Hồ sơ

Chuyện tình hơn 6 thập kỷ giữa hai đầu chiến tuyến

GD&TĐ - Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chàng lính người Liên Xô Ivan Byvshikh đem lòng yêu cô gái trẻ người Đức nhưng cả hai phải chia xa nhau.

Ivan và Waldhelm tổ chức đám cưới nhỏ ở tuổi 80.
Ivan và Waldhelm tổ chức đám cưới nhỏ ở tuổi 80.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chàng lính người Liên Xô Ivan Byvshikh đem lòng yêu cô gái trẻ người Đức nhưng cả hai phải chia xa nhau. Trải qua 60 năm, họ vẫn một lòng thương nhớ người tình nên đã tìm về và kết hôn ở tuổi 80.

Mối tình giữa bom đạn

Chiến tranh có thể khiến con người mất đi niềm tin vào tình yêu và cuộc sống tươi đẹp. Thế nhưng giữa Chiến tranh Thế giới thứ hai, một tình yêu đặc biệt đã nảy nở giữa chàng lính trẻ Hồng quân Liên Xô và cô gái xinh đẹp người Đức. Chuyện tình của họ không chỉ khiến nhiều người xúc động, mà còn là minh chứng tình yêu có thể nảy nở ở những nơi “khô cằn” nhất.

Một buổi sáng năm 2007, bà Elizabeth Waldhelm, 80 tuổi, người Đức, tìm tới Đại sứ quán Nga tại Đức để xin thị thực đến Siberia. Nhân viên đại sứ quán không giấu nổi sự tò mò khi một cụ bà 80 tuổi muốn đến vùng đất lạnh giá Siberia dù không phải thăm gia đình hay bạn bè.

“Tại sao bà lại muốn đến Siberia xa xôi?”, một người đặt câu hỏi. Waldhelm lập tức trả lời rằng bà muốn tìm gặp một cựu binh sĩ của Hồng quân Liên Xô, người mà bà đã đem lòng yêu 60 năm về trước. Bà thậm chí còn muốn kết hôn với người đó ở tuổi “gần đất xa trời”.

Trong khoảnh khắc ấy, một trong những câu chuyện tình cảm động nhất thời chiến giữa hai con người ở hai chiến tuyến, hai đất nước khác nhau được hé lộ.

Ivan Byvshikh là cựu quân nhân Liên Xô
Ivan Byvshikh là cựu quân nhân Liên Xô

Tháng 7/1945, chàng trai 20 tuổi Ivan Byvshikh gia nhập Hồng quân Liên Xô. Giống như nhiều thanh niên hồi đó, ông Ivan Byvshikh mang theo khát vọng và hoài bão tuổi trẻ tham gia vào quân đội phục vụ đất nước. Đơn vị của Ivan được phân đến tham chiến tại Đức. Thời điểm đó, ông Ivan được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đóng quân ở ba thị trấn nhỏ Heyerode, Diedorf và Eigenriede, nằm phía Tây Nam thủ đô Berlin.

Và bà Elizabeth Waldhelm thời trẻ.

Và bà Elizabeth Waldhelm thời trẻ.

Trước đó, trong Chiến dịch Berlin (từ 16/4 - 9/5/1945), Hồng quân Liên Xô đã đánh tan lực lượng vũ trang ở Berlin, giải phóng thủ đô dưới Đức Quốc xã. Sự kiện này đánh dấu Đức Quốc xã đã thất bại hoàn toàn, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai trên chiến trường châu Âu.

Trong thời kỳ này, người dân Đức và lực lượng chiếm đóng gần như không tiếp xúc với nhau nhưng giữa họ cũng không có thái độ thù địch hay căm ghét. Riêng Ivan có một người bạn Đức, vốn là cựu binh Wehrmacht. Hai người thường cùng nhau uống bia, chuyện trò.

Trong một lần nói chuyện, anh bạn này đã giới thiệu em gái Elizabeth Waldhelm cho Ivan. Từ lần gặp đầu tiên, cả hai đã cảm thấy quý mến và gần gũi với nhau. Theo quy định, lính Liên Xô không được phép hẹn hò với các cô gái Đức nhưng tình cảm của hai người phát triển khăng khít, Ivan đã quyết định chuyển đến sống cùng Waldhelm trong một căn hộ nhỏ.

