Câu chuyện năm xưa
Đó là tình huống thầy giáo Tiến Thành gặp phải khi mới vào nghề, cách đây hơn chục năm. Nhớ lại cách xử lý tình huống của mình lúc đó, thầy Thành chia sẻ:
Đó là lớp tôi được phân công làm chủ nhiệm, kiêm giáo viên dạy môn Toán. Và đó mới là tiết học thứ 2 đầy phấn chấn của một thầy giáo trẻ.
Tôi đã cố gắng hết sức để lấy bình tĩnh và nghiêm giọng yêu cầu em học sinh đó dập ngay điều thuốc, trở về đúng vị trí, đồng thời cuối tiết học em ở lại làm việc với thầy.
Tuy nhiên, trước sự chứng kiến của cả lớp, học sinh đó không nói một lời nào mà kéo một hơi thuốc thật dài, nhả khói kiểu “nghệ thuật”, sau đó ném thuốc xuống đất, lấy chân dập tắt, ngồi lên bàn, xoay người 180 độ và ngồi vào đúng vị trí đã được sắp xếp.
Nói thật, cảnh tượng đó khiến tôi thực sự sôi máu. Không những em học sinh này đã vi phạm nội qui của nhà trường mà còn coi thường thầy giáo nữa.
Bước nhanh xuống chỗ học sinh đó, tôi kéo em ra khỏi bàn và bạt tai em, sau đó đuổi em ra khỏi lớp và ngay hôm sau mời gia đình lên làm việc.
Bây giờ nghĩ lại thấy cách xử sự của mình khi đó quá lỗ mãng và bồng bột. Cũng may là mình được gia đình học sinh thông cảm và em học sinh đó đã thành khẩn nhận lỗi vì hành động theo lời thách đố của bạn bè nên sự việc cũng không bị đẩy đi quá xa.
Đồng nghiệp góp ý
Xử lý theo đúng nội qui trường, lớp cũng giống như vận dụng luật pháp vào cuộc sống vậy. Học sinh cần được dạy bài học thiết thực về việc “sống và làm việc theo pháp luật”.
Đa số thầy cô chia sẻ và đồng cảm với thầy Tiến Thành về mặt tâm lý nhưng không ủng hộ phần ứng xử tình huống của thầy.
Thầy Phạm Cường (Thanh Hóa) góp ý: Bây giờ mà xử sự kiểu đấy thì xin thầy ra khỏi lớp trước trò! Hiện nay đang thực hiện cuộc vận động chống tiêu cực với bốn nội dung và một trong 4 nội dung quan trọng đó là đạo đức nghề nghiệp.
Tát học trò, cho dù là đánh dọa đi chăng nữa thì cũng là vi phạm đạo đức nghề rồi. Theo tôi thì không nên dùng vũ lực mà nên dùng ánh mắt và lời nói.
Mình sẽ hỏi em đó có thuộc nội quy của trường lớp không, nếu chưa thuộc thì mời em lên văn phòng ngồi học cho thuộc. Còn nếu thuộc rồi mà vẫn cố tình vi phạm thì viết bản kiểm điểm mời bố mẹ ký vào nộp cho thầy xử lí sau.
Tình huống này, thầy cô nên chiếu đúng “barem” nội quy mà tiến hành các bước xử lý. Một mặt để răn đe những em khác, mặc khác để em học sinh đó thấy lớp học không phải là chốn riêng tư, không phải muốn làm gì cũng được.
Thầy Quang Toản (Phú Thọ) cho rằng: Bất bình nhưng vai trò của người thầy trong lớp học là làm cho tình hình luôn bình ổn. Vì vậy, đã xác định làm nghề giáo, bài học đầu tiên là luôn giữ bình tĩnh và tư thế của “kẻ bề trên”.
Nói gì thì nói, giáo viên không nên đánh, chửi học sinh. Vì như thế gây ra rất nhiều phiền toái và phản giáo dục. Thầy có thể mời em đó lên phòng Đức dục, yêu cầu thực hiện các bước xử phạt theo quy định của nhà trường và thông báo về cho phu huynh.
Trước tình huống của thầy Tiến Thành, thầy Tuấn Anh - Trường THCS Lê Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Ở trường tôi có đề ra 4 bước xử phạt học sinh trong giờ học trên lớp.
