Phạm Mai Linh 25 tuổi là một cô giáo dạy yoga, Karl Dela Cruz là một thạc sĩ trẻ đang làm việc cho một công ty in ấn tại Philippines. Sau vài năm yêu xa, 5 tháng trước, Linh nghỉ việc ở TP HCM, chuyển sang Cebu, Philippines, thành phố nơi gia đình Karl đang sống, để được gần người yêu.
Về Việt Nam đón Tết Nguyên Đán vừa qua, đôi trẻ quyết định tổ chức đám cưới ngay tại đây vào đúng rằm tháng Giêng, khi trăng tròn và sáng nhất.
Karl và Linh (ngoài cùng bên trái) chụp cùng bạn bè. Đám cưới của họ được trang trí bằng lá chuối, hoa dại. Ảnh: Kim Anh. |
Từng tự chữa bệnh trầm cảm nhờ thiền, yoga và ăn chay, cô dâu Linh giờ đây theo đuổi lối sống tối giản, thuận tự nhiên. Cô mong muốn lễ cưới của mình bỏ hết các thủ tục truyền thống, như thiệp mời, quà mừng trả lễ - những thứ vốn gây mệt mỏi với cả chủ và khách.
Thay vào đó, cô và chồng muốn tổ chức cưới dựa trên tài chính hiện có, không cần tiền mừng, không bắt buộc khách phải có quà, để đám cưới thực sự là sự chúc phúc.
Hơn 100 khách trong trang phục trắng đến dự đám cưới của họ tại một công viên ở TP HCM. Ảnh: Kim Anh. |
Với ý tưởng đó, Linh và Karl không gửi thiệp mời, chỉ gọi điện cho một số người lớn tuổi và đăng lên facebook thông báo cho bạn bè. Ai cảm thấy đi dự được sẽ phản hồi lại để ban tổ chức chuẩn bị thực phẩm.
Bởi cô dâu chú rể tự quyết định cuộc đời mình nên lễ cưới cũng là lần đầu tiên bố mẹ hai bên gặp nhau. Nhà trai vượt đường xa từ Philippines tới, còn nhà gái đến từ Gia Lai.
Đám cưới tổ chức ngoài trời tại một công viên ở TP HCM, khách đi chân trần trên thảm cỏ để cảm nhận thiên nhiên rõ hơn. Phông sân khấu, hoa trang trí sử dụng lá chuối, hoa dại mà bạn bè cô dâu dậy từ 4h sáng đi hái. Ban nhạc, loa đài hỗ trợ và cả cỗ bàn đều "cây nhà lá vườn".
Tổng chi đám cưới chỉ hết khoảng 25 triệu, trong đó tốn nhất là thực phẩm làm cỗ chay. "Đám cưới là ngày vui của hai vợ chồng, đồng thời cũng là ngày hội của mọi người", chú rể Karl chia sẻ.
Vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới mình như một ngày hội thân mật, vui vẻ cho bạn bè, người thân. Ảnh: NVCC. |
Dâu rể không có màn cắt bánh, rót rượu hay cụng ly với khách, mà đi vòng quanh lửa, truyền hơi thở cho nhau và trồng cây.
"Khi bạn vui, bạn uống rượu, bạn ăn nhậu hoàn toàn không có gì sai, nhưng niềm vui đó sẽ rất ngắn. Nếu bạn trồng cây, niềm vui sẽ kéo dài và mang lại nhiều lợi ích cho bạn cũng như cộng đồng", thiền sư Ojas Oneness - chủ hôn của lễ cưới, nói. Ông cũng cho biết đây chính là các nghi thức thể hiện lối sống thuận tự nhiên.