“Cô gái vai trăm cân” qua những ngày khói lửa

GD&TĐ - Đây là cuộc gặp lần đầu tiên trên thực tế, nhưng tôi coi như “gặp lại”, bởi ngay từ mấy chục năm trước, tôi đã “biết” chị qua các bức ảnh của phóng viên chiến trường Trọng Thanh (Thông Tấn xã Việt Nam). Đó là cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bích Lạp, sinh năm 1944, quê ở làng Phú Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình; hiện đang trú tại Núi Thành (Quảng Nam).

Nguyễn Thị Bích Lạp cõng 100kg hàng chạy qua tọa độ lửa B.52 (hình tư liệu)
Nguyễn Thị Bích Lạp cõng 100kg hàng chạy qua tọa độ lửa B.52 (hình tư liệu)

Ký ức hào hùng

Bên bến cảnh Kỳ Hà của huyện Núi Thành, ngay cả dân địa phương cũng không mấy ai được biết người phụ nữ cao tuổi hiền lành chất phác ấy từng là tấm gương của bao thế hệ trẻ Việt Nam những năm khói lửa. Lần đầu trực tiếp gặp chị, tôi đã nhận ra ngay từ xa. Tuổi đã thất thập, nhưng nét mặt lẫn phong thái vẫn phảng phất hình bóng cô thanh niên xung phong trẻ trung luôn nở nụ cười tươi rói dưới mũ tai bèo, quần xắn quá gối đang gùi sau lưng hai thùng đạn cao quá đầu người; hai tay ôm chiếc túi xách mang trước ngực – những hình ảnh đã được anh Trọng Thanh bấm máy cách đây xấp xỉ 40 năm.

Tay mân mê tấm hình cũ đã ngả màu, nhưng ánh mắt lại dõi ra tít tắp xa xăm, chị Lạp bồi hồi nói: “Bức ảnh này anh Trọng Thanh chụp tôi vào năm 1970. Lúc đó tôi đang cõng hai thùng đạn nặng 80kg vượt qua một con dốc trên đường Trường Sơn - Quảng Bình. Hôm đó tôi gùi nhẹ vì không thể chất thêm được nữa, chứ có ngày tôi gùi hơn 100kg, không kể chiếc túi cứu thương phía trước”. Chị chỉ tấm hình khác, nói tiếp: “Còn tấm này là tôi đang vác 100kg hàng vượt qua tọa độ lửa, người chạy ngược lại phía tôi là anh Phan Bá Sự - đại đội trưởng...”.

Những tấm hình như đưa chị trở lại với một thời trẻ trung, hào hùng và thương đau của những ngày sống ở tọa độ lửa B.52 trên tuyến đường Trường Sơn. Chị kể: “Khi nghe tin người yêu (họ đã làm lễ đính hôn) hy sinh ở chiến trường, tôi như muốn gục ngã. Nhưng nhớ những lời anh dặn trước lúc ra đi rằng tôi phải đến thăm mẹ già của anh, nên tôi cố gượng dậy để thực hiện lời hứa với người yêu. Sau đó tôi tình nguyện vào chiến trường đánh giặc. Nợ nước thù nhà ta phải trả”. Khi tỉnh Quảng Bình thành lập Tổng đội thanh niên xung phong, chị được điều về C1 – D72 phục vụ cho Binh trạm 107 - Cục Hậu cần Quân khu Trị - Thiên, đơn vị đóng gần huyện Mường Nòn, tỉnh Savanakhẹt nước bạn Lào.

Chị Nguyễn Thị Bích Lạp hiện nay Chị Nguyễn Thị Bích Lạp hiện nay

Những nỗ lực giữa đời

Nhìn ảnh rồi nhìn chị, tôi hỏi với vóc dáng mảnh mai như thế làm sao chị cõng được hàng trăm kg hàng vượt đường rừng? Chị kể: “Công việc của chúng tôi là dọn và chuyển số hàng hóa còn lại ở kho sau khi bị bom Mỹ đánh phá. Mình là con nhà nông nghèo quen gánh gồng từ nhỏ, thấy kho hàng bị giặc phá tiếc đứt ruột, nên phải cố mà cõng cho nhanh đến chỗ an toàn. Trên giao chỉ tiêu mỗi nữ chỉ được gùi 25kg, mỗi ngày 7 chuyến, với cự ly 2km nhưng tôi gùi thường xuyên 70 – 80kg, mỗi ngày 21 chuyến. Có nhiều lúc thấy đồng đội đuối sức, đau ốm giữa đường, tôi gùi thay đến cả 100kg. Có khi chuyển hàng dài đến 30 – 40km, mỗi ngày đi, về chỉ được một chuyến...”.