Tuy nhiên việc xử phạt học sinh ở mỗi trường có thể khác nhau do tình hình nề nếp, kỷ luật, cho nên đây chỉ là những nội dung có tính tham khảo:
“Quy định về việc xử phạt học sinh vi phạm trong giờ học:
Nhằm củng cố nề nếp, kỷ luật học sinh trong giờ học để nâng cao chất lượng dạy và học,Ban giám hiệu đề nghị giáo viên thực hiện giải quyết học sinh vi phạm kỷ luật trong giờ học theo các bước như sau :
Bước 1 :
Giáo viên gọi học sinh vi phạm đứng dậy và nhắc nhở, cảnh cáo trước lớp; nếu tái phạm sẽ phải làm cam kết với giáo viên. Ghi vào sổ đầu bài và báo cho giáo viên chủ nhiệm để kết hợp giáo dục học sinh.
Bước 2 :
Học sinh tiếp tục tái phạm trong giờ học giáo viên yêu cầu làm cam kết (Ghi rõ nếu tái phạm sẽ bị đưa xuống phòng giám thị) đồng thời ghi vào sổ đầu bài. Giáo viên đứng lớp đưa bản cam kết cho giám thị giữ để giám thị báo cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên chủ nhiệm thông báo về cho gia đình học sinh biết để kết hợp giáo dục học sinh.
Bước 3 :
Học sinh tiếp tục vi phạm lần 3, giáo viên yêu cầu lớp trưởng hoặc lớp phó kỷ luật đưa xuống phòng giám thị. Giáo viên đứng lớp ghi vào sổ đầu bài đờng thời báo cho giáo viên chủ nhiệm lớp biết để kế hợp giáo dục học sinh.
Bước 4 :
Phòng giám thị sẽ giữ học sinh trong tiết học đó và cho học sinh làm cam kết,đồng thời báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để kết hợp giáo dục, nếu tái phạm sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.
Lưu ý : Đối với học sinh không thực hiện theo yêu càu của giáo viên. Đề nghị giáo viên cho lớp trưởng mời giám thị lên giải quyết; (Không cho cho học sinh ra đứng ngoài lớp)
Đối với những học sinh vi phạm các điều cấm của Bộ Giáo dục như: đánh nhau, quay cop trong kỳ thi, vô lễ với thầy cô, uống rượu bia thì làm đầy đủ hồ sơ đưa ra hội đồng kỷ luật mà không cần qua 4 bước trên.”
Trong tình hình hiện nay, khi xử lý học sinh vi phạm nội qui nhà trường, thầy cô giáo chúng ta không nên nóng vội như đánh mắng, đuổi học sinh ra khỏi lớp, mà phải kiên trì giáo dục học sinh, lưu giữ các bản tự kiểm các bản cam kết và các bản tường trình của các học sinh có liên quan.
Thầy, cô hãy nhớ, đừng bao giờ đánh hay đuổi học sinh ra khỏi lớp! không khéo giáo viên lại là người có lỗi thay vì học sinh đấy.
Chia sẻ ý kiến về tình huống trên, cô Ngọc Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Nói chung chuyện buồn trong nghề giáo do "hoàn cảnh xô đẩy" xảy ra rất nhiều và mỗi nơi mỗi khác.
Theo tôi, khi gặp tình huống như trên, trước hết giáo viên hãy hết sức bình tĩnh, tỏ ra cứng rắn, làm chủ tình huống, xuống gần học sinh ghé tai nói nhỏ: "cô bị đau tim không ngửi được hơi thuốc lá, em thông cảm dập đi".
Tôi nghĩ, dù học sinh đó có ngỗ nghịch thế nào cũng có chút tình người, sẽ làm theo yêu cầu của mình. Sau đó cố gắng lấy lại bình tĩnh và giảng dạy vì còn cả mấy chục học sinh đang đợi mình. Hết giờ học, bạn mời học sinh đó gặp riêng, trao đổi, theo dõi cách ứng xử và chọn cách xử lí tiếp theo cho phù hợp.
Tuyệt đối tránh nổi nóng quá đà và dùng vũ lực vì làm như vậy, nhất thời mình đã “thua” học sinh một bước. Vì trong môi trường giáo dục, người thầy đã được mặc định là tấm gương về đạo đức và văn hóa ứng xử cho hoc sinh noi theo.