“Qua câu chuyện của người xưa, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về trách nhiệm với quê hương, đất nước, nhân dân của người hôm nay như thế nào”, ông Hoàng Văn Long - Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ.
“Đoạn thâm tình” tái hiện lát cắt lịch sử cuối thế kỷ 18 đầy biến động của nước nhà, tập trung vào khoảng thời gian Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm mưu phản.
Theo ông Long, đoạn thâm tình ở đây chính là mâu thuẫn nảy sinh giữa hai vị tướng của quân Tây Sơn năm xưa lừng lẫy chiến công song lại bị sa ngã giữa vòng danh lợi để rồi phải chịu sự trừng phạt đích đáng. Vì thế, đây là câu chuyện chứa đầy đủ các dữ liệu để nghệ thuật tuồng thể hiện đặc trưng của mình như tính bạo liệt về cảm xúc, sự giằng co nội tâm nhân vật...
“Ngay khi tác giả Sỹ Chức gửi kịch bản “Đoạn thâm tình” đến, Hội đồng nghệ thuật nhà hát đã rất tâm đắc nên đưa vào kế hoạch dàn dựng của năm nay. Ngoài nội dung ý nghĩa, hấp dẫn, đây là vở diễn có nhiều đất diễn, có thể phát triển thành 4 nhân vật chính như Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm, dự kiến có sự tham gia của các nghệ sĩ: Trần Long, Đỗ Quyên, Chu Quang Cường, Tống Xuân Tùng”, ông Long chia sẻ.
Ngay sau lễ khởi công, đoàn truyền thống cùng với đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà bắt tay ngay vào công việc. Qua việc giới thiệu, phân tích về bối cảnh lịch sử cũng như việc hình dung về hình dáng, tính cách của từng nhân vật chính, ông Hà cho rằng, trong sự thành công của vở diễn thì việc các diễn viên hóa thân vào từng nhân vật như thế nào là vô cùng quan trọng.
Cũng bởi, mỗi nhân vật khi được tái hiện trên sân khấu phải có nét đặc trưng và diễn như cuộc đời của nhân vật đó vậy. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ cần có tài năng, niềm đam mê và lao động không ngừng.
Đó là, cùng với việc sử dụng các yếu tố bên ngoài như âm nhạc, vũ điệu, cử chỉ… để hỗ trợ diễn tả nội tâm nhân vật thì cần hơn cả là diễn viên thể hiện tâm lý từ bên trong với tâm trạng đầy những giằng xé, đau khổ nhất chứ không phải chỉ qua một vài động tác, cử chỉ, điệu bộ...
Cùng với đó, ông Hà lưu ý, “Đoạn thâm tình” có nhiều nút thắt song các xung đột đó không phải của sự kiện, biến cố bất ngờ, không phải trực diện giữa ta và địch, nhà Lê và quân Thanh, nhà Tây Sơn và quân Thanh...
Ở đây chỉ có những xung đột giữa con người với con người, giữa tình yêu và tình mẫu tử; về sự tương phản đúng - sai, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn. Có thể đạo diễn sẽ đưa ra những thủ pháp cùng nhiều mảng miếng để dàn dựng song quan trọng nhất vẫn là tài năng diễn xuất thể hiện được cái hồn nhân vật của diễn viên.
Chia sẻ về cơ duyên lần đầu hợp tác với Nhà hát Tuồng Việt, đạo diễn này cho biết, ông cảm thấy rất hạnh phúc, vui mừng. Vốn xuất thân từ đạo diễn kịch hát dân tộc nên ông rất mê phong cách của nhà hát trong hàng chục năm qua - đơn vị có bề dày truyền thống, nhiều nghệ sĩ thành danh.
Được làm việc cùng các nghệ sĩ là niềm vui và sự tin tưởng nhưng bên cạnh đó còn là những áp lực trên sàn diễn. Với vai trò của một đạo diễn, ông sẽ cố gắng có cách kể chuyện đảm bảo cấu trúc chặt chẽ, có tính hấp dẫn, thu hút người xem. Đồng thời, những gì thuộc về hồn cốt, chất liệu, vũ đạo, âm nhạc, phương thức trình diễn chỉ có ở nghệ thuật tuồng truyền thống sẽ được thể hiện trong “Đoạn thâm tình”.
Để đạt được điều đó, ông sẽ trao đổi với ê kíp sáng tạo từ biên đạo múa, đến họa sĩ thiết kế không gian mang tính ước lệ tượng trưng tả ý, tả thần nhiều hơn tả cảnh và lấy linh hồn của âm nhạc để hỗ trợ nhân vật bộc lộ toàn bộ các lớp tâm trạng và hoàn cảnh đặc biệt…
Vũ đạo cũng phải thúc đẩy kịch tính phát triển và các điệu múa được sáng tạo từ trình thức của nghệ thuật tuồng để bật ra phong cách riêng chứ không phải của chèo, ca múa nhạc chỉ để minh họa qua loa.
Đồng thời, ông cũng nhắc đến việc diễn viên cần thuộc tuồng, đó là chất xúc tác, ngẫu hứng cho đạo diễn khi dàn dựng. Nhiều sáng tạo bất chợt nảy ra từ sự hợp tác hiệu quả ở cả đôi bên song nếu vừa dựng mà vừa phải nhắc tuồng thì dễ bị phân tâm, khó tập trung.
“Với nòng cốt là đoàn truyền thống, tôi mong có thêm sự huy động về lực lượng từ đoàn thể nghiệm. Đồng thời, tôi mong ê kíp sáng tạo, các diễn viên cùng cộng tác, chia sẻ; cùng đổ mồ hôi trên sàn diễn cho đến khi tác phẩm hoàn chỉnh và đi đến đích: Chất lượng, hiệu quả.
Và cuối cùng, tất cả các tác phẩm muốn dựng, diễn kiểu gì cũng không quan trọng bằng việc nó có sự lay động và chạm vào trái tim người xem hay không - đấy là mục đích cao cả, thiêng liêng nhất.
Bởi vậy, trong thời gian đi chung thuyền “Đoạn thâm tình”, mong rằng cả ê kíp sẽ cùng vượt sóng để cống hiến cho khán giả một vở diễn sâu sắc về chủ đề tư tưởng, thông điệp rõ ràng, cùng những triết lý nhân sinh và để lại bài học gì cho cuộc sống hôm nay”, ông Hà bày tỏ.
“Sau nhiều năm dựng các vở tuồng lịch sử, chúng tôi luôn muốn làm mới mình qua việc mời các đạo diễn tên tuổi từ Bắc chí Nam cộng tác. Lần này, chúng tôi mời đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng vở “Đoạn thâm tình” và dự kiến khoảng đầu tháng 12 sẽ công diễn. Mong rằng, sự hợp tác lần đầu tiên này sẽ đem lại sự tươi mới ấn tượng cho kịch mục của nhà hát” - Ông Hoàng Văn Long, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.