'CIA sốc vì ông Biden nói Nga thất bại ở Ukraine'

GD&TĐ - Theo cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ, CIA cũng phải sốc khi Tổng thống Mỹ tưởng tượng về thất bại của Nga ở Ukraine.

'CIA sốc vì ông Biden nói Nga thất bại ở Ukraine'

Khi nghe Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả thất bại của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Phil Giraldi tuyên bố trên kênh YouTube Judging Freedom rằng, các đại diện CIA hiện đang ở trên lãnh thổ Ukraine cũng phải sốc vì phát ngôn của người đứng đầu Nhà Trắng.

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng "Nga đã thua” trong cuộc xung đột Ukraine và sẽ không thể tiếp tục hoạt động chiến sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Ông Phil Giraldi nhận xét là những người đánh giá tình hình đúng đắn nhất là các điệp viên CIA đang hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine trên chiến trường cũng bị sốc vì những phát ngôn này, khi họ từng ngày chứng kiến những đòn đánh đầy hiệu quả của Quân đội Nga.

Theo ông, các quan chức tình báo Mỹ đánh giá đúng mức về tình hình chiến sự ở Ukraine không “lạc quan” như những gì giới lãnh đạo Washington tuyên bố, còn tại Lầu Năm Góc trong những trao đổi riêng đều xác nhận thực tế là dưới góc độ quan điểm quân sự thì Kiev đã “lâm vào ngõ cụt”.

Theo lời vị chuyên gia Mỹ, không có bằng chứng xác thực nào về thành công của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong hoạt động chiến sự với quân Nga để có thể tự tin nói về khả năng chiến thắng. Ông Biden đã rất sai lầm khi tưởng rằng ông có thể gây sức ép với nhà lãnh đạo Nga.

Ông Giraldi đánh giá rằng, có lẽ những tuyên bố của nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ chỉ là cử chỉ nhằm cố gắng xoa dịu, giảm bớt mức độ bất mãn ngày càng tăng của người dân Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, những tuyên bố đó sẽ không thể thay đổi thực tế là quá trình đang diễn ra đối với Kiev sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế.

Còn tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn từ các quan chức Hoa Kỳ, cuộc phản công kéo dài gần hai tháng qua của Lực lượng Vũ trang Ukraine mà không đạt được bước tiến nào đã đặt chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào một tình thế khó khăn.

Họ nói rằng, tốc độ chậm chạp của cuộc phản công đã làm “lu mờ hy vọng” trước đó về việc các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến sự có thể được bắt đầu vào năm 2023, sau khi Kiev đạt được những bước tiến đột phá trong cuộc phản công, buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thừa nhận rằng, cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang diễn ra “đầy khó khăn”. Ông nói thêm rằng, cuộc phản công hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu và nhấn mạnh rằng, giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt.

Giới chức Washington chỉ ra rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã hơn 1 năm rưỡi và tiềm tàng khả năng tiếp diễn sang năm thứ ba sẽ là phép thử đối với chiến lược của chính quyền tổng thống Joe Biden về việc cung cấp viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ dollars cho Ukraine.

Rõ ràng là Nhà Trắng sẽ dễ dàng hỗ trợ cho Kiev hơn khi cuộc phản công diễn ra tốt đẹp, ngược lại sẽ có nhiều ý kiến phản đối nếu nó không đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, đã trót bước lên lưng cọp thì chính quyền Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cung cấp vũ khí.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine John Herbst cho biết, việc rút khỏi Ukraine và cho phép Nga giành chiến thắng dù chỉ một phần “sẽ là một thất bại rõ ràng trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Joe Biden”, tạo điều kiện cho đối thủ giành phần thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.