Chuyến xe bus định mệnh của chàng trai xứ Mường giành giải Nhất opera toàn quốc

GD&TĐ - Trần Quang Cảnh sinh ra và lớn lên ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Mẹ anh là người dân tộc Mường, bố là bộ đội đóng quân ở Hòa Bình.

Trần Quang Cảnh mong muốn truyền niềm đam mê âm nhạc cổ điển đến với khán giả trẻ.
Trần Quang Cảnh mong muốn truyền niềm đam mê âm nhạc cổ điển đến với khán giả trẻ.

Từng không nhận được sự ủng hộ của gia đình khi theo đuổi con đường âm nhạc nhưng cuối cùng Trần Quang Cảnh đã đoạt giải Nhất bảng A, Cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc năm 2023.

Chuyến xe bus định mệnh

Trần Quang Cảnh sinh ra và lớn lên ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Mẹ anh là người dân tộc Mường, bố là bộ đội đóng quân ở Hòa Bình. Họ gặp nhau như định mệnh đưa đẩy và nên duyên chồng vợ.

Gia đình không có ai theo âm nhạc nhưng từ bé Quang Cảnh đã bộc lộ thiên hướng nghệ thuật. Tuy vậy, con đường đến với âm nhạc chuyên nghiệp của em gặp khá nhiều trắc trở vì điều kiện gia đình không cho phép.

“Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi thiếu thốn đủ bề, chỉ được đi học phổ thông chứ em chưa hề có chút kiến thức gì về âm nhạc ngoài giọng hát trời phú. Vì thế, lúc đầu bố mẹ em không ủng hộ vì lo lắng bước vào con đường này con không có ai hỗ trợ, tương lai sẽ khó thành công”, Quang Cảnh tâm sự.

Giọng ca sinh năm 2000 cho biết: “Sau khi tốt nghiệp phổ thông, em đánh liều bắt xe bus từ Hòa Bình xuống Hà Nội. Thú thật, lúc đó em còn không biết đi chuyến nào để đến được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Như một nhân duyên đã định sẵn, tự nhiên chuyến xe đó lại dừng ngay trước cổng Học viện làm em sướng rơn lên. Vừa bước xuống xe, đứng trước cổng trường… em đã có cảm giác mình thuộc về nơi này.

Bố mẹ em không muốn cho theo nghề này nhưng em vẫn lén nộp hồ sơ. Chỉ đến khi gần thi bố mẹ mới biết”.

Thời điểm biết Cảnh thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, bạn bè cũng ngăn cản, có bạn khuyên phải xuống Hà Nội học ôn mới thi được vào trường. Suy nghĩ duy nhất của Cảnh lúc đó là “biết lấy tiền đâu ra để đi học và trang trải cho những chi phí sinh hoạt khi sống ở thành phố?”. Những điều đó làm cậu bé vốn chưa bao giờ rời khỏi núi đồi xứ Lương Sơn suy nghĩ rất nhiều.

“Cuối cùng, em tự an ủi bản thân: Thôi đã chọn con đường này rồi thì mình hãy quyết tâm, phải quyết tâm theo đến cùng”. Để thực hiện ước mơ đó, Cảnh đã tự vạch ra kế hoạch cho mình. Cảnh rời quê xuống Hà Nội, xin đi làm nhân viên bán vé ở bể bơi, kết hợp với việc ôn luyện.

“Bể bơi mở cửa từ 5 giờ sáng đến 21 giờ, em phải dậy từ sáng sớm đi làm, sắp xếp tranh thủ học vào buổi trưa rồi lại đi làm. Những ngày trời mưa, lạnh, buộc phải dậy sớm, xe bus chạy qua bị nhỡ, cũng muốn buông xuôi. Giờ nghĩ lại, em thấy mình những ngày ấy thật giỏi”, Cảnh kể. Cứ miệt mài như vậy cho đến khi em đạt được ước mơ, chính thức trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Opera chắp thêm đôi cánh

Cảnh khẳng định mình “may mắn nhất quả đất” khi được học với thầy - NSND Quốc Hưng.

Những ngày đầu mới vào Nhạc viện, cậu thấy mình như trang giấy trắng, một nốt nhạc bẻ đôi không biết… Thế rồi nhờ sự dìu dắt của NSND Quốc Hưng mà cậu đã tiến bộ lên từng ngày.

