'Cô dâu Điện Biên' thăm lại chiến trường xưa

GD&TĐ - Rời Nghĩa trang Liệt sĩ A1, bà Toản cùng gia đình đến thăm lại 'hôn trường' xưa của mình - hầm Đờ-Cát.

 Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm Đờ-Cát, nơi tổ chức lễ thành hôn của mình năm xưa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm Đờ-Cát, nơi tổ chức lễ thành hôn của mình năm xưa.

Đám cưới tưng bừng diễn ra ngay giữa chiến hào còn chưa hết mùi thuốc súng. Cô dâu là nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và chú rể là Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên phong Cao Văn Khánh… 70 năm sau, kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, cô dâu ngày ấy đã trở lại Điện Biên, thăm lại hôn trường cũ.

Bồi hồi ngày trở lại...

“Cô dâu Điện Biên” là danh gọi thân thương mà nhiều người dùng khi nhắc về Giáo sư, bác sĩ (GS.BS) Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y đã tổ chức đám cưới ngay tại mặt trận sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đám cưới nổi tiếng giữa cô dâu Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh, Đại đoàn quân Tiên phong được tổ chức tại hầm chỉ huy của tướng Đờ-Cát (Christrian de Castries).

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cô dâu ngày ấy đã trở lại thăm chiến trường xưa, hôn trường cũ để ôn lại những kỷ niệm, có đau thương, hào hùng và có cả những ngọt ngào, đáng nhớ...

Cô dâu Ngọc Toản nay đã là cụ bà 94 tuổi, tóc bạc trắng, phải dùng xe lăn để đi lại thuận tiện hơn trong hành trình dài từ TPHCM về với Điện Biên Phủ. Dưới cái nắng tháng 3 của vùng Tây Bắc, bà Toản vẫn cố gắng cùng con cháu thăm lại các địa danh năm xưa.

Ngay khi đặt chân xuống sân bay Điện Biên, nguyện vọng đầu tiên của bà là được đến thăm đồng đội đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Dừng trước lối vào khuôn viên bên trong Nghĩa trang Liệt sĩ A1, bà Toản quyết định vịn xe đứng lên để bước vào thắp hương cho các đồng đội dưới sự dìu đỡ của người xung quanh.

Thắp hương cho các liệt sĩ trong sự rưng rưng xúc động, xót xa, nhớ thương, bà Toản chia sẻ: “Về thăm lại chiến trường xưa, tôi rất xúc động khi nhớ lại bao nhiêu đồng chí đã hy sinh ở Điện Biên Phủ. Vô cùng thương nhớ!”.

Ông Cao Quý Bảo, con trai GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản cho biết: “Dù sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng mẹ tôi luôn ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên.

Vậy nên trong dịp đặc biệt chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Ý nghĩa hơn nữa là mẹ tôi đặt chân thăm lại chiến trường xưa đúng ngày sinh nhật 94 tuổi nên bà càng vui và xúc động”.

Bà Toản cùng người thân đến Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp hương cho đồng đội cũ.

Bà Toản cùng người thân đến Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp hương cho đồng đội cũ.

Thăm lại hôn trường cũ…

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ A1, bà Toản cùng gia đình đến thăm lại “hôn trường” xưa của mình - hầm Đờ-Cát. Tại đây, gần 70 năm trước, ngày 22/5/1954, giữa chiến hào chưa hết mùi thuốc súng đã diễn ra đám cưới giữa nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản với Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên phong Cao Văn Khánh (sau này ông là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Ngày ấy, bà Toản và ông Khánh đã quen, yêu thương nhau từ trước chiến dịch và cùng được điều động lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Khánh trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 308, bà Toản làm công tác cứu thương tại khu trọng thương ở Tuần Giáo. Hai người hẹn ước sau chiến dịch sẽ về chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới.

Tuy nhiên, sau khi thắng trận, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh bộn bề công việc phải giải quyết những vấn đề sau chiến tranh. Bà Toản cũng nhận nhiệm vụ cứu chữa thương binh nên dự định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành. Lúc này, nhiều đồng đội, cán bộ cấp trên gợi ý, tác thành, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức lễ cưới ngay tại hầm Đờ-Cát.

Bà Toản tham quan mô hình tái hiện công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bà Toản tham quan mô hình tái hiện công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bà Toản tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bà Toản tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bà Toản bồi hồi nhớ lại, gọi là lễ cưới, nhưng bà hầu như không chuẩn bị được gì. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu vuốt lại tà áo và mái tóc cho gọn gàng. Vậy là trên chiến trường vừa dứt tiếng bom đạn, vẫn vương mùi thuốc súng và tàn tích chiến tranh, một lễ cưới đầm ấm, giản dị đã diễn ra như một minh chứng cho sự khởi đầu mới - hòa bình, hạnh phúc.

Căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ-Cát được trang hoàng bằng các loại dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho 40 - 50 khách mời. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954”.

Phần tiệc là sâm panh và bánh kẹo - chiến lợi phẩm thu được khi Pháp thả dù xuống. Bên nhà gái là các cán bộ quân y, nhà trai là những cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ, chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Giản đơn nhưng đám cưới ngập tràn những nụ cười và lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận vẫn lâng lâng.

Sau đám cưới, cô dâu - chú rể đứng trên tháp pháo xe tăng chụp ảnh, nhìn về bản làng, rừng núi với niềm tin cuộc sống hồi sinh sau chiến tranh. Bức ảnh này không chỉ là kỷ niệm riêng của ông bà, mà đã trở thành “chứng nhân” lịch sử. Trở lại Điện Biên lần này, gia đình bà cũng mang theo bức ảnh, trao tặng Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên.

Theo bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, câu chuyện tình yêu và đám cưới tại hầm chỉ huy tướng Đờ-Cát của nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh được cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên của Ban tìm hiểu, biết đến từ lâu, thường ngày vẫn giới thiệu cho du khách.

“Chúng tôi chưa bao giờ được gặp bà trước đó. Dịp này, được gặp bà trong chuyến trở lại chiến trường xưa, ngay tại di tích lịch sử ấy, chúng tôi rất xúc động và được truyền cảm hứng, có thêm tư liệu, câu chuyện thực tế để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế” - bà Phạm Thị Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...