Chuyện thú vị về tháp Chăm cổ vừa xác lập kỷ lục thế giới

GD&TĐ -Tháp Phú Diên vừa được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) công nhận là “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển, được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Không chỉ là điểm đến văn hoá, tháp cổ cạnh bờ biển Phú Diên còn thu hút du lịch.
Không chỉ là điểm đến văn hoá, tháp cổ cạnh bờ biển Phú Diên còn thu hút du lịch.

Mới đây, trong khuôn khổ Tuần lễ Festival Huế 2022, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định xác lập Kỷ lục thế giới đối với tháp Chăm Phú Diên, huyện Phú Vang. Di tích này được phát lộ một cách tình cờ và rất đặc biệt – khi cách mép nước biển tới 120 mét.

“Kho báu” phát lộ sau 12 thế kỷ

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, tháp Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa. Đây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chăm Pa trước khi chuyển sang kiểu kiến trúc vật liệu bền vững.

Tháp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8, sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm hiện nay. Đồng thời, cũng là công trình cổ nhất trong số tháp Chăm còn tồn tại dọc theo dải đất miền Trung.

Các tài liệu khảo cổ cho biết, sáng ngày 18/4/2001 tại bờ biển xã Phú Diên (Phú Vang - Thừa Thiên - Huế), một nhóm công nhân khai thác titan đã tình cờ phát hiện một khối gạch bị vùi sâu dưới lòng cát.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Nguyễn Khoa Điềm sau đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.

Theo đo đạc, tháp cổ nằm sâu dưới lòng cát từ 5 đến 7 mét, thấp hơn mực nước biển 3 đến 4 mét và cách mép nước biển 120 mét.

Gần 5 tháng sau, việc khai quật được tiến hành từ ngày 5 - 23/9/2001. Sau khi lộ diện hoàn toàn, nhìn tổng thể khối gạch này là một khối kiến trúc hình chữ nhật.

Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp... Dưới móng tháp là một lớp đá sỏi cuội làm nền.

Sau khi phát hiện, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo ngành văn hoá địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát kỹ lưỡng địa điểm này.

Các nhà nghiên cứu đã xác định đây là tháp Chăm, với kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm Pa.

Tháp Chăm cổ Phú Diên vừa xác lập kỷ lục thế giới.
Tháp Chăm cổ Phú Diên vừa xác lập kỷ lục thế giới.

Giá trị tầm thế giới

Tháp Chăm Phú Diên đã hiện diện trên bản đồ du lịch Huế, nổi tiếng về một điểm đến độc đáo. Từ giá trị vật chất đến giá trị tinh thần, từ công trình kiến trúc đến văn hóa tâm linh, tháp Phú Diên có tiềm năng có thể khai thác phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch – đặc biệt trong khuôn khổ Tuần lễ Festival Huế 2022.

Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, tháp Phú Diên có dạng hình chữ nhật. Nhìn từ bên ngoài, tháp có 1 bệ thờ và 4 cửa. Cửa chính quay mặt ra biển Đông, cửa hướng Đông đã bị sụp đổ một bên. Còn lại là 3 cửa giả có cùng kích thước và kiểu dáng.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế: Phần mặt bằng đáy tháp dài 8.22 mét, rộng 7.12 mét, càng lên cao càng thu nhỏ dần.

Chiều cao tháp dao động từ 3.1 đến 3.26 mét, do hệ quả của bị lún nghiêng. Đế tháp có hình chữ nhật cắt góc, cao 0.29 mét với bốn lớp gạch xây kín. Chân tháp cao 1.25 mét, thân tháp cao 1.36 mét.

Phần bên trong của tháp dài 3.9 mét, rộng 3.3 mét, ở giữa là bệ thờ cao 0.73 mét, trên bệ có yoni bằng đá sa thạch. Ở phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ bằng gạch hình khối vuông khít nhau cao đến 1.4 mét, chính giữa đục một lỗ tròn có đường kính to bằng một gang tay. Theo các nhà khoa học, đây có thể là nơi từng đặt tượng thờ.

Dù trải qua khoảng thời gian dài nhưng tháp Phú Diên vẫn có màu gạch đỏ hồng và xốp. Theo nghiên cứu, gạch được làm từ đất sét và nung trong nhiệt độ thấp dưới 800 – 900 độ C. Tháp được xây bằng kĩ thuật mài chập kết hợp nhớt cây ô dước cùng với nước để tạo sự kết dính.

Tại khu vực khai quật, các nhà khoa học còn phát hiện một số đồ cúng tế. So với các tháp Chăm khác, thì các họa tiết của tháp Phú Diên mang tính cách điệu và sơ khai hơn, dẫn đến phỏng đoán đây có thể là một tháp có từ rất sớm.

Kết quả phóng xạ carbon sau đó cho thấy tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 8, thuộc thời kỳ chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai.

Đây chính là vùng đất thuộc đất Chăm Pa và trở thành đất Đại Việt trong sự kiện vua Chăm Pa là Chế Mân dâng Châu Ô và Châu Rí để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân.

Sau khi hoàn thành các thủ tục khảo sát, nghiên cứu, tháng 12/2001, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng di tích tháp Phú Diên là di tích quốc gia. Tháng 10/2005, tháp được tiến hành bảo tồn tu bổ và hoàn thành vào tháng 5/2007, với kinh phí gần 4 tỉ đồng.

Hiện nay, tháp Phú Diên đang được bảo tồn trong một nhà kính nhằm hạn chế tác động từ môi trường tự nhiên. Nhìn trực tiếp, đường khối của tháp đã bị biến dạng nhiều do thời gian và tác động của thiên nhiên sau 12 thế kỷ. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thấy sự tinh tế, tài hoa từ những đường nét, hình khối kiến trúc.

Đến nay, tháp cổ Phú Diên đã được nhóm công nhân tình cờ phát hiện, được bảo tồn hơn 20 năm và chính thức được ghi danh xác lập kỷ lục thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.