CLB thể dục thể thao trong trường học - kết nối giáo viên và học sinh

GD&TĐ - Cùng với triển khai dạy học thể dục theo chuyên đề, các trường học ở Đà Nẵng đã hình thành những câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, thu hút sự tham gia của cả GV và HS.

CLB xe thăng bằng của HS lớp 1/1 Trường Tiểu học Núi Thành biểu diễn trong chương trình khai mạc Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. Ảnh: NTCC
CLB xe thăng bằng của HS lớp 1/1 Trường Tiểu học Núi Thành biểu diễn trong chương trình khai mạc Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. Ảnh: NTCC

Ngoài cải thiện và nâng cao thể lực, thể chất cho HS, những CLB này còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố để tham gia giải Hội khỏe Phù Đổng các cấp. 

Rèn luyện, phát triển sở thích

Trừ CLB Robotic, gần như các CLB khác của Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều sinh hoạt và tập luyện ngay sau giờ học chính khóa. Nhà trường có 6 CLB thể thao được thành lập gồm bóng bàn, bóng rổ, bóng đá, bơi lội, cờ vua, đá cầu. Trong số này, theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt thì CLB bóng rổ và bơi lội là có nhiều HS tham gia nhất. Hầu hết những HS tham gia các CLB thể thao đều là nòng cốt của đội tuyển tham gia Hội khỏe Phù Đổng các cấp. “Nhà trường không xây dựng giá dịch vụ mà chủ yếu bồi dưỡng cho những HS nằm trong đội tuyển tham gia các giải phong trào thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng. Chỉ một số rất ít phụ huynh cho HS tham gia với mục đích rèn luyện thể lực hoặc phát triển năng khiếu. Để duy trì các CLB này, thực sự GV phải rất tâm huyết để rèn luyện, bồi dưỡng cho HS tiến bộ”. 

Tham gia CLB cờ vua từ năm lớp 3 đến nay, em Phùng Phú Khánh (HS lớp 5/1, Trường Tiểu học Ngô Quyền – quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết: “Em rất thích chơi vờ vua. Trước đó, em đã tự học cách chơi qua kênh YouTube. Tuy nhiên, với việc tham gia CLB, em được thầy hướng dẫn bài bản các chiến thuật thi đấu, có bạn thi đấu cùng nên em cũng học hỏi được  nhiều hơn”. 

Thầy Giáp Văn Trường – Tổ trưởng Tổ Thể dục Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cho biết, mấy năm gần đây, nhà trường chỉ còn duy trì CLB bóng rổ và bóng bàn. “Do điều kiện sân bãi không có nên nhà trường đã phải giải tán một số CLB khác và chỉ duy trì 2 CLB bóng rổ và bóng bàn. Dù những môn như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội là những môn chủ lực của nhà trường trong Hội khỏe Phù Đổng nhưng để bồi dưỡng HS thì nhà trường đều phải đi thuê sân bãi để tập. Năm vừa rồi, nhà trường xếp giải Nhì toàn đoàn môn bóng bàn, giải 3 đồng đội nữ, giải 3 đồng đội nam bóng bàn và giải 3 toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng toàn thành phố. Nếu có điều kiện duy trì tất cả các CLB thì sẽ rất hiệu quả cho phong trào thể thao học đường. HS tham gia các CLB đều là những HS có năng khiếu và đam mê thực sự” – thầy Trường chia sẻ. 

Phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn nhiều năm liền được Sở GD&ĐT Đà Nẵng công nhận là Đơn vị có phong trào Hội khỏe Phù Đổng xuất sắc. Trong 5 năm liền, quận Ngũ Hành Sơn giữ vững thành tích nhất toàn đoàn khối quận, huyện môn việt dã, đội bóng đá nam khối tiểu học, THCS quận Ngũ Hành Sơn liên tiếp nằm trong tốp 3 dẫn đầu ở Giải Bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng do Báo Đà Nẵng tổ chức hàng năm. Có được thành tích này, một phần nguyên nhân là các trường học trên địa bàn đã đẩy mạnh hoạt động của các CLB các môn thể dục thể thao. Các trường khối THCS nằm trên quận Ngũ Hành Sơn, tùy theo điều kiện thực tế của mình, chọn từ 3 đến 4 môn chuyên sâu để đầu tư, thành lập các CLB. Trên cơ sở đó, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận cử cộng tác viên, huấn luyện viên phối hợp cùng GV thể dục của nhà trường hướng dẫn, huấn luyện cho HS.

CLB bóng rổ của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt vào các ngày cuối tuần. Ảnh: NTCC
CLB bóng rổ của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt vào các ngày cuối tuần. Ảnh: NTCC

Cải thiện thể chất học đường

Ông Hồ Anh Dũng – chuyên viên Phòng Giáo dục Phổ thông, phụ trách bộ môn Thể dục thể thao, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, Thể dục là môn khoa học dạy theo năng khiếu của HS, việc cho HS học liên tục một môn trong suốt cả cấp học theo sở thích giúp các em hình thành kỹ năng và thuần thục môn thể thao mình yêu thích. Trên cơ sở đó, việc phát triển phong trào, chuyên môn, chọn được vận động viên có chuyên môn, cải thiện thể trạng của HS được thuận lợi hơn. Có thể thấy rõ hiệu quả của việc dạy – học thể dục theo chuyên đề và duy trì các CLB thể dục thể thao trong trường học qua thành tích của đoàn vận động viên HS Đà Nẵng qua các kỳ Hội khỏe Phù Đổng. Như năm 2016, đoàn Đà Nẵng xếp thứ nhất tại Hội khỏe Phù Đổng khu vực 3, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành với 41 HCV, 32 HCB, 20 HCĐ đã phần nào khẳng định hiệu quả trong công tác giáo dục thể chất. Năm 2017, đoàn vận động viên HS Đà Nẵng có 35 giải, trong đó có 2 HCV, 9 HCB và 24 HCĐ. 

Triển khai dạy học thể dục tự chọn theo chuyên đề ở cả bậc THCS và THPT, ông Hồ Anh Dũng cho biết: “Do thời lượng 2 tiết/tuần chưa đủ để thực hiện các bài tập và kỹ thuật, nên GV cần hướng dẫn cho HS thực hiện ngoại khóa bằng hình thức tự tập hoặc tham gia các câu lạc bộ để hoàn thiện các kỹ thuật động tác và tăng cường thể lực”. Như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng), từ việc duy trì các CLB thể dục thể thao, ngoài góp phần cải thiện thể lực của HS còn giúp “cải thiện” cả cách nhìn lâu nay về HS trường chuyên.

Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tùy theo sở thích và năng lực của mình, HS có thể chọn theo học một trong 9 phân môn, như học bơi, đá cầu, bóng rổ, cầu lông, aerobic… Việc lựa chọn này đã giúp chất lượng giờ dạy tốt hơn, hiệu quả cao hơn, HS có điều kiện phát huy được năng khiếu trong thể dục thể thao. GV có điều kiện hướng dẫn kỹ về kỹ thuật cho các em, thành tích của HS vì vậy cũng được cải thiện. Nhưng quan trọng hơn cả là việc được chọn phân môn để theo học đã tạo được sự hứng thú cho cả thầy và trò trong các giờ học”. Năm học 2015 – 2016, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã giành vị trí thứ hai toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố.

Tính đến ngày 5/9/2020, toàn thành phố Đà Nẵng có 25/27 trường THPT, 30/67 trường THCS triển khai dạy thí điểm “Chương trình dạy học môn Giáo dục thể chất theo năng lực của học sinh và điều kiện của nhà trường”. Đối với các trường TH, THCS, THPT chưa có đủ điều kiện dạy học “Chương trình thí điểm” vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung dạy học theo chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