Suốt những năm tháng theo học tại trường, Quang Cảnh cũng đã cọ xát để học hỏi kinh nghiệm tại một số cuộc thi ca hát như: Sao Mai 2022, Giọng hát hay Hà Nội 2022, Thanh âm Hà Nội 2022.

Tuy nhiên, trong suốt hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc của mình, chàng trai xứ Mường chưa bao giờ nguôi mục đích lớn nhất là thử sức mình tại Cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc. Bởi đây là một cuộc thi có quy mô lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao.

“Cuộc thi này với em cũng là cái duyên. Năm 2019, em vừa vào trường thì cuộc thi bắt đầu. Em vào phòng hòa nhạc, mê mải xem từ chiều đến đêm, nghe các anh chị hát hay quá và tự hỏi khi nào mình sẽ biểu diễn tự tin được như vậy?

Khi cuộc thi năm nay khởi động, em băn khoăn hỏi xin ý kiến thầy Quốc Hưng. Thầy động viên em đăng ký thi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm của thầy. Hai thầy trò bắt đầu chọn bài và dựng bài suốt những ngày chuẩn bị bước lên sân khấu. Điều tuyệt vời và may mắn là thầy rất quan tâm và dành thời gian rất nhiều cho học sinh”, Quang Cảnh tâm sự.

Khó khăn lớn nhất với các thí sinh tham gia cuộc thi quy mô lớn là ở khâu chọn bài. Em phải tính toán rất nhiều để tránh bị trùng tác phẩm dự thi với các thí sinh khác. Khi chọn được ca khúc phù hợp thì thí sinh còn phải luyện tập và có cách xử lý thông minh để khoe được tốt nhất giọng hát của mình.

“Khó nhất trong bài thi của em là những tác phẩm được viết bằng tiếng Đức, tiếng Anh và cả tác phẩm Việt Nam. Trong đó, “Litanei” của Schubert dù là tác phẩm ngắn nhưng cần nhiều nội lực, cột hơi phải ổn định và giọng phải rất khỏe thì mới thể hiện tốt. Em đã phải dành nhiều thời gian luyện phát âm tiếng Đức cho chuẩn, đặt vị trí âm thanh đúng chỗ mới ra đúng tâm hồn của tác giả. Tác phẩm “The trumpet shall sound” của G. Handel được viết bằng tiếng Anh cũng rất khó về kĩ thuật vì chạy nốt âm vực rộng và người hát phải biết mở vị trí âm thanh để khán giả nghe rõ được những phụ âm”, Quang Cảnh giải thích.

Với tác phẩm “Côn Đảo” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi hát cổ điển thính phòng đòi hỏi phải hát được rõ lời, rõ từng câu chữ để khán giả nghe không bị cứng và hiểu được ca sĩ muốn truyền tải nội dung cảm xúc ra sao. Đây cũng là một thử thách lớn đối với chàng ca sĩ trẻ.

Xuất sắc vượt qua những khó khăn, thử thách, giọng britone Trần Quang Cảnh đã giành giải Nhất bảng A chung cuộc. “Cảm xúc của em vỡ òa xúc động, hạnh phúc và vinh dự. Điều đầu tiên em nghĩ tới là thầy của mình - NSND Quốc Hưng. Đây là món quà đầu tiên và lớn nhất sau gần 10 năm gắn bó, em dành tặng cho thầy, cũng như các thầy cô đã dạy dỗ em tại Học viện Âm nhạc quốc gia”, Quang Cảnh xúc động chia sẻ.

Quang Cảnh vẫn vừa học vừa làm để có thêm kinh nghiệm từ các thầy, các anh chị đồng nghiệp với mục tiêu hoàn thiện hơn về chuyên môn, từng bước làm nghề một cách chuyên nghiệp. Cảnh mong muốn có cơ hội cọ xát trên sân khấu thật nhiều, được truyền niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc thính phòng cổ điển đến với đông đảo khán giả trẻ.

“Cảnh có sự nỗ lực vượt bậc. Em đã là học trò của tôi năm thứ 7 rồi. Em có tố chất tốt, lại có cả đam mê, bám thầy “dai như đỉa”. Các buổi học em đến rất sớm nhưng cả những buổi không học em cũng đến, để nếu có ai nghỉ là em sẵn sàng nhảy lên thế chỗ trống ngay. Giọng hát của em rất đẹp, rất tình”, NSND Quốc Hưng nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...