Chuyển trạng thái dạy học phù hợp để hoàn thành “mục tiêu kép”

GD&TĐ - Sau khi xuất hiện những ca Covid-19 cộng đồng tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều địa phương của ngành Giáo dục tỉnh này đã chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.

Học sinh Hà Tĩnh chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến.
Học sinh Hà Tĩnh chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến.

Hơn 41.000 học sinh chuyển trạng thái học

Trước diễn biến phức tạp của các ca bệnh, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã cho hơn 60 trường với tổng số hơn 41.000 học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT chuyển trạng thái dạy học trực tuyến. Đây là những trường học nằm ở địa bàn liên quan đến các ca bệnh xảy ra trong cộng đồng được phát hiện trong những ngày gần đây gồm: TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Can Lộc.

Tại huyện Thạch Hà, ông Lê Văn Phương - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện sau khi phát hiện những ca Covid-19 trong cộng đồng, thì toàn bộ học sinh từ Mầm non đến THCS huyện Thạch Hà đã nghỉ học để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh.

Sau khi phát hiện những F0, nhiều trường học đã cho học sinh test nhanh để lấy mẫu thí nghiệm.
Sau khi phát hiện những F0, nhiều trường học đã cho học sinh test nhanh để lấy mẫu thí nghiệm.

Theo thầy Phan Thanh Ngọc, Phó hiệu trưởng trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà), sau khi có thông tin về các ca nhiễm Covid-19 mới và chỉ đạo của UBND huyện, nhà trường đã cho 1.537 học sinh nghỉ học để chuyển sang học trực tuyến.

“Từ đầu năm đến nay nhà trường vẫn triển khai song song cả 2 hình thức dạy học. Việc dạy học trực tuyến đã được Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch từ đầu năm học nên giáo viên rất chủ động, linh hoạt trong giảng dạy” – thầy Ngọc cho hay.

Sau khi phát hiện ca dương tính là giáo viên, để thực hiện phương châm dừng đến trường không dừng việc học, Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) đã chuyển trạng thái dạy học trực tuyến từ sáng ngày 8/11.

Lãnh đạo trường này cho biết: Nhà trường ngay sau đó đã thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh chuẩn bị bài vở, đồng thời động viên, nhắc nhở các em yên tập học tập, giữ gìn sức khỏe và thực hiện tốt quy định 5K. Giáo viên luôn trong trạng thái sẵn sàng thiết bị, giáo án để đảm bảo công tác dạy học trực tuyến.

“Việc chuyển trạng thái học tập đối với giáo viên, học sinh lần này không có gì bỡ ngỡ, vì việc này đã chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu năm học. Miễn sao thầy trò luôn sẵn sàng và đảm bảo chương trình họ tập cũng như việc giữ gìn sức khỏe” – lãnh đạo nhà trường cho hay.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm.

Em Lê Mai Thu (lớp 12A1, Trường THPT Kỳ Anh) khi được hỏi về việc nhà trường sẽ chuyển sang học trực tuyến, Thu không tỏ ra bất ngờ. “Việc này không có gì lạ khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khắp cả nước, đối với bọn em miễn sao chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức, phương tiện máy móc để học tập” – em Thu chia sẻ.

Tại TP. Hà Tĩnh, để thích ứng với diễn biến dịch bệnh, việc chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến cũng đã được áp dụng cho các Trường THCS, THPT trên địa bàn. Các trường tiểu học, một số ít triển khai học trực tuyến và trường mầm non tạm thời nghỉ học.

Thầy Trần Thanh Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP. Hà Tĩnh) cho hay: “Khi chuyển trạng thái học tập, giáo viên, học sinh tại trường không có gì bỡ ngỡ, bởi chúng tôi vẫn duy trì song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến từ đầu năm học. Trừ những giáo viên liên quan đến các ca bệnh vừa thực hiện cách ly tại nhà vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các thầy cô khác vẫn đến trường thực hiện dạy trực tuyến theo thời khóa biểu”.

Dừng đến trường nhưng không dừng học

Với phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, ngành Giáo dục tỉnh đã chỉ đạo Ban giám hiệu các trường học chuyển trạng thái dạy và học, để đảm bảo chương trình, thời lượng học tập cho học sinh.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, việc chuyển trạng thái dạy học được các địa phương chủ động triển khai. Chương trình giảng dạy được các trường thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp theo các phương án mà Sở xây dựng ngay từ đầu năm học.

Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đã chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến.
Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đã chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến.

“Đối với những học sinh đủ điều kiện sẽ tổ chức học trực tuyến. Còn học sinh vùng khó, nhà ở các bản không có điện, Internet, thiết bị…, Ban giám hiệu các trường chủ động chỉ đạo giáo viên phát phiếu, giao bài, hướng dẫn học sinh tự học” – bà Diệp cho hay.

Cũng theo vị giám đốc Sở này, Ngành giáo dục đã chỉ đạo riêng cấp học mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, còn bậc tiểu học chờ tình hình thực tế để bố trí học trực tuyến trong thời điểm phù hợp nhất. Giáo viên cần chủ động liên hệ, phối hợp với gia đình hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Bà Mai Thanh Loan, tổ 6, P. Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh có 2 cháu đang học mầm non phải nghỉ vì dịch. “Lúc đầu cũng lo vì người lớn trong nhà phải đi làm hết, có mình tôi không biết chăm lo, dạy dỗ các cháu như như nào. Nhưng hôm nay cô giáo gọi điện, hướng dẫn tổ chức cho các cháu chơi, vệ sinh phòng dịch tại nhà… nên cũng yên tâm hơn”,  bà Loan chia sẻ.

Ngoài ra, các nhà trường cũng được yêu cầu thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh và diễn biến dịch bệnh để có phương án xử lý, chỉ đạo kịp thời.

Dừng đến trường, nhiều người lo ngại việc học gián đoạn, lượng kiến thức con em mình tiếp thu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cho rằng, đây không phải vấn đề đáng lo.

Bà Diệp cho biết: Do có sự chủ động “thời gian vàng” học trực tiếp từ đầu năm đến nay, nên khung kiến thức, thời lượng đã truyền đạt cho học sinh đều đi trước chương trình của Bộ GD&ĐT từ 1 - 2 tuần học.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cũng cho hay, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã xây dựng kịch bản chi tiết và chỉ đạo về công tác phòng chống, ứng phó dịch. Trong đó, kịch bản thứ 4 hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức dạy học sau khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong đó, sẽ linh hoạt bố trí lịch học của học sinh, thời khoá biểu của giáo viên phù hợp tình hình cụ thể. Mục tiêu là sử dụng tối đa quỹ thời gian trong ngày để vừa dạy kiến thức mới vừa ôn tập, củng cố kiến thức trong thời gian không học trực tiếp cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.