Cũng chính tài gùi cõng mà chị nổi tiếng khắp đơn vị. Chị kể: “Nhớ có lần gùi cõng mồ hôi vã như tắm, khát nước quá, tôi liều tạt vào lán chỉ huy Binh trạm 107 để xin nước uống. Thấy tôi nhỏ nhắn, đồng chí Phó binh trạm hỏi: “Trông em nhỏ bé thế, mà sao cõng được hàng nặng như vậy?”. Tôi đứng nghiêm trả lời: “Chiến trường đang cần, nên em phải cố gắng, thủ trưởng ạ!”. Chị đâu có ngờ cũng từ ấy đồng chí thiếu tá Nguyễn Thiện Lệnh - Phó binh trạm muốn trao gửi tình cảm đẹp đẽ của anh dành cho chị. Sau này, chị trở thành bạn đời của người Phó binh trạm ấy.

Với những thành tích vượt trội của mình, chị Nguyễn Thị Bích Lạp được tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huy hiệu Dũng sĩ cấp 1; sau ngày hòa bình chị tiếp tục được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm 1971, đơn vị giải thể, chị trở về quê làng ở Quảng Bình. Ngày ấy bà con làng Thạch Bàn, xã Phú Thủy, Lệ Thủy - quê chị có câu ca về một cô gái thanh niên xung phong vừa về làng làm trung đội trưởng dân quân xã, kiêm đội trưởng sản xuất, kiêm y tá, kiêm ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã: “Muống lên xanh, quê ta đất đỏ, chuyện mấy đời nỏ có ngày xưa. Mấy đời phụ nữ cày, cưa. Đảm đang như chị Lạp, Mỹ thua có ngày…”.

Năm 1985, vợ chồng chị về thôn 2, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) sinh sống. Anh chị xin một khu đất trên đồi hoang trước Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, nay là bên bến cảng để cất nhà, tạo dựng cuộc sống nuôi con ăn học. Năm 1988, chồng chị lâm trọng bệnh và qua đời để lại mình chị với 4 đứa con. Khó khăn vất vả chồng chất cộng thêm cơn bệnh viêm sọ não và chấn thương cột sống khiến chị đau ốm liên miên. Cái căn bệnh viêm não quái ác lại hoành hành, nhiều đêm không ngủ được. Nhiều hôm chị đứng không nổi, có lúc ngã nhào tưởng chừng không có cột sống... Vậy mà những ngày tháng đó, để nuôi con ăn học chị gượng dậy, làm bất kể việc gì từ làm thuê, trồng rau, đến nấu rượu chăn nuôi và cho mãi đến hôm nay những người con của chị đã trưởng thành, lập gia, tạo lập cơ ngơi riêng... Tôi thầm nghĩ, các con chị nên người như ngày hôm nay, cũng là nhờ kỳ công của chị, người phụ nữ kiên cường cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bích Lạp gánh, cõng 100kg trên vai ngày trước nay lại biết cày bừa, biết cả cưa gỗ. Chị kể: Tháng 9/1971, sau hai tháng nghỉ phép, tổ chức đám cưới tại làng Thạch Bàn xong, chồng chị - Phó binh trạm - lại lên Trường Sơn. Mãi đến năm 1974, anh ra Hà Nội chữa bệnh, chị mới được gặp lại anh. Lúc này chị cũng được chuyển ra Bắc điều trị vì những cơn bệnh tai ác do áp lực của bom B52 gây ra. Đứa con đầu lòng của anh chị được chào đời sau lần gặp gỡ ấy...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.