Chuyện về người lính Nhật tử thủ suốt 30 năm

GD&TĐ - Cho đến những năm 1970, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã kết thúc gần ba thập niên. Những người lính trẻ đã trở về nhà, lập gia đình và bước vào tuổi trung niên.

Teruo Nakamura và túp lều nơi ông cố thủ.
Teruo Nakamura và túp lều nơi ông cố thủ.

Thế nhưng có một người không hề biết cuộc chiến tàn khốc đã qua đi, vẫn cố thủ trong một túp lều nhỏ trên đảo Morotai của Indonesia trong gần 30 năm.

Đơn độc trong rừng rậm

Vào tháng 12/1974, mười tháng sau khi Hiroo Onada, người lính Nhật không chịu đầu hàng, được phát hiện trong rừng rậm ở Philippines gây xôn xao dư luận, một binh sĩ khác của quân đội Thiên hoàng là Teruo Nakamura cũng được tìm thấy. Ông là người lính Nhật Bản cuối cùng không tin chiến tranh đã kết thúc.

Teruo Nakamura tên khai sinh là Attun Palalin, thuộc sắc tộc Amis, ra đời ngày 8/10/1919 tại Đài Loan (TQ). Ông nhập ngũ vào đơn vị Tình nguyện Takasago của quân đội Thiên hoàng vào tháng 11/1943 và được đưa đến chiến đấu trên đảo Morotai ở Đông Ấn, thuộc Hà Lan.

Vào ngày 15/9/1944, các lực lượng Mỹ và Australia đã tấn công đảo. Mặc dù chiến đấu kiên cường, nhưng do lực lượng mỏng, quân Nhật bị thương vong nặng nề. Nhiều người sống sót đã đầu hàng, số còn lại rút sâu vào rừng rậm trên đảo. Theo Time, đơn vị của Nakamura đã được lệnh tiến hành chiến tranh du kích trong hoàn cảnh như vậy.

Trong những tháng tiếp theo, nhiều binh lính Nhật còn lại bị bắt, ra đầu hàng hoặc chết vì bệnh tật hoặc đói khát. Nhưng Teruo Nakamura vẫn cùng một vài binh lính lạc ngũ tiếp tục chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, mặc dù họ không có cách nào liên lạc với thế giới bên ngoài.

Khi các tờ rơi được thả trên đảo vào năm 1945 cho biết Nhật Bản đã đầu hàng và chiến tranh không còn nữa, Nakamura cho đó là luận điệu tuyên truyền của kẻ thù. Ông và các đồng đội có lý do để tin chiến tranh chưa chấm dứt, do các máy bay vẫn liên tục bay qua hòn đảo. Trên thực tế, có một căn cứ của Không quân Indonesia ở gần đó và thường xuyên tiến hành các chuyến bay thực tập.

Năm 1956, Nakamura rời bỏ nhóm, ra đi một mình, có người cho rằng do ông bị đồng đội đe dọa giết chết. Lang thang sau nhiều ngày, ông tìm được một địa điểm kín đáo trong rừng, dựng lều và sống sót nhờ trồng khoai lang, ăn chuối rừng.

Teruo Nakamura đếm số ngày trôi qua bằng cách quan sát các chu kỳ Mặt trăng và buộc các nút vào một sợi dây, để đánh dấu năm, tháng trôi qua. Ông không hề biết rằng, sau khi ông rời đi không lâu, những đồng đội của ông đã được phát hiện và đưa ra khỏi nơi cố thủ.

“Tôi sống yên bình ở đây. Mặc dù không có ai để trò chuyện, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn còn một chút hy vọng và mong đợi. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo toàn tính mạng đã trở thành mục tiêu duy nhất của tôi và điều này khiến tôi kiệt sức”.

Theo podcast Skeptoid, vào một thời điểm nào đó, Teruo Nakamura liên hệ được với một nông dân địa phương tên là Baicoli và được tiếp tế một số mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống. Điều này diễn ra trong vài năm cho đến khi ân nhân này qua đời.

