Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có công văn chấn chỉnh việc này.
Làm giá từ các dự án hạ tầng được quy hoạch
Thời gian qua, lợi dụng các thông tin liên quan đến quy hoạch, giá đất nhiều khu vực tại các tỉnh như Bình Phước, TPHCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng… bị giới đầu tư tung tin, khiến giá đất tăng phi mã.
Sau thông tin lãnh đạo tỉnh Bình Phước đến khu vực sân bay Técníc (huyện Hớn Quản, Bình Phước) để khảo sát vị trí lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng, đất khu vực quanh đây nhanh chóng thiết lập giá mới qua từng ngày.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá đất khu vực quanh sân bay đã tăng 4 - 5 lần. Dân đầu tư ở Bình Phước và từ các tỉnh, thành như TPHCM, Đắk Nông, Bình Dương ào ạt đổ về tạo nên những cuộc chào giá, mua bán ồn ào.
Việc TPHCM thông tin sẽ chuyển 5 huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ) lên quận ở 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030 đã khiến giá đất được đẩy lên. Dù mới chỉ là thông tin và kế hoạch dự kiến, nhưng suốt 1 tháng qua giá đất tại các tuyến đường trung tâm của các huyện trên đã tăng từng ngày.
Ông Nguyễn Phái Long - “cò đất” khu công nghiệp Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân) cho biết đất nền quanh khu công nghiệp trước chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 thì nay lên 35 triệu đồng/m2.
Riêng đất nền tại xã Phạm Văn Hai (dọc theo Tỉnh lộ 10) đã có giá từ 40 - 45 triệu đồng/m2; đất mặt tiền ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có giá gần 90 triệu đồng/m2. Tại huyện Nhà Bè, việc UBND TPHCM phê duyệt nâng cấp mở rộng và xây mới một loạt tuyến đường giao thông đã khiến giá đất ở đây tăng không ngừng, nhất là khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi động, giá đất nền đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với bối cảnh kinh tế đang còn quá nhiều khó khăn sau đợt dịch Covid-19 vừa qua thì sự tăng trưởng của hệ số giá đất, bất động sản xảy ra tại Bình Phước, TPHCM, Lâm Đồng… là rất khó tin.
Để khắc phục, ngày 30/3, Bộ TN&MT đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Công văn đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Theo đó cần bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh.
Chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản. Kểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.
Việc công bố thông tin về quy hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận thông tin chính thống. Việc này cũng giúp tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá. Các địa phương có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt…
Ôm hận vì thiếu hiểu biết
Trước những dấu hiệu “bong bóng” giá đất, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị các quận, huyện, sở, ban, ngành phải thông tin một cách thận trọng về đề án 5 huyện lên quận.
“TP Thủ Đức chỉ mới thành lập không lâu nhưng giá đất giờ đã ở rất cao và xa tầm với của nhiều bộ phận người dân. Có những mảnh đất trước kia chỉ 40 - 50 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên hơn 100 triệu đồng/m2.
Vì vậy, Sở Nội vụ TPHCM khi lập đề án phải căn cứ tiêu chí, quy hoạch của các quận nhằm hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng thông tin này đẩy giá đất lên gây khó khăn cho thị trường bất động sản” - ông Phong lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là khu vực tăng có dự án lớn, hạ tầng giao thông sắp được đồng bộ và nâng cấp. Kế đến là do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15 - 20%.
“Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá đất nhiều khu vực, nhất là đất nông nghiệp, đất vườn, đất trồng cây lâu năm bị “thổi” lên không tưởng là do việc tung tin, làm giá của người buôn bất động sản. Khi đạt được cái giá mong muốn những nhà đầu tư gom đất sẽ bung hàng và tháo chạy, để lại những nhà đầu tư tay ngang, nhỏ lẻ với “quả bong bóng” giá đất xì hơi”, ông Đính nói.
Đúng như ông Đính phân tích, sau thời gian ngắn giá đất tăng chóng mặt gây náo loạn vùng quê Bình Phước, “bong bóng” bất động sản ăn theo sân bay Técníc gần như đã xì hơi ngay lập tức khi chính quyền vào cuộc. Không ít trường hợp đã phải ôm nợ vì lướt sóng bất thành tại đây.
“Thời điểm nóng, mỗi mảnh đất ở các xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) được nhà đầu tư rao bán với giá 350 triệu đồng cho 1 mét ngang mà hàng trăm người vẫn tranh nhau mua dù trước đó giá chỉ gần 100 triệu đồng. Hiện tại, giá giảm mạnh còn khoảng 200 triệu đồng cho 1 mét ngang nhưng vẫn không ai mua” - ông Nguyễn Hải Sơn - một cò đất tại địa phương cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, những “cơn sốt” đất chóng vánh diễn ra xuất phát từ những hoạt động mua bán qua tay của giới đầu cơ. “Trong thời đại hiện nay, việc cung cấp thông tin kịp thời là cần thiết.
Không thể chậm cung cấp thông tin để những kẻ xấu lợi dụng. Nếu đề án chuyển đổi một số huyện thành quận được phê duyệt, thì lộ trình chuyển đổi, kế hoạch thực hiện như thế nào cần công bố cho người dân được biết, để cho người dân không bị sập bẫy thông tin của giới cò đất, đầu nậu” - ông Châu nói.