Cô bé 10 tuổi biết chơi 4 loại nhạc cụ dân tộc

GD&TĐ - Cô bé người Bana, Y Thiên An (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, TP Kon Tum) chỉ mới 10 tuổi nhưng đã thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc.

Y Thiên An biểu diễn, giao lưu đàn đá trong chương trình văn hóa – văn nghệ tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Ảnh: Gia đình cung cấp
Y Thiên An biểu diễn, giao lưu đàn đá trong chương trình văn hóa – văn nghệ tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Ảnh: Gia đình cung cấp

Cô bé người Bana, Y Thiên An (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, TP Kon Tum) chỉ mới 10 tuổi nhưng đã thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc, gồm: Cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn đá, đàn tre, qua đó giúp mẹ mình hoàn thành ước mơ ngày còn trẻ…

Ước mơ của mẹ

Khi còn là một thiếu nữ, Y Jưng (sinh năm 1990, thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã yêu thích nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, do gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhà lại nghèo nên Y Jưng chỉ mơ ước có thể mua được cây đàn T’rưng hay đàn đá. Ước mơ ấy cứ mãi ấp ủ trong cô đến khi lập gia đình và có 2 người con. Khi người con đầu là bé Y Thiên An tròn 6 tuổi, chị mới bàn với chồng mua loại nhạc cụ đầu tiên để trong nhà là đàn T’rưng.

“Đàn T’rưng được gia đình mua với giá 7 triệu đồng, đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng lúc bấy giờ. Thời điểm mua đàn, bé Thiên An chưa biết gì về các loại nhạc cụ. Mình chỉ nghĩ là thực hiện ước mơ lúc bé của bản thân và truyền cảm hứng cho con gái yêu thích các loại nhạc cụ truyền thống”, chị Y Jưng tâm sự.

Những ngày đầu mua đàn về, Y Thiên An nghịch ngợm, dùng cây gõ vào những ống nứa mỗi ngày. Không được sử dụng đúng cách, lâu dần những ống nứa bị nứt rồi bể nên phải thay liên tục. Thấy con thích đàn, mỗi lần tập nhạc cụ dân tộc ở nhà thờ chị Y Jưng đều dắt cô con gái nhỏ theo.

Sau một thời gian tập luyện cùng các sơ, nhận thấy con có năng khiếu nên chị Y Jưng nhờ một người bạn am hiểu nhạc cụ dân tộc hướng dẫn thêm cho Y Thiên An. Vài tháng sau đó, Y Thiên An có thể đánh được nhiều bài lễ (bài hát của nhà thờ) bằng nhạc cụ, như: Đàn T’rưng, đàn đá…

“Những ngày đầu, em dùng cây gõ vào đàn T’rưng thì nghe thấy tiếng trong trẻo, nghe vui tai nên thích thú. Thời gian sau em nghe nhạc trên mạng rồi tập đánh theo. Thời gian sau em quen dần với giai điệu nên chỉ cần nghe nhạc vài lần là có thể đánh theo”, Y Thiên An chia sẻ.

Nhận thấy niềm đam mê của con gái, đầu năm 2023 vợ chồng chị Y Jưng quyết định mua trả góp đàn đá với giá 15 triệu đồng trong vòng 5 tháng. Vừa trả góp xong đàn đá, chị Y Jưng đã đặt thợ làm đàn tre với giá 6 triệu đồng để con gái có điều kiện tốt nhất thực hiện đam mê.

“Y Thiên An giờ đây có thể chơi được 4 loại nhạc cụ dân tộc, gồm: Đàn T’rưng, đàn đá, đàn tre và cồng chiêng. Giá các loại nhạc cụ khá là cao, đặc biệt là cồng chiêng, nhưng mình sẽ cố gắng mua dần để con được thể hiện đam mê. Đây cũng là mong ước của bản thân khi còn nhỏ mà chưa thực hiện được và giờ đây con đã giúp mình hoàn thành ước mơ ấy. Mình rất vui, hạnh phúc và tự hào về cô con gái nhỏ”, chị Y Jưng nói.