Trước khi chết, Baicoli dặn con trai mình tiếp tục chăm sócNakamura. Một số tài liệu cho rằng, người này đã thông báo cho chính quyền về sự tồn tại của người lính Nhật. Theo lời đồn, không phải do ác ý, mà anh ta lo ngại về tình trạng sức khỏe đang không tốt của Nakamura. Tuy nhiên, nguồn tin khác lại cho biết một phi công đã tình cờ phát hiện ra túp lều của Nakamura khi máy bay của anh ta bay qua hòn đảo.

Không biết nguồn thông tin nào chính xác, nhưng thực tế là vào tháng 11/1974, sau khi được thông báo có một nơi ẩn náu của quân đội Nhật Bản trên đảo Morotai, chính phủ Indonesia đã liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản để tổ chức cuộc tìm kiếm.

Trên đường truy tìm dấu vết người lính bí ẩn, người ta liên tục vẫy cờ và hát quốc ca Nhật Bản nhằm dụ Nakamura ra khỏi nơi trú ẩn. Biện pháp này mang lại hiệu quả. Vào ngày 18/12/1974, Nakamura, khi đó 55 tuổi, xuất hiện trong tình trạng không mảnh vải che thân và gần như kiệt sức. Người cựu binh Nhật Bản được đưa đến một bệnh viện ở Jakarta và thật đáng ngạc nhiên là sức khỏe của ông rất ổn.

Hồi hương sau gần 30 năm

Tượng Teruo Nakamura được dựng trên đảo Morotai để vinh danh ông về lòng trung thành. Tượng Teruo Nakamura được dựng trên đảo Morotai để vinh danh ông về lòng trung thành.

Nakamura trở về nhà và nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Cha mẹ ông đã chết. Đứa con trai mới sinh khi ông nhập ngũ, giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, có bốn người con. Còn người vợ cho rằng ông tử trận nên đã tái giá.

Theo Taipei Times, chồng sau của vợ ông sẵn sàng ra đi để hai vợ chồng đoàn tụ. Nhưng Nakamura không muốn gây xáo trộn cuộc sống của họ nên đã mua một căn hộ gần đó và thường xuyên thăm viếng họ như những người bạn.

Tuy nhiên, sự trở về của Nakamura lại gây ra phức tạp về chế độ và lương hưu dành cho cựu binh.

Khi Nakamura nhập ngũ vào năm 1943, Đài Loan là thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản. Trong gần 30 năm ông cố thủ ở Morotai, hòn đảo này đặt dưới sự quản lý của Quốc dân đảng. Mặc dù, Nakamura đã từng chiến đấu cho quân đội Thiên hoàng, nhưng chính phủ Nhật Bản không cho rằng họ phải trả cho ông ta số tiền lương hưu, vì về mặt chính thức ông không phải là công dân của đất nước Mặt trời mọc.

Điều này đã gây nên sự phẫn nộ trong dư luận. Bởi vì chỉ 10 tháng trước đó, Hiroo Onoda, một người lính khác của quân đội Nhật, được phát hiện tại Philippines và được hưởng toàn bộ quyền lợi của mình. Chính phủ lập luận rằng, Onoda là công dân Nhật, cấp bậc sĩ quan, trong khi Nakamura chỉ là một binh nhì. Họ chỉ trả cho ông 68.000 yên Nhật, tương đương khoảng 227 USD vào thời điểm đó.

Sau những tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông và sự phản đối kịch liệt của công chúng, nhà cầm quyền đảo Đài Loan đã trao tặng cho Nakamura 4.250.000 yên Nhật do người dân quyên góp, gần bằng số tiền mà Hiroo Onoda nhận được.

Trong bốn năm sau đó, Nakamura sống lặng lẽ và yên bình bên con cháu. Vào ngày 15/6/1979, ông mới chấp nhận thua trận và đầu hàng số phận do căn bệnh ung thư phổi.

Tại Indonesia, nơi Nakamura từng cố thủ 30 năm, một bức tượng được dựng lên để vinh danh ông về lòng trung thành của một người lính.

Theo allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