Chuyện về bức tượng “vua cõng Phật”

GD&TĐ - Bức tượng “vua cõng Phật” còn có tên gọi khác là “vua sám hối” ngự trong chùa Hòe Nhai ở số 19 phố Hàng Than (Ba Đình - Hà Nội). Bức tượng được đánh giá là độc đáo có một không hai, nhưng cũng đem lại nhiều luồng quan điểm trái chiều.

Chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than.
Chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than.

Trong một lần chúng tôi cùng đoàn các nhà khoa học đi khảo sát các thư tịch cổ liên quan đến địa danh Đông Bộ Đầu, một chiến địa xưa khi nhà Trần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông gần 800 năm về trước. Dù rằng, danh từ Đông Bộ Đầu được xác định ở vùng Thường Tín, nhưng sau nhiều tìm tòi, mà phải kể đến những bia đá chùa Hòe Nhai thì sự thật mới dần vỡ vạc.

Dựa vào các tài liệu khảo cổ, PGS.TS Đinh Khắc Thuân ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác định địa điểm Đông Bộ Đầu qua văn bia Hòe Nhai, mà tên chữ là Hồng Phúc tự ở phường Thạch Khối, huyện Vĩnh Thuận (tục gọi là Hàng Than). Bia này hiện ở bên phải phía trước tòa đại bái.

Văn bia do Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân là Hà Tông Mục soạn, có đoạn: “Phường Hòe Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta, có ngôi chùa tên là Hồng Phúc. Chùa lấy sông Lô giang làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về. Phong cảnh hữu tình, tinh khí ngưng tụ”.

Như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Bến Đông Bộ Đầu chính là bến xưa gần cầu Thăng Long bây giờ - nơi gần 800 năm trước, nhà Trần đã phá tan đạo quân tàn bạo nhất thế giới. Thật chẳng có gì cảm động hơn khi tường tích lịch sử lại nằm trong chính văn bia chùa.

Và còn nhiều điều thú vị hơn ở trong ngôi thiền tự cổ kính này, lại có một bức tượng, mà người ta vẫn gọi là “dị tượng” độc đáo không chùa nào có: Vua cõng Phật. Câu chuyện dần tỏ lộ khi cánh cửa về những chuyện cũ được mở ra.

Vua sám hối

Tượng vua sám hối (đã phấn lại) được coi là “dị tượng” độc nhất vô nhị.
Tượng vua sám hối (đã phấn lại) được coi là “dị tượng” độc nhất vô nhị.

Đại đức Thích Tâm Hoan, Trụ trì chùa Hòe Nhai kể rằng: Vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo.

Đến thời Lê Hy Tông (1663 - 1716), vị vua này đã ra sắc lệnh đuổi hết sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng phạt. Vào đúng lúc tăng chúng phải chịu sắc lệnh rời chùa lên rừng, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông. 

Để trở lại khi vừa nhận sắc lệnh đã khó, lại tìm gặp vua càng là việc khó hơn. Cuối cùng hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng cách gửi tặng nhà vua chiếc hộp, trong đó nói có viên ngọc quý. Tuy nhiên thực chất trong hộp chỉ có một tờ biểu ghi lại những điều lợi mà Phật giáo mang lại. 

Tờ biểu có đoạn: “Đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì?”.

Pho tượng được chế tác thời Lê hay thời Nguyễn cũng chưa hẳn quan trọng. Vấn đề là cho đến nay, đây vẫn là bức tượng độc đáo có một không hai ở nước ta. Pho tượng là một bài học lưu truyền cho muôn đời sau biết một chân lý làm người, ai cũng phải sửa bỏ thói hư tật xấu. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai.
Đại đức THÍCH TÂM HOAN

Vua Lê Hy Tông đọc xong đã hồi tâm chuyển ý mà ngộ ra sự vi diệu trong Phật pháp. Ông cho thu hồi sắc lệnh và bức tượng vua phủ phục cõng Phật trên lưng ra đời từ đó.  

Theo quan sát, bức tượng thể hiện một vị vua quỳ gối phủ phục mang trên lưng một pho tượng khác, tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Quả thật, chỉ ở chùa Hòe Nhai mới có bức tượng này. Bức tượng được coi là bảo vật của nhà chùa.

