Bí quyết hóa giải học sinh khoái “cái lý có chân“

GD&TĐ - Những tình huống gỡ rối cho giáo viên trước đám học sinh thích "lý sự" mọi lúc mọi nơi.

Bí quyết hóa giải học sinh khoái “cái lý có chân“

Chuyện xảy ra trong tiết học Vật lý của thầy giáo N. Trong khi thầy N. đang say sưa giảng bài và cả lớp đang chú ý lắng nghe thì riêng Tú - một học sinh cá biệt, hễ cứ thầy quay mặt lên bảng là lại trêu chọc các bạn hoặc làm trò nghịch ngầm.

Bất chợt thầy N. quay xuống, nghiệm giọng:

- Tú, em đứng lên và nhắc lại xem thầy vừa nói gì?

Tú đứng dậy và nhanh nhảu đáp:

- Thưa thầy… thầy vừa nói :”Tú, em đứng lên và nhắc lại xem thầy vừa nói gì” ạ.

Cả lớp cười ồ lên, còn thầy giáo thì đỏ mặt tía tai.

Nếu bỗng dưng rơi vào “tình cảnh” của thầy giáo N., bạn sẽ làm gì?. Bạn có chọn một trong 3 cách xử lý tình huống sau đây không?

1. Làm ngơ và quay lên bục giảng tiếp tục công việc, không để ý đến em học sinh đó nữa.

2. Tức giận đuổi học sinh đó ra khỏi lớp vì đã có thái độ không nghiêm túc với thầy cô giáo.

3. Bình tĩnh nhìn thẳng vào em học sinh và yêu cầu em nhắc lại vấn đề bạn đang giảng. Nếu em đó tỏ ra lúng túng và không trả lời được thì sẽ nhắc nhở thật nghiêm khắc.

Trong giờ lên lớp, sự bướng bỉnh, “láu cá” của học sinh đôi khi đẩy giáo viên vào những tình huống “dở khóc dở cười”. Vì vậy, thầy cô không những phải giỏi về kiến thức mà còn cần có “tinh thần thép”, nhạy bén cao để xử lý thành công các tình huống bất ngờ xảy đến trong giờ học.

Chuyện học sinh ngồi trong lớp không chú ý nghe giảng, lại trêu chọc bạn hay nghịch ngầm là chuyện “xưa như trái đất”, gần như “lớp nào chả có”. Nhất là đối với mấy bạn đã được ghi danh trong hàng cá biệt thì khỏi nói. 

Thực ra đôi khi “đối mặt” với các học sinh đó sẽ là “dại mặt” nên nhiều thầy cô chọn cách “làm ngơ” cho qua chuyện để tránh mất thời gian, còn tình huống vừa xảy đến sẽ chọn khung cảnh khá để “tâm sự dài hơi”.

Tuy nhiện với một giáo viên nghiêm khắc hoặc nhất là lại mới vào nghề sẽ cảm thấy không thể chấp nhận được chuyện đó, không thể bỏ qua. Đó là sự thiếu tôn trọng giáo viên. Suy nghĩ của thầy cô là cần duy trì kỷ cương lớp học và đảm bảo quyền lợi của học sinh khác trong lớp.

Vấn đề nằm ở câu hỏi của giáo viên: “Em hãy nhắc lại lời tôi vừa nói”. Khi đưa ra đề nghị này, giáo viên nghĩ chắc chắn em đó không nhắc lại được vì đang thiếu tập trung, có hỏi em đó cũng không nói được.

Bạn chờ đợi một sự ấp úng từ học sinh và chuẩn bị để “ca” vài câu cảnh cáo. Nhưng không ngờ “sơ hở” trong câu nói của bạn đã bị học sinh đó “tận dụng” tạo ra một đòn “phản bác”.

Quả thật phải thừa nhận là câu trả lời của cậu học sinh đó không sai, nhưng đó không phải là điều bạn cần hỏi. Và bạn sẽ tức giận đuổi học sinh ra khỏi lớp vì thái độ vô lễ?

Tuy vậy, bạn nên nhớ rằng đây là một học sinh bướng bỉnh và giỏi lý sự nên sẽ không dễ dàng “đầu hàng”, chắc chắn sẽ tiếp tục “đấu tay đôi” với bạn chứ nhất định không chịu thi hành. Lúc đó bạn sẽ phải xử lý ra sao? Sự nóng vội sẽ đẩy bạn lấn sâu vào tình thế khó xử.

Bình tĩnh một chút bạn sẽ nhận ngay ra rằng đó chỉ là sự chống chế và láu cá của học sinh. Và phải công nhận là lập luận của cậu học sinh này cũng không phải không có lý.

Nhưng “cái lý có chân” của cậu ta bạn lại bám vào chính sơ hở trong câu nói của bạn. Chính vì vậy tốt nhất trong lúc này bạn không nên để câu chuyện chấm dứt ở đó mà tiếp tục phải “làm ra nhẽ”.

Bạn phải tự trấn an mình trước tiếng cười của học sinh và “vẻ đắc thắng” của cậu học sinh đó. Sau đó bạn tìm cách khắc phục sơ hở của mình bằng cách đặt lại một câu hỏi khác, rõ ràng và chính xác hơn: “Em nhắc lại thầy vừa giảng về phần gì?”. Chắc chắn em học sinh đó sẽ không còn cách nào để chống chế, và tùy tình hình cụ thể mà bạn quyết định cách xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, dù sử dụng bất kỳ biện pháp nào trong tình huống này thì người giáo viên cũng phải tỏ ra hết sức nghiêm khắc để chấn chỉnh ngay hiện tượng học sinh thiếu lễ độ với giáo viên lại hay chống chế và “lý sự cùn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