Đất Quảng Yên chưa bao giờ “sốt” đến thế
So với các thị, thành xung quanh, Quảng Yên nhiều năm về trước là địa phương còn nhiều khó khăn. Người dân tại thị xã này chủ yếu làm nông nghiệp, ngư nghiệp. Khoảng 2 năm trở lại đây khi cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long vắt qua Quảng Yên nối sang Hải Phòng, đi Hà Nội đi vào sử dụng. Cùng với đó là khu công nghiệp Đông Mai mở rộng, khu công nghiệp Amata hình thành... Do vậy, thông thương thuận tiện, nhiều tiện ích mọc lên khiến giá đất tại thị xã nghèo tăng lên chóng mặt.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Cầu (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên) có thửa đất 200 mét nằm trên trục đường nối ra bến Rừng. Đầu năm 2019 do cần tiền, anh cắt một lô 100 mét, bán với giá 800 triệu đồng. Người mua đất của gia đình anh cũng chỉ đầu tư, không có nhu cầu ở nên vẫn cho gia đình anh sử dụng mảnh đất đó chứa đồ. Khoảng 2 tháng sau, chủ lô đất đó bán với giá 1,2 tỷ. Đến nay, lô đất đó đã qua đến 4 chủ đầu tư và đang được chào bán với giá 1,8 tỷ đồng. Anh Cầu thốt lên “đất Quảng Yên chưa bao giờ sốt đến thế!”.
Không riêng gì khu vực phường Yên Giang. Tại các phường như Hoàng Tân, Tân An hay xã Sông Khoai của thị xã Quảng Yên giá đất ở nhiều nơi tăng lên gấp 2, 3 lần. Chỉ cần tra thông tin giao dịch bất động sản trên google, lướt Facbook, Zalo những trang thông tin rao bán đất đai tại các khu vực nói trên hiện lên rất nhiều. Các sàn giao dịch bất động sản, công ty mô giới nhà đất dành những lời “có cánh” quảng cáo hấp dẫn với đa dạng thông tin, thu hút nhà đầu tư.
Dự án khu dân cư Thống Nhất 2 và 3, phường Tân An được quy hoạch rộng hơn 10 ha. Từ năm 2019 đến nay, Quảng Yên đã tổ chức đấu giá 3 lần. Tháng 1/2020, TX Quảng Yên đã tổ chức đấu giá với mức dao động từ 10-12 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đất mua bán qua tay nhiều nhà đầu tư, thậm chí chính “cò đất” đã đẩy lên mức từ 18 - 20 triệu đồng/m2. Nhiều lô quy hoạch biệt thự, vị trí đẹp được chào bán 20 - 25 triệu đồng/m2.
Để thuận lợi cho người mua, các sàn giao dịch nhà đất dựng ô, bạt ngay tại dự án với bàn ghế, bản đồ quy hoạch, cùng đội ngũ dịch vụ vấn nhiệt tình.
Phạm Văn Anh, một nhân viên tư vấn nhà đất chia sẻ, đất khu vực Thống Nhất đẹp, lành và giá cả phải chăng. Trong tương lai không xa, khu vực này còn tăng giá bởi các tiện ích, giao thông thuận tiện. Vì gần đường lớn, đặc biệt gần cao tốc nên đi Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái rất tiện hay đi Hải Phòng, Hà Nội cũng nhanh. Khách mua đầu tư đông, nhiều người khi thăm đất đặt cọc ngay, xong lại gửi sàn để giao dịch, lướt sóng kiếm lời.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đây là lần thứ 2 thị trường bất động sản trên địa bàn Quảng Yên “sóng” đất lên đỉnh. Trước đó, thời điểm giữa năm 2019, tình trạng “sốt ảo” cũng diễn ra tại địa bàn xã Hoàng Tân, Tân An, Hà An, Sông Khoai… Cụ thể, tháng 6/2019, thị xã Quảng Yên tổ chức đấu giá 66 lô đất tại Khu quy hoạch dân cư tập trung Yên Giang (phường Yên Giang). Đợt đấu giá đầu tiên đạt kỷ lục với 500 hồ sơ đăng ký tham gia đấu 35 lô.
Theo phản ánh, mỗi lô đất giá khởi điểm chỉ 4 - 5 triệu đồng, nhưng giá trúng đều được đẩy cao gấp 3 - 4 lần. Tuy nhiên, trong số đông người đi đấu giá, hiếm người có nhu cầu thực mà chủ yếu là dân đầu tư. Chỉ ngay sau khi đấu giá xong, các lô đất sẽ treo biển bán, đẩy lên sàn giao dịch. Có lô đất qua tay đến 3, 4 người, dân đầu tư bán đi, bán lại cho nhau.
Giá đất trên trời, khiến những người có nhu cầu thực sự khó có cơ hội tìm mua được mảnh ưng ý, hợp lý. Việc lợi dụng thông tin đẩy giá đất lên cao không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân trong khu vực mà còn gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm của địa phương sẽ gặp bất lợi.
“Sóng ảo” chết thật
Dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn, các hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hạ Long bị tê liệt trong thời gian dài. Tưởng chừng như hoạt động giao dịch bất động sản tại thành phố biển này cũng ngừng trệ. Nhưng theo giới thiệu của các nhân viên bất động sản, “sóng” bắt đầu nổi tại nhiều dự án.
Dự án khu đô thị Hà khánh B, C thời điểm trước Tết Nguyên đán, tùy từng vị trí được rao bán với giá 13-16 triệu/m2. Nhưng thời điểm này, giá vụt lên đến 25 - 32 triệu/m2. Riêng đối với dự án Hà Khánh B mở rộng, khu vực giáp mặt biển có khách tả đến 50 triệu/m2 không có đất để mua, Khang - một nhân viên nhà đất giới thiệu.
Thực tế, tại các dự án này, nhiều bàn giao dịch bất động sản được lập ngay tại vỉa hè để dễ dàng chào đón và giới thiệu khách. Tất cả các lô đất đều qua tay nhà đầu tư, nếu khách ưng có thể đặt cọc, nhân viên công ty sẽ kết nối với chủ đầu tư và thực hiện hợp đồng góp vốn, mua bán với công ty.
Anh Hoàng Minh Đức, người dân phường Hà Khánh chia sẻ, khu đô thị Hà Khánh A, B, C được làm nhiều năm nay nhưng có chỗ còn dang dở.
Thực tế, khu A, B dân đã đến ở nhưng còn nhiều chỗ lau sậy mọc cao hơn đầu người, hạ tầng chưa đồng bộ nhưng gần đây lượng người giao dịch mua bán đất quá lớn. Nhiều người từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng xuống đầu tư.
Trên thực tế, có rất nhiều bài học cho các nhà đầu tư vì mải mê chạy theo cơn sốt đất ảo mà đem cả gia tài đi thế chấp ngân hàng, để rồi “chết” vì say sóng.