(GD&TĐ)-Trước những yêu cầu đặt ra đối với giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới, để thấy được hướng phát triển tương lai của Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong giáo dục ở Việt Nam, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ (VVOB) và Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức hội thảo “CNTT trong giáo dục Việt Nam – Tích hợp hay chuyển đổi”, diễn ra sáng nay (13/12), tại Hà Nội.
Hội thảo Công nghệ thông tin trong giáo dục Việt Nam – Tích hợp hay chuyển đổi”. Ảnh: gdtd.vn |
Hội thảo hướng đến mục tiêu tăng cường đối thoại về các lĩnh vực cụ thể của CNTT trong giáo dục ở Việt Nam nhằm phản ánh một tầm nhìn về giáo dục và vai trò của CNTT-TT để đổi mới, làm thay đổi giáo dục.
Với mục tiêu này, các đại biểu tham dự hội thảo đến từ Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin – Truyền thông, các trường ĐH, Viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đã cùng bàn thảo những nội dung liên quan đến cơ sở hạ tầng và nguồn lực CNTT-TT trong trường học; tính sư phạm khi ứng dụng CNTT-TT trong giảng dạy và học tập; CNTT trong phát triển chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và CNTT-TT trong chương trình quốc gia. Những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện tích hợp hay chuyển đổi CNTT-TT trong giáo dục; các biện pháp và lộ trình triển khai... cũng được thảo luận tại hội thảo.
Theo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, từ đầu năm 2012, Viện và VVOB, Hội đồng Anh tại Hà Nội, Unseco đã thúc đẩy đổi thoại giữa các thành viên chủ chốt về lĩnh vực CNTT-TT trong giáo dục ở Việt Nam. Rất nhiều ý kiến, quan điểm đã được bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, cần tiếp tục bàn bạc, liên quan đến "tầm nhìn quốc gia về CNTT-TT trong giáo dục", "cơ sở hạ tầng và các nguồn lực trong trường học", "tính sư phạm trong giảng dạy và học tập", "phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo trong nhà trường", "xây dựng chương trình quốc gia"...
Còn theo ông Nguyễn Vũ Hưng – Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD&ĐT, Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục nói riêng đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của CNTT-TT nên từ đầu những năm 80 đã chú trọng đưa CNTT-TT vào chương trình giáo dục đào tạo. Đến nay, một quy hoạch tổng thể về CNTT-TT trong Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã được xây dựng và đã được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Hưng cũng cho rằng, hiệu quả trong triển khai nội dung này còn chưa cao so chương trình và phương pháp giảng dạy còn bất cập , chưa thích ứng với thực tiễn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
“Vai trò giáo dục đào tạo vừa là tiền đề vừa là cửa ngõ định hướng và trang bị cho thế hệ trẻ về kiến thức CNTT-TT để họ bước vào cuộc sống, phụng sự đất nước, điều này đang đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải hành động để thay đổi, phải cải cách nó để đáp ứng. Đặc biệt, khi chúng ta đang trong thời kỳ thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục Việt Nam thì CNTT-TT chính là một công cụ mạnh để giúp giáo dục Việt Nam có thể hoàn thành được sứ mạng cao cả này” - ông Nguyễn Vũ Hưng nhấn mạnh.
Hiếu Nguyễn