Mới 10 tuổi nhưng Y Thiên An đã thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc.

Mới 10 tuổi nhưng Y Thiên An đã thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc.

“Cô giáo” nhí

Để Y Thiên An có thể học hỏi, mạnh dạn và tự tin hơn chị Y Jưng cũng tạo điều kiện cho con gái đi biểu diễn ở một số nơi vào những ngày không đến lớp. Trong những chuyến “lưu diễn” ấy, nhiều du khách thấy tài năng trình diễn nhạc cụ dân tộc của cô bé nên đã quay lại clip và đăng tải lên một số trang mạng xã hội.

Đầu tháng 4/2023, Y Thiên An được chương trình “Siêu tài năng nhí” biết đến và mời tham gia cuộc thi. Y Thiên An đã được Ban tổ chức thử thách đánh đàn T’rưng và xuất sắc đạt được một suất học bổng tiếng Anh khi vượt qua 3 bài hát: Xinh tươi Việt Nam, Ước mơ của mẹ và Nghe lời mẹ ru.

Y Thiên An bất đắc dĩ trở thành giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc cho lũ trẻ trong làng.

Y Thiên An bất đắc dĩ trở thành giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc cho lũ trẻ trong làng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, vào các ngày thứ 2 - 4 - 6, căn nhà sàn nhỏ của gia đình chị Y Jưng đông đúc, nhộn nhịp hơn với hàng chục đứa trẻ. Khi nghe tiếng đàn T’rưng, đàn đá của Y Thiên An khiến lũ trẻ thích thú và muốn theo học.

Cô bé 10 tuổi bất đắc dĩ trở thành giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc của hơn 10 bạn nhỏ cùng làng. Chưa được học ở trường lớp nên Y Thiên An hướng dẫn các bạn đánh đàn theo bản năng và năng khiếu của mình. Những đứa trẻ lần đầu tiếp cận với nhạc cụ dân tộc luống cuống, vụng về. Lâu dần lũ trẻ thích thú, đam mê và hầu như chưa nghỉ buổi học nào.

“Em chỉ biết chút ít về nhạc cụ nên các bạn trong làng muốn tìm hiểu em sẵn sàng chia sẻ. Em sẽ cố gắng học hỏi thêm để có thể gìn giữ và phát triển nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Cùng với đó sẽ học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bà ngoại và những người khó khăn”, Y Thiên An tâm sự.

Cô Phạm Thị Xuyến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ - nhận xét, Y Thiên An rất ngoan ngoãn và chăm chỉ trong học tập. Nhiều năm liền, em luôn là học sinh xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện.

Không những thế, từ năm học lớp 2, Y Thiên An đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ của trường lớp. Gia đình cũng tích cực hỗ trợ các loại nhạc cụ dân tộc để Y Thiên An và học sinh trong trường tham gia biểu diễn.

“Qua những tiết mục biểu diễn đàn T’rưng, đàn đá… nhiều học sinh của trường thấy yêu thích và mong muốn học. Do đó, vào những tiết hoạt động ngoại khóa em Thiên An cùng giáo viên Âm nhạc hướng dẫn các bạn học, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc tại địa phương”, cô Xuyến nói thêm.

Chị Y Jưng cho biết: Mình sẽ là người đồng hành để con có thể tham gia biểu diễn nhằm giao lưu và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Con được tham gia cuộc thi Siêu tài năng nhí cũng là may mắn, tại đây con gặp được nhiều bạn nhỏ tài năng. Từ đó, sẽ giúp con mạnh dạn, có động lực học hỏi và trau dồi nhiều hơn. Mình đã tìm lớp học nhạc lý để con trau dồi kiến thức và bộc lộ hết năng khiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trực tiếp xsmb hôm nayPiano Hoàng Phúc