Dù cả hai đã cố gắng giấu kín mối quan hệ nhưng câu chuyện tình của họ nhanh chóng lan rộng trong khu vực. Thay vì phản đối, người dân đều cảm thấy mối tình nảy nở giữa không khí căng thẳng của chiến tranh là câu chuyện đẹp nên không phản đối. Về phía các sĩ quan cấp cao Đức, họ cho rằng đây chỉ là mối tình nhất thời của tuổi trẻ nên linh động bỏ qua. Dẫu sao trong chiến tranh, người lính cần tìm thú vui tiêu khiển để quên đi nỗi nhớ nhà và giải tỏa căng thẳng, áp lực.

Đôi uyên ương chia xa

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi ông Ivan tuyên bố muốn lấy Waldhelm làm vợ. Ngay lập tức, các sĩ quan ra lệnh điều Ivan về nước vì muốn tách cặp đôi. Thời điểm đó, chuyện tình giữa quân lính Liên Xô và người Đức là chuyện hoang đường nên mọi người nghĩ rằng chỉ cần hai người xa nhau, họ sẽ không còn cơ hội đến với nhau. Vì không thể chống lại quân lệnh, ông Ivan đành từ biệt Waldhelm và trở về nước.

Thế nhưng trong 10 năm sau đó, dù Ivan ở Siberia và Waldhelm ở Đức, cả hai vẫn viết thư cho nhau mỗi ngày.

Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, bà Waldhelm kể lại: “Tôi ngày đêm trông đợi anh ấy. Tôi ấp ủ hy vọng rằng chúng tôi sẽ có cơ hội ở bên nhau”.

Tuy nhiên, chuyện này đã không xảy ra. Những lá thư của họ không thể qua mắt chỉ huy. Năm 1956, Ivan bị triệu tập trước ủy ban an ninh và được yêu cầu chấm dứt “điều đáng hổ thẹn với cô gái người Đức”. Ông đành viết lá thư từ biệt gửi cho Waldhelm và hứa sẽ không bao giờ liên lạc với cô.

Bức thư khiến trái tim Waldhelm tan nát. Mối tình lãng mạn giữa chàng lính người Liên Xô và cô gái người Đức cũng theo đó chấm dứt nhưng cả hai vẫn cẩn thận cất giữ những kỷ niệm đẹp trong tim. Sau này, họ tiếp tục sống và xây dựng gia đình riêng.

Nhiều thập kỷ sau đó, vợ Ivan qua đời, ông trở về với cuộc sống một mình. Giữa nỗi cô đơn và trống trải, những kí ức về mối tình mãnh liệt thuở trẻ lại ùa về. Ông vẫn giữ những bức thư với Waldhelm và thường lấy ra đọc khi cảm thấy quạnh hiu. Mọi người thân thiết xung quanh Ivan đều biết và ngưỡng mộ mối tình đẹp của họ.

Biết Ivan vẫn chưa nguôi nỗi nhớ thương tình cũ, những người bạn của ông đã bí mật tìm cách liên lạc với bà Waldhelm và mời bà đến thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga, để gặp lại người yêu cũ. Khi nhận được thông tin, bà Waldhelm vô cùng xúc động. Chẳng những bà còn có cơ hội liên lạc với Ivan mà ông vẫn còn yêu và nhớ thương bà rất nhiều.

Tình yêu giữa Ivan và Waldhelm nảy nở trong khói lửa chiến tranh.

Tình yêu giữa Ivan và Waldhelm nảy nở trong khói lửa chiến tranh.

Đường đến hạnh phúc

Waldhelm quyết định ly hôn và xin cấp thị thực đến Nga để tìm lại tình yêu đích thực sau 60 năm xa cách. Khi đấy, bà 80 tuổi. Hiểu cho tình cảm của Waldhelm, những người thân yêu đều ủng hộ bà quay lại với ông Ivan và xây dựng cuộc sống hạnh phúc dang dở.

Những người bạn đã âm thầm tổ chức một buổi gặp mặt cho cả hai. Họ thúc giục Ivan cạo râu, mặc bộ đồ đẹp nhất và cùng họ đến gặp một người đặc biệt quan trọng. Ivan không hay biết sự sắp đặt của bạn bè mà còn lờ đi, cáu kỉnh khi họ kéo ông tới buổi hẹn.

