(GD&TĐ) - Với học trò của miền sông nước, miền Năm Căn, Cà Mau còn gọi môn bơi là “lội”, và “lội” dễ ợt, khó khăn gì lắm đâu. Nhưng với học trò thành phố, 40 năm trước là một môn khó. Không có điểm môn thể dục thể thao sẽ không có bằng đại học.
Ảnh minh họa/internet |
Cô giáo Tâm là cô giáo dạy bơi cho chúng tôi khi học tại Đại học Văn hóa. Cô hỏi khi đứng trên bờ: “Các em, chúng ta sống bằng gì? Ngoài cơm, mỳ ngô khoai ra chúng ta còn cần thở. Không thở chúng ta không thể sống. Khi bơi các em phải chú trọng đến thở, thở dưới nước khác thở trên cạn. Khi úp mặt xuống nước, ép bụng nín thở, khi ngẩng mặt lên ta thở ra. Tập thở trong bơi đã khó, tập thở trên cạn cũng khó. Nhiều thí sinh đoạt huy chương Vàng thế vận hội, chính là nhờ biết thở”. Giọng cô âm vực vang và trong, lắng sâu trong tâm thức tôi ngày ấy.
Sau bốn năm học đại học, tôi biết bơi võ vẽ. Mùa hè ra biển Trà Cổ bơi, bị sóng hất lên bờ. Lần bị sóng đánh ở biển Đồng Châu, khi qua đảo Cồn Vành, may mà biết bơi, chứ không rõ số phận tôi dạt ở Cồn Vành bao lâu. Rồi cái năm tốt nghiệp đại học, khi đi thực tập ở Năm Căn, rồi tôi đòi đi vùng sông Cái Tàu, bị lật thuyền. Đứa trẻ miền sông Cái Tàu cứ hét vẳng lên “cô hai lội té bên sông không thấy, thuyền úp nhào, cứu với”. Nhưng tôi đã bơi sang bờ bên kia.
Lần đó, tôi biết ơn cô giáo Tâm vô cùng. Cô đã gieo vào tâm hồn tôi, sự kiên trì bền bỉ khi học bơi phải chú trọng hơi thở. Bơi được xa cũng chính là nhờ hơi thở, đi bộ được xa cũng chính nhờ hơi thở. Sau này đi học làm báo, đi du thuyền trên biển Pattaya (Thái Lan), hoặc khi bay trên biển đảo Quan Lạn, tôi đã học thở để bay biển.
Tôi học nhảy dù, rồi về biển Bái Tử Long học nhảy dù trên trên biển tiếp. Môn bơi giúp tôi học thở, học cả bản lĩnh tự tin và can đảm đứng trước các sự việc mình chưa biết thì không nhút nhát, không run rẩy sợ hãi, mà đón nhận bình thản.
Khi bay trên biển, cảm giác như con chim xòe cánh ra, nhìn sóng trắng tung lên trên mặt nước biếc. Nhìn cá nhảy múa vào hôm cá cũng thăng hoa cùng người. Cảm giác đó thật thú vị, thật đặc biệt trong đời khi biết bay và khi biết bơi. Hơi thở ở trên cao và hơi thở dưới nước rất nhẹ, khác nhau, để ta hồi tưởng, so sánh. Cảm giác này cho ta thấy như khi ta chênh vênh thở ô xy ở miền núi cao Tây Tạng (Trung Quốc).
Thở cũng khác nhau, dù ta đang sống trên đường bằng hay đường gập ghềnh. Cô giáo Tâm đã dạy cho chúng tôi những lần đi dã ngoại 20km đường trung du, đến khi thót bụng bắn súng đạn thật ở Từ Sơn Bắc Ninh. Chúng tôi từng sợ hãi, từng khóc tràn mi khi bắn xong vứt khẩu K44 xuống đất. Cô giáo Tâm luôn bên cạnh chúng tôi, đồng hành cùng sợ hãi và cùng hò hát tung trời với sinh viên của Khoa Văn hóa những năm 1980. Sau chiến tranh, bao khốn khó, bài học về điền dã, về tiếp xúc với biển, với núi, cô Tâm dạy cho chúng tôi phải nhìn thẳng và chú tâm vào việc mình làm.
Thưa cô giáo Tâm, em đã đi được xa chính là nhờ bài học về hơi thở khi bơi. Cảm ơn cô dạy cho em biết yêu những cảm xúc lãng mạn trên đời mà bao người trên cõi này không nuối tiếc, bỏ qua. Nhưng học trò của cô đã không bỏ qua. Thưa cô.
Mã số: 2017