Cô gái khuyết tật học giỏi, đam mê tình nguyện

GD&TĐ - Phạm Thị Hồng Mai vượt lên hoàn cảnh có đóng góp lớn với phòng trào thiện nguyện, lan tỏa tinh thần sống tích cực đến với sinh viên.

Phạm Thị Hồng Mai - cô gái “chim cánh cụt” với nghị lực phi thường.
Phạm Thị Hồng Mai - cô gái “chim cánh cụt” với nghị lực phi thường.

Từ khi được sinh ra, cô đã bị khuyết một phần cánh tay trái. Bằng nghị lực phi thường, Phạm Thị Hồng Mai - cán bộ chuyên trách Văn phòng Đoàn Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã vươn lên và có đóng góp lớn với phòng trào thiện nguyện, lan tỏa tinh thần sống tích cực đến với sinh viên.

Cô gái giàu nghị lực

Phạm Thị Hồng Mai vốn là sinh viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Nhờ những thành tích đạt được từ trong quá trình công tác nên Mai được nhận ở lại trường công tác từ tháng 4/2022. Dù khiếm khuyết một phần cánh tay trái nhưng Mai không tự nhận mình là người khuyết tật, cô luôn vui tươi, lăn xả với các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.

Mai chia sẻ, không may mắn như bao đứa trẻ khác, từ khi sinh ra cô đã bị khuyết một phần cánh tay trái. Việc mất đi một phần trên cơ thể khiến bản thân cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngay cả trong sinh hoạt đời thường cô cũng gặp vô vàn trắc trở, đôi khi không tự mình thực hiện được những điều nhỏ nhặt nhất mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình.

Điều mà Mai sợ nhất là phải đối diện với những ánh mắt soi xét, những lời thầm thì từ những người xung quanh. “Điều đó khiến bản thân tôi trở nên tự ti, thu mình hạn chế giao tiếp hơn. Khi đi học, tôi rất buồn vì bị các bạn trêu chọc, gọi là ‘cụt tay’, ‘chim cánh cụt’. Suốt 12 năm học phổ thông tôi sống khép kín, ít tham gia các hoạt động tập thể, chỉ biết tập trung vào việc học và tôi gặt hái được rất nhiều thành công”.

Mai đã từng ước mơ làm dược sĩ, nhưng không đỗ được vào ngôi trường mình mong ước, Mai rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. May mắn được gia đình, bạn bè động viên, cô nộp hồ sơ vào Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Tại đây, gặp được những người bạn cởi mở, hòa đồng. Mai không còn cảm giác tự ti mình là người khuyết tật.

“Tôi đã tự tin, nỗ lực nhiều hơn và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để có thể cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Bước vào cánh cửa đại học, đặc biệt là khi khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện tôi đã tự nhủ phải cố gắng để bản thân làm được nhiều việc giúp ích cho cộng đồng hơn nữa”.

Hàng năm mỗi khi mùa Hè đến, giữa cái nắng oi ả, Mai và các bạn tình nguyện tham gia hoạt động “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”... “Chỉ với 1 bên tay phải, mọi việc tham gia đều có phần khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng hết sức và được mọi người trong đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ.

Tôi đã được trải nghiệm, được giúp đỡ bà con và các em nhỏ trong dịp hè, được quen những người bạn mới. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Tôi chợt nhận ra tình nguyện chính là cho đi và nhận lại và điều đó giúp tôi học được nhiều điều và trưởng thành hơn qua từng ngày” - Mai chia sẻ.

Và cứ như vậy, Mai năng nổ với các hoạt động, không còn cảm giác mặc cảm, tự ti mình là “chim cánh cụt”. Mỗi mùa Đông, cô cùng các anh chị trong Thành đoàn tổ chức chương trình “Áo ấm cho em”, cùng kêu gọi quyên góp và đi đến tận những vùng có điều kiện khó khăn để có thể trao tận tay những bộ quần áo, sách vở cho trẻ em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, Mai thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác và cần nỗ lực hơn để hoàn thiện bản thân góp sức cho xã hội.

4 năm ngồi trên giảng đường đại học, Mai luôn cố gắng cân bằng giữa việc học và đam mê của bản thân để kết quả học tập không bị ảnh hưởng. Với những cống hiến và nghị lực vươn lên của bản thân, Mai được vinh dự kết nạp Đảng vào năm thứ 3 đại học. Và trong suốt bốn năm học, bằng những nỗ lực của bản thân cô đạt được nhiều thành tích: “Sinh viên tiêu biểu cấp trường”, danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp thành phố và đồng thời là thủ khoa đại học đầu ra của Khoa Quản trị - Tài chính.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Với tấm bằng đại học loại xuất sắc, Mai tự tin sẽ có nhiều cơ hội về việc làm khi ra trường. Nhưng vì khiếm khuyết trên cơ thể, cô đã gặp không ít trở ngại khi xin việc. “Tôi đã từng ứng tuyển vào vị trí ở nhiều công ty nhưng đều không được nhận do khiếm khuyết về ngoại hình”. May mắn mỉm cười với Mai, cô đã được nhận ở lại công tác trong Văn phòng Đoàn trường.

Được làm công việc mình yêu thích, trở lại ngôi trường đại học mình gắn bó bốn năm với vị trí mới, và lại một lần nữa bản thân lại được khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, được cùng các em sinh viên tham gia các hoạt động vì cộng đồng Mai rất hạnh phúc.

Trên cương vị này, Mai đã cùng đồng nghiệp thiết kế, tổ chức các hoạt động phong trào cho đoàn viên thanh niên nhà trường. Các chương trình: Tiếp sức mùa thi, Hiến máu nhân đạo… đã lan tỏa được tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên, xây dựng hình ảnh đẹp của sinh viên Hàng hải qua các mùa Hè xanh.

Mai nhớ lại, kỉ niệm đáng nhớ nhất của cô là vào năm 2019 khi cô tham gia cùng Nhóm tình nguyện Hải Đăng tổ chức chương trình Trung thu cho em tại Bình Liêu. Dù chỉ có một bàn tay nhưng Mai thoăn thoắt với các hoạt động của chương trình. Nhìn thấy Mai như vậy các em nhỏ rất ngạc nhiên.

Sau khi những chiếc đèn lồng xinh xắn do chính tay Mai làm tặng trao đến các em, nụ cười ngây thơ, trong sáng hàm ý cảm ơn và ngưỡng mộ của các em khiến trái tim cô thổn thức và ngập tràn yêu thương. Nụ cười ấm áp của trẻ thơ biến thành động lực giúp cô thêm yêu đời, yêu người và đam mê thiện nguyện.

Tháng 9/2022, Mai được nhận Bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt. Cô cũng đã lấy bằng thạc sĩ với số điểm bảo vệ luận văn cao nhất toàn khóa.

Nếu như những chú chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu như hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm sắc, thì nghị lực, việc không chịu thua số phận đã mang lại cho tôi những trải nghiệm đáng quý. Chính điều ấy giúp tôi có thêm sức mạnh tinh thần, quyết tâm vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, Mai chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Khôi Nguyên.

Đóng góp phương thức tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo quy định số lượng môn thi vào lớp 10 gồm Toán, Ngữ văn và môn thứ ba do Sở GD&ĐT bốc thăm ngẫu nhiên.