Chiếc xe đưa họ đến một ngôi nhà xa lạ. “Hãy đi cầu thang lên tầng 2. Ngay khi bước vào phòng, ông sẽ tự mình trải nghiệm mọi thứ”, những người bạn nhắc nhở. Làm theo lời mọi người, ông Ivan gần như chết lặng khi nhìn thấy Elizabeth Waldhelm trong mái tóc màu hoa râm, khuôn mặt điểm nếp nhăn và những chấm đồi mồi.

“Làm sao em có thể tìm được anh?”, Ivan liên tục hỏi. Ông tưởng mình đang lạc trong giấc mơ, nơi ông được hội ngộ với người tình. Dù thời gian khiến họ trở nên già nua nhưng tình yêu của họ mãi không thay đổi, thậm chí còn day dứt và nồng cháy hơn xưa.

Cả hai đăng ký kết hôn vào năm 2007. Cảm động trước mối tình của Ivan và Waldhelm, thống đốc Krasnoyarsk đã quyết định tặng cặp đôi một căn hộ lớn, nơi họ viết tiếp mối tình dang dở. Câu chuyện của họ được giới truyền thông săn đón.

Vào hôm Ivan và Waldhelm đăng ký kết hôn, cánh nhà báo có mặt từ rất sớm tại Văn phòng Đăng ký Dân sự Krasnoyarsk để đợi gặp họ. Ít nhất có 100 phóng viên, nhà báo đến từ Moscow, Nga và Berlin, Đức. Có người tin có người nghi ngờ trước những gì họ sắp chứng kiến và chuẩn bị viết bài. Đó là mối tình giữa một cựu Hồng quân Liên Xô và một cô gái thường dân Đức. Cả hai đã cách xa nhau 6 thập kỷ và trở lại kết hôn ở tuổi 80.

Cặp đôi đến văn phòng đăng ký trên chiếc ô tô Lincoln màu đen. Ngay khi chiếc xe dừng lại, các máy quay liền chĩa vào họ. “Buổi lễ kết hôn có ý nghĩa như thế nào với hai người?”, “Làm sao hai người có thể tìm lại nhau?”, “Quyết định kết hôn của hai người có phải là quyết định tự do và chân thành hay không?”, cánh nhà báo thi nhau đặt câu hỏi.

Khoác tay người mình yêu trong ngày lễ trọng đại, bà Waldhelm nở nụ cười tươi và đáp lại: “Vâng, tất nhiên rồi”. Sau khi ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, Ivan và Waldhelm trao nhẫn cưới cho nhau. Chỉ trong vài phút, giấc mơ mà họ đeo đuổi suốt 60 năm đã thành hiện thực.

Kết thúc có hậu

Sau đám cưới riêng tư bên những người thân thiết, cả hai chuyển vào sống trong căn hộ mới. Waldhelm bỏ tiền tiết kiệm để mua thảm, bát đĩa, đồ nội thất cho gia đình nhỏ. Họ chung sống với nhau như những đôi vợ chồng trẻ mới cưới.

Mỗi ngày, cả hai đi bộ quanh khu phố và dừng lại trò chuyện với những người hàng xóm. Sau đó, họ về nhà đọc sách, ngồi trò chuyện ngoài hiên bên hai chiếc ghế bành êm ái. Các cuộc trò chuyện miên man không dứt khi cả hai kể cho nhau nghe về cuộc sống trong 60 năm vừa qua. Cặp đôi chủ yếu trò chuyện bằng tiếng Đức vì Ivan vẫn nhớ ngôn ngữ này từ thời chiến.

3 năm sau ngày cưới, vào năm 2010, bà Elizabeth Waldhelm qua đời vì bệnh. Khi ngã bệnh, bà trở về Đức chữa trị. Trong thời gian này, bà vẫn thường xuyên gọi điện cho ông Ivan mỗi ngày.

“Em sẽ về nhà sau một, hai tháng nữa”, Waldhelm trấn an chồng. Thế nhưng, các cuộc gọi đột ngột chấm dứt. Waldhelm lên cơn đột quỵ và qua đời. Ivan không thể sang Đức dự đám tang vợ mình. Sức khỏe ông quá yếu và người thân sợ ông không thể chịu đựng khi chứng kiến tang lễ của Waldhelm.

Mỗi lần kể lại chuyện tình với Waldhelm, ông Ivan xúc động bộc bạch: “Tôi yêu cô ấy rất nhiều. Tình yêu tôi dành cho cô ấy vẫn nguyên vẹn”.

Theo RBTH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