầy cô giáo Trường THCS Đại Cường cũng đóng góp, hỗ trợ cô giáo Tuyết 8 triệu đồng.
Hỏi đâu là bí quyết giúp để có thể vừa làm tốt chuyên môn, vừa giúp được nhiều người như vậy, cô Nghiệp chia sẻ: có lẽ bởi sự khát khao mong muốn học sinh thành đạt và các đồng nghiệp thành công; vì thế mà tôi quên mệt mỏi mỗi khi làm việc, cũng như cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, tận dụng thời gian, tập trung làm việc hiệu quả.
Cô cũng cho rằng, điều quan trọng nhất của người làm công tác quản lý giáo dục là đánh thức và khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi giáo viên, truyền nhiệt huyết và sự khát khao cống hiến của thế hệ đi trước và của bản thân mình cho các thế hệ sau, tạo sự lan tỏa… "Ở đâu cũng vậy, môi trường học tập thân thiện là vô cùng quan trọng giúp phát huy sức sáng tạo của học sinh, giúp giáo viên truyền cảm hứng và đam mê học tập" - cô Nguyễn Thị Nghiệp tâm sự.