Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình
Cô Nguyễn Thanh Huyền có nhiều năm công tác tại Phòng tham vấn và hỗ trợ sinh viên - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Công việc của cô là lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu và định hướng cho sinh viên vượt qua nỗi buồn, thử thách, những khủng hoảng đầu đời để tìm lại niềm vui, hạnh phúc. Cô đồng thời còn là giáo viên dạy kỹ năng sống; tham gia cố vấn, tham mưu xây dựng chương trình kỹ năng sống để thực sự phù hợp với các độ tuổi học sinh.
“Rất nhiều sinh viên sau này khi trưởng thành, gặt hái được thành công đã quay trở về gửi lời cảm ơn đến cô. Đó là món quà lớn nhất đối với tôi.” - cô Thanh Huyền chia sẻ.
Với nỗ lực hết mình vì học sinh, vì mục tiêu nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn thật "khỏe mạnh" cho học sinh, sinh viên, cô Thanh Huyền đã gặt hái được nhiều thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp quận Nam Từ Liêm; giáo viên truyền cảm hứng của hệ thống trường liên cấp, trường tư thục có tiếng tại TP. Hà Nội.
Gặp ở ngoài đời, khó ai nghĩ cô giáo thuộc thế hệ đầu 8X bởi sự trẻ trung, năng động và đặc biệt là nụ cười luôn nở trên môi.
Lý do được cô Huyền chia sẻ là việc giảng dạy kỹ năng sống không chỉ mang đến cho học sinh mà cả chính mình những năng lượng tích cực, hiệu quả để làm việc và công tác thật tốt. Khi tâm bình an, con người sẽ luôn vững vàng và sẵn sàng đón nhận mọi thứ, biến khó khăn thành cơ hội để rèn luyện bản thân.
Đó cũng là lý do mà cô lựa chọn Phenikaa là nơi gắn bó. Cô giáo 8X hiện là trưởng nhóm kỹ năng sống của khối THCS và THPT tại trường này.
Chia sẻ quan niệm "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình", theo cô Thanh Huyền, mục đích của những bài giảng không chỉ là mang đến kiến thức, trao gửi tri thức mà còn là giúp học sinh được "khai sáng" về chính bản thân mình, hiểu được mình thích gì, yêu gì, đam mê gì và xây dựng định hướng cho tương lai.
Để làm được điều này, chính thầy cô giáo phải là những người hiểu rõ mình nhất và không ngừng trau dồi kiến thức, sáng tạo để học sinh được trải nghiệm, thực hành thực tế, từ đó luôn bước vào đời với tâm thế vững vàng, bản lĩnh.
Cô Nguyễn Thanh Huyền. |
Trăn trở với công tác tâm lý học đường
"Mỗi học sinh sẽ là chuyên gia giỏi nhất trong vấn đề của mình. Những nguyên tắc chấp nhận vô điều kiện, lắng nghe và bảo mật là chìa khóa mở cánh cửa nội tâm để học sinh thoát khỏi những rắc rối, bế tắc tìm được niềm vui và hạnh phúc".
Cô Nguyễn Thanh Huyền
Công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, hỗ trợ học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách.
Đây cũng là công việc giúp phát hiện, tư vấn giúp học sinh có hướng giải quyết phù hợp các vấn đề xảy ra trong học tập, cuộc sống, giảm thiểu bạo lực học đường và các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra.
Thấu hiểu tầm quan trọng của điều này, cô giáo 8X luôn trăn trở, làm sao để học sinh “mở lòng”, sẻ chia và thấu hiểu cũng như mang đến cho các em nguồn năng lượng lạc quan nhất.
Bí quyết được cô chia sẻ là cảm hóa học sinh cá tính, giáo dục bằng tình yêu thương, chấp nhận và dành thời gian chia sẻ cùng học sinh. Khơi gợi, động viên học sinh thực hiện mục tiêu và chinh phục những thử thách.
“Tôi từng gặp học trò trầm cảm khá nặng. Đã có lúc gia đình xác định con phải ngừng học một năm để đi điều trị tâm lý. Với việc yêu thương và chấp nhận vô điều kiện cả những phần gai góc của con, qua những buổi trò chuyện tâm lý, học sinh đó đã tìm lại chính mình.” - cô Thanh Huyền kể lại.
Trong hoạt động tham vấn học đường cô Huyền luôn tin rằng: Mỗi học sinh sẽ là chuyên gia giỏi nhất trong vấn đề của mình. Những nguyên tắc chấp nhận vô điều kiện, lắng nghe và bảo mật là chìa khóa mở cánh cửa nội tâm để học sinh thoát khỏi những rắc rối, bế tắc tìm được niềm vui và hạnh phúc.
“Qua những buổi trò chuyện tâm lý, tôi thường khơi gợi, giúp học sinh cân bằng cảm xúc, nhìn nhận những rắc rối theo cách tích cực và nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi những giá trị tốt đẹp: Yêu thương, chấp nhận, tha thứ và biết ơn.
Phòng tham vấn học đường trường tôi đang công tác đã xây dựng chương trình định hướng nghề nghiệp kết hợp với trải nghiệm thực tế, giúp học sinh đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với phẩm chất năng lực của mình. Nhà trường đồng thời có “trạm cứu hộ” nghề nghiệp để hỗ trợ các em đang mắc kẹt trong việc thấu hiểu bản thân và định hướng tương lai.” - cô Thanh Huyền chia sẻ.