Khách tham quan, phật tử đến lễ… không ai có thể rời mắt khỏi bức tượng lạ. Bức tượng là một bài học về sửa bỏ thói hư tật xấu. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai, để được tha thứ. Khi biết nhận lỗi, những người khác sẽ không đánh giá và quy tội nữa.

Tượng cổ nhất

Tượng “vua sám hối” nguyên bản chùa Hòe Nhai.
Tượng “vua sám hối” nguyên bản chùa Hòe Nhai.

Ngoài bức tượng lạ đó, chùa Hòe Nhai còn lưu giữ được nhiều tượng cổ được bày làm 6 lớp. Với 68 pho được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng.

Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Trong chùa còn có hệ thống văn bia cổ với 28 tấm to nhỏ khác nhau.

Qua đó chúng ta được biết chùa là “chốn tổ” của một trong những tông phái Phật giáo lớn của Việt Nam đó là phái Tào Động. Phái Tào Động có sư tổ thứ nhất là hòa thượng Thủy Nguyệt, tổ thứ hai là thiền sư Chân Dung. Tính đến năm 1932, phái Tào Động đã trụ trì ở Hòe Nhai được 47 đời. 

Nhiều Thiền Sư đã được vua ban sắc phong. Theo Đại đức Thích Tâm Hoan, hiện nay nhà chùa còn giữ được một đạo sắc phong do vua Lê Hiển Tông phong cho thiền sư Trần Văn Chức vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750).

Đại đức Thích Tâm Hoan cho biết, nếu như tượng “vua cõng Phật” là bức tượng độc đáo nhất, thì tượng Cửu Long (tức Thích Ca sơ sinh) được coi là cổ nhất của chùa Hòe Nhai. Dù rằng, cho đến nay nhà chùa cũng như các nhà khoa học chưa xác định rõ niên đại của bức tượng này, nhưng bức tượng Cửu Long vẫn được coi là bức tượng có đầu tiên, từ khi lập chùa.

Quan điểm trái chiều

Bản giới điệp của thiền sư Đạo Lịch chùa Hòe Nhai.
Bản giới điệp của thiền sư Đạo Lịch chùa Hòe Nhai.

Đại đức Thích Tâm Hoan cho rằng, chuyện kể về bức tượng “vua sám hối” đều do dân gian truyền lại chứ không có tư liệu sử sách xác nhận. Trong chùa có nhiều bia đá cổ nhưng không tấm bia nào ghi về chuyện này nên việc một nhà vua cho đúc tượng quỳ gối dưới chân Phật chỉ có thể coi đây là truyền thuyết để giải thích cho sự ra đời của bức tượng lạ.

Các ý kiến đồng quan điểm dựa vào dáng tượng mà phân tích rằng: Dáng nằm như gãy của vua thể hiện sự quy phục tuyệt đối, đó cũng là dáng của sự thuần phục chân thành. Một sự thay đổi xuất phát sâu sắc trong trái tim và nhận thức của vua. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó có PGS.TS Trần Lâm Biền, thì: “Pho tượng “vua sám hối” không thể có từ thời Lê. Có thể khi đó vua có cho tạc tượng nhưng là một pho tượng khác, không phải pho tượng đang nằm trong chùa Hòe Nhai.

Bởi dấu khóa trên vai trái của tượng cũng như những nếp hoa văn lượn sóng ở vạt áo thường được sử dụng phổ biến ở thời Nguyễn. Hơn nữa, đạo Phật chủ trương sự giác ngộ và đề cao sự nhẫn. Pho tượng này đã đi ngược tôn chỉ đó, làm hoen ố sự cao sang, thanh thoát vốn có của Phật giáo”. 

Cho dù có rất nhiều ý kiến khác nhau về bức tượng lạ chùa Hòe Nhai, nhưng vào năm 2006, trong dịp UNESCO công nhận lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới. Nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng “vua sám hối” chùa Hòe Nhai. Với sự độc đáo, tượng “vua sám hối” được ghi vào sách kỷ lục Guinness.

Chùa Hòe Nhai hay còn gọi là Hồng Phúc tự tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.000m2 gồm 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian và nhà tổ 7 gian tạo thành hình chữ  “Công”, sân chùa còn có 3 ngọn tháp cao ba tầng. Hoè Nhai là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý và là chốn tổ của phái Tao Động, một Thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.