Clip coi thường ứng viên cao đẳng khiến cộng đồng mạng phản ứng

GD&TĐ - Một clip đang có lượng chia sẻ khá lớn trên mạng xã hội ghi lại một nhóm bạn dùng lời lẽ xúc phạm một đồng nghiệp học cao đẳng.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Chiều tối 12/3, trên nhiều mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh một nhóm bạn ngồi “buôn chuyện” về một ứng viên vừa được tuyển làm nhân viên chính thức, còn bạn nam này thì vừa được công ty cho thôi việc.

Bạn nam này dùng rất nhiều cụm từ khiếm nhã và coi thường đồng nghiệp cũ chỉ vì người này học cao đẳng.

Bạn này cũng cho rằng tư duy của các bạn cao đẳng có vấn đề “không thể làm được những việc logic” nhưng không hiểu sao vẫn được tuyển làm nhân viên chính thức?

Clip đang được lan truyền trong cộng đồng mạng, đặc biệt là các hội nhóm sinh viên cao đẳng, đại học. Không ít bạn sinh viên cao đẳng phẫn nộ vì bằng cao đẳng bị bạn nam trong clip coi thường: “Cao đẳng nhưng năng lực xịn thì hơn đứt đại học năng lực phèn”, “Thời đại nào rồi coi trọng bằng cấp, đầy người không có bằng, hoặc học xong không dùng đến bằng kiếm tiền ngon kia kìa”.

Cũng nhiều bình luận thông cảm cho nhân vật vừa bị từ chối “người ta chỉ buồn quá, bức xúc quá nói mấy câu, làm gì mà ghê”.

Không chỉ cộng đồng mạng, nhiều giảng viên tham gia vào quá trình đào tạo, hướng nghiệp học viên - sinh viên cũng bày tỏ quan điểm của mình. Cô L.H.A, 26 tuổi, giảng dạy bộ môn Kỹ năng mềm tại một trường cao đẳng cho biết:

“Với xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp, nhiều vị trí hiện nay không yêu cầu bằng cấp quá cao. Ngoài bằng cấp, năng lực, thái độ làm việc là điều tiên quyết để bạn có thể phát triển và thăng tiến…

Tuy vậy, có một số nghề nghiệp đặc thù đòi hỏi bằng cấp cao như bác sĩ, kỹ sư, luật sư… Bằng cấp trong trường hợp này không chỉ thể hiện năng lực học vấn mà còn là sự cam kết của các bạn này với nghề nghiệp của mình.

Trước một vấn đề, ta nên có năng lực nhìn nhận đa chiều. Quan trọng là mỗi cá nhân phải hiểu chính xác nhu cầu, năng lực của bản thân và những gì xã hội cần để xác định con đường phù hợp.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