(GD&TĐ) - Năm ấy tôi vào lớp Mười. Tôi được xếp vào lớp của cô Vích, lớp 10C. Bé nhất lớp, lại nhút nhát nữa nên tôi rất lo lắng. Nghe các anh chị lớp trên kể lại, cô Vích rất nghiêm khắc và… “dữ” nếu có học sinh nào cố tình không tuân theo nội quy nhà trường. Tôi vốn là cô bé nhút nhát lên lớp Mười rồi mà vẫn chưa dám đến nhà cô chơi.
Đã 30 năm, kể từ ngày tôi rời xa tuổi học trò nhưng trong tôi khoảng thời gian ấy cứ như mới vừa trôi qua. Ngày ấy, sau kỳ nghỉ hè, tôi bước vào năm học cuối cấp với sự tự tin rằng mình sẽ bước chân vào giảng đường đại học.
Lớp 10C chúng tôi được cô giáo dạy toán làm chủ nhiệm. Cô ngoài bốn mươi, dáng vẻ nửa công dân nửa là cán bộ, hiền từ nhưng rất nghiêm khắc với lũ học trò cuối cấp chúng tôi.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô có lẽ là cái giọng nói to, giảng bài của cô rất hay. Cô rất hay quan tâm đến những bạn yếu kém trong lớp và thường xuyên gọi các bạn ấy lên trả bài.
Lớp 10C chúng tôi học không đến nỗi tệ lắm, cũng không giỏi nhưng rất nghịch ngợm và hay bỏ tiết khi không chuẩn bị bài ở nhà. Sợ nhất là ngày thứ 4 có giờ sinh hoạt chủ nhiệm, vào giờ này cô chủ nhiệm bước vào lớp với vẻ nghiêm khắc. Chúng tôi chỉ biết im lặng, nhìn nhau, không ai nói với ai lời nào chỉ ra hiệu với nhau bằng cử chỉ, ánh mắt. Không khí trong lớp trở nên nặng nề hơn. Cô ngồi xuống bàn giáo viên lần giở từng trang sổ đầu bài, nơi đây bao nhiêu lỗi vi phạm của chúng tôi trong tuần đều được lôi ra hết, đứa thì không thuộc bài, đứa thì không làm bài, đi muộn, nói chuyện… Có nghĩa là đủ thứ lỗi vi phạm.
Cô nghiêm khắc nhìn cả lớp chúng tôi, từng đứa, từng đứa vi phạm lần lượt đứng lên, miệng líu ríu chẳng nói lên được lời nào. Lúc đó cô nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên răn chúng tôi, đứa nào nặng thì buộc làm kiểm điểm đưa về phụ huynh ký tên – đây là chiêu mà lớp chúng tôi sợ nhất. Tuần nào cũng vậy, thế là trong lớp chúng tôi một số đứa đâm ra ghét cay ghét đắng cô vì bị cô nhắc nhở thường xuyên.
Riêng tôi, lúc đầu tôi cũng không ưa cô như các bạn và một kỷ niệm đáng nhớ làm tôi thay đổi hẳn suy nghĩ về cô. Lúc đó, tôi học khá đều tất cả các môn nên tôi khá tự tin, tự cho mình cái quyền không cần phải trả bài đặc biệt là môn toán, môn của cô giáo chủ nhiệm. Vì cô hay gọi tôi là “át chủ bài” và được ưu ái hơn các bạn khác. Thời điểm này sắp đến kỳ thi tốt nghiệp nên ai cũng lo cố gắng học, giáo viên thì tập trung khảo bài.
Có một lần cô gọi tôi lên trả bài nhưng tôi chưa chuẩn bị bài, cô đứng dậy nghiêm khắc, giận dữ nhìn tôi và mời tôi ra khỏi lớp. Tôi rất hối hận xin lỗi cô giáo để được vào lớp tiếp tục học.
Tuy đã được vào lớp học bình thường nhưng trong lòng tôi vẫn còn ghét cô giáo lắm. Thời gian trôi qua, rồi cũng đến lúc chúng tôi thi tốt nghiệp. Cô vẫn ở bên chúng tôi, động viên chúng tôi cố gắng vượt qua kỳ thi và bước chân vào giảng đường đại học. Qua những bài giảng và những buổi ôn tập. Lúc đó tôi mới cảm nhận được tình cảm của một người “thầy” dành cho lũ học trò chúng tôi. Không biết sau năm học ấy có còn ai trong số những đứa bạn tôi có thành kiến với cô ngày xưa còn nhớ đến cô không?
Giờ đây, mỗi khi đi đường bắt gặp hoa gạo tôi thường đứng lại, lặng nhìn và hồi tưởng về những kỷ niệm thuở học trò ngày xưa. Ngày ấy thật vui, ở đó có bạn bè, thầy cô, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi – cô giáo Hà Thị Vích.
Ước chi ta được một lần quay trở lại tuổi học trò thân thương! Và bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này tôi nghĩ đến cô giáo chủ nhiệm và những dòng chữ này xem như là lời tri ân gửi đến cô giáo.
Mã số 